Nông dân Anh Sơn vào vụ thu hoạch khoai lang đỏ
Những ngày này gia đình chị Trần Thị Sen thôn 2 xã Phúc Sơn đang tập trung ra đồng thu hoạch khoai lang đỏ ở vùng đất Cồn Kè. Lau vội những giọt mồ hôi trên trán giữa cái nắng đầu chiều, chị Trần Thị Sen, chia sẻ: Năm nay gia đình chị đưa vào trồng 2,5 sào diện tích khoai lang đỏ trên đất ruộng.
Trồng khoai lang lấy củ rất khỏe, ít tốn công và ít chi phí vật tư hơn so với trồng ngô, lúa. Để trồng cây khoai lang, bà con lấy lại một ít củ trồng tại vườn nhà làm giống. Đến vụ thì cắt phần ngọn giống đó đưa ra ruộng trồng. Khoảng 15 ngày sau, khoai bén rễ, bắt đầu phát triển thì đánh luống hai bên, rồi bón lân, ka-li và phân chuồng hoai để cây sinh trưởng phát triển. Chỉ sau 4 tháng trồng, 1 sào khoai lang cho năng suất đạt 5- 6 tạ/sào, với giá hiện tại từ 8.000 đến 10.000/kg, sau khi trừ chi phí cho gia đình chị Sen thu nhập 4-5 triệu đồng/sào.
Gia đình chị Nguyễn Thị Đương ở thôn 2 xã Phúc Sơn cũng là một trong những hộ có kinh nghiệm trồng khoai lang đỏ nhiều năm nay. Chị Đương cho biết: Vùng đất Cồn kè này rất thích hợp với trồng khoai lang, hất lượng khoai rất ngon so với các vùng đất khác. Bắt đầu từ tháng 11 âm lịch người dân bắt đầu xuống giống khoai và đến tháng 2 âm lịch thu hoạch. Năm nay gia đình chị trồng gần 3 sào khoai, kể từ lúc xuống giống đến khi thu hoạch thời tiết thuận lợi nên khoai sinh trưởng phát triển tốt. Hơn nữa khoai lang thích hợp với đồng đất và khí hậu nơi đây nên cho củ sai và to, đặc biệt là có ưu điểm củ khoai bở, ngọt, thơm ngon, có hương vị đặc trưng không nơi nào có được.
Hiện tại trên diện tích gần 3 sào khoai của gia đình chị mới thu hoạch được gần 1 nửa. Khoai lang đỏ sau khi thu hoạch được chị Đương loại bỏ cồi và phân ra thành 2 loại, trong đó loại 1 là những củ khoai to không bị “lỗi”, bán với giá 10- 12 nghìn đồng/kg, còn loại 2 bán với giá 7- 8 nghìn đồng/kg, sau khi trừ chi phí cho gia đình chị thu về trên 10 triệu đồng.
"Những năm gần đây, việc chuyển đổi cây trồng phù hợp với chất đất và mang lại hiệu quả kinh tế cao ở xã Phúc Sơn là một vấn đề luôn được chính quyền quan tâm đặt lên hàng đầu. Trước đây, cây khoai lang được xem như loại cây trồng để làm thức ăn chăn nuôi, nhưng vài năm trở lại đây, cây khoai lang đã được “nâng tầm” và trở thành loại cây cho thu nhập chính, mang lại hiệu quả hơn hẳn so với các loại cây nông nghiệp khác, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người nông dân" - ông Nguyễn Thế Phương, Phó chủ tịch UBND xã Phúc Sơn huyện Anh Sơn cho biết.
Riêng vụ trồng khoai lang năm nay toàn xã Phúc Sơn có 10 ha tập trung ở vùng Cồn Kè thuộc thôn 2, thôn 3 và thôn 4. Hộ trồng nhiều thì 5 sào, hộ ít thì 1- 2 sào. Hiện tại đang là thời điểm thu hoạch, với giá bán loại 1 củ to là từ 10.000 – 12.000 đồng/kg, loại 2 củ vừa và nhỏ là từ 7- 8.000 đồng/kg. Tính trung bình 1 ha các hộ thu về từ 60- 80 triệu đồng. Ưu điểm của các giống khoai lang này là chất lượng củ thơm ngon, được thị trường ưa chuộng cho nên giá bán luôn ổn định. Từ hiệu quả cây khoai lang mang lại, thời gian tới xã sẽ quan tâm tới việc duy trì và khuyến khích người dân chuyển đổi những diện tích sản xuất kém hiệu quả sang trồng cây khoai lang, nhằm đa dạng hóa cơ cấu cây trồng và nâng cao giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích, giúp bà con nông dân có thu nhập cao, cải thiện đời sống.
Thái Hiền