Mướp hương Anh Sơn đắt hàng ngày nắng nóng
Nhanh tay cắt những quả mướp dài, căng tròn anh Nguyễn Văn Quảng ở thôn 4 xã Cẩm Sơn cho biết: Nhận thấy cây mướp có giá trị kinh tế cao hơn hẳn các loại cây rau màu khác, hơn nữa thời gian sinh trưởng ngắn nên vụ hè thu năm nay, gia đình anh đã mạnh dạn đầu tư trồng nhiều hơn mọi năm trên diện tích 4 sào.
Theo anh Quảng, để mướp hương cho hiệu quả cao, ít sâu bệnh, gia đình đã bón phân vào thời điểm cây bắt đầu bám giàn, đầu tư dây thép, dây cước và cọc rào để làm giàn chắc chắn. Cùng với đó, tưới đầy đủ nước trong ngày nắng nóng, nhất là giai đoạn ra hoa, vì vậy, vườn mướp gia đình cho quả nhiều, thu hoạch liên tục. Hiện tại, mướp đang vào vụ thu hoạch chính, mỗi ngày gia đình anh Quảng hái được 8-9 yến, lúc cao điểm hái được 2 tạ quả. Do thu hoạch vào thời điểm nắng nóng cao điểm, nguồn cung rau xanh trên địa bàn thiếu việc tiêu thụ “đắt như tôm tươi” sau khi thu hoạch xong thương lái đến đặt tận vườn thu mua, giá bán hiện tại 5.000 đồng/kg. Có thời điểm thị trường khan hiếm rau xanh, giá mướp được đẩy lên 8.000- 10.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí mỗi sào cũng cho gia đình anh Quảng thu nhập 10- 12 triệu đồng.
Cũng giống như gia đình anh Nguyễn Văn Quảng, những ngày này gia đình chị Võ Thị Hương thôn 1/5 xã Cẩm Sơn cũng đang tập trung thu hoạch mướp hương. Chị Hương chia sẻ: Cây mướp đã được gia đình đưa vào trồng được 5 năm nay. Sau khi xuống giống 45 ngày, mướp hương bắt đầu cho thu hoạch hàng ngày, lại có thể thu hoạch liên tục từ 3- 4 tháng. Vụ này tuy khó làm do thời tiết nắng hạn nhưng do mướp thời điểm này hiếm, lại thiếu rau xanh nên rất dễ tiêu thụ. Với diện tích 2 sào mỗi ngày gia đình chị đều cắt bán khoảng 60- 70 kg mướp, cho gia đình chị thu về 300- 400 nghìn đồng mỗi ngày.
"Hiện nay diện tích trồng mướp toàn xã lên đến trên 5 ha, chủ yếu tập trung tại thôn 2, thôn 4, thôn 1/5… Cây mướp hương ở Cẩm Sơn cho kích cỡ quả vừa phải, chỉ nhỉnh hơn cổ tay. Do chất đất, nên mướp hương ở đây mang hương đặc trưng có vị ngọt mát và thơm rất được ưa chuộng trong những ngày nắng. Để mướp có vị ngọt và thơm như vậy, bà con bón các loại phân vi sinh được ủ từ phân chuồng và các loại phế thải nông nghiệ để tạo ra sản phẩm đặc trưng của địa phương" - ông Nguyễn Văn Thắng, Phó chủ tịch UBND xã Cẩm Sơn cho biết:
Những năm gần đây, bà con nông dân huyện Anh Sơn đã đưa nhiều loại cây rau màu chống hạn vào trồng và đã thành công, mang lại hiệu quả kinh tế cao trong đó có cây mướp hương. Không chỉ ở xã Cẩm Sơn mà bà con nông dân ở các xã Thạch Sơn, Hoa Sơn, Tào Sơn cũng tận dụng diện tích đất vườn nhà, đất vệ, đât đồng màu để trồng mướp, với diện tích toàn huyện lên đến 15 ha.
Theo bà con trồng mướp vốn đầu tư không nhiều, chịu được hạn rất tốt, cho thu hoạch hàng ngày, lại có thể tận thu liên tục từ 3- 4 tháng. Với giá cả như hiện nay, mỗi sào mướp cho năng suất bình quân 2 tấn, cho bà con nông dân lãi ròng từ 10- 12 triệu đồng/sào. Đây thực sự là một loại cây màu giúp người dân có thêm thu nhập, góp phần giảm bớt khó khăn cho bà con nông dân khi các loại rau mùa hè bị chết do nắng nóng. Với giá trị cây mướp hương mang lại, huyện Anh Sơn đang khuyến khích người dân mở rộng diện tích trên các diện tích đất màu, đất đồi vệ, đất ruộng để tạo ra “đặc sản” của địa phương, nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích.
Thái Hiền
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin