Tìm về Khánh Quang những ngày cuối năm, ngay từ đầu làng, tiếng máy kéo xen lẫn tiếng cười nói rộn rã của người dân làm nghề khiến ta quên đi cái giá rét của tiết trời giáp Tết. Tiến sâu vào làng, ta có thể nhận ra mùi hương thoang thoảng của mật mía. Thứ mùi hương khiến ta tưởng tượng ra ngay bát mật mía sóng sánh, thơm ngọt bên cạnh đĩa bánh chưng, bánh gai hay đĩa chè lam ngày Tết.
Được thành lập từ những năm 1963 do người từ xã Hưng Khánh, huyện Hưng Nguyên lên Khánh Quang theo chương trình xây dựng nông trang. Nghề làm mất mía cũng được người dân mang theo lên Khánh Quang lập nghiệp cũng từ đó.
Mùa ép mật ở Khánh Quang bắt đầu thường vào tháng 11 âm lịch và kéo dài đến tháng 1 năm sau. Việc nấu thành phẩm là một quá trình phức tạp yêu cầu người nấu phải có kỹ thuật, kinh nghiệm mới có thể cho ra những mẻ mật thơm ngon. Quá trình nấu mật mía quan trọng nhất là giữ lửa trong lò luôn ổn định. Nếu lửa quá to, tay đảo không đều mật dễ bị cháy. Nếu lửa quá nhỏ thì công đoạn keo mật sẽ rất lâu.
Công đoạn keo mật là công phu, mất thời gian và công sức nhất. Ở công đoạn này, yêu cầu người nấu phải luôn đảo liên tục và đều tay. Khi bắt đầu sôi, nếu không vớt kịp bọt, làm mật bị trào thì mật sẽ có màu đen, mật kém thơm ngon. Khi nào thấy nước mía chuyển sang sền sệt và có màu đỏ là được. Giá bán tại nhà, bà con cũng thu được 30 - 36 ngàn đồng/lít, còn giá bán lẻ ngoài thị trường còn cao hơn. Có những gia đình trừ chi phí, có thể thu lãi 30 - 50 triệu đồng/vụ.
“Đầu tháng 11 âm lịch triển khai kẹo còn kết thúc tầm 25 tháng 12 âm lịch. Sau mỗi mùa thu hoạch mía như vậy mỗi gia đình trừ chi phí rồi đạt tầm 40-50 triệu. Để duy trì nghề mật này từ lâu lắm rồi làng Khánh Quang đây có truyền thống thương hiệu. Thu hoạch không có một hộ dân nào tồn tại mật mà tiêu thu ra thị trường tất cả các tỉnh thành”- anh Mạnh Trọng Vinh, xóm Khánh Quang, xã Châu Quang cho biết.
“Gia đình ép cũng phải mượn người, một lần ép khoảng 3-4 người. Một ngày ép được khoảng dăm tấn, một tấn mía được 1 sách 20 lít. Một ngày ép được 10 sách 200 lít. Mỗi năm khoảng 2000 lít, mức độ mật giờ nhập cho nhà máy đường giờ mình ép ra mật thì tính ra lời gần một gấp ba nếu như mình ép ra mật, nếu bán cho nhà máy đường tầm 70-80 /tấn. Thu nhập trong 2 tháng tính ra 6-7 chục triệu thôi” - ông Hoàng Kim Thắng, xóm Khánh Quang, xã Châu Quang chia sẻ.
Toàn xóm có 106 hộ thì đã có hơn một nửa số hộ dân tham gia sản xuất mật mía. Mỗi vụ sản xuất, xóm Khánh Quang cho ra thị trường gần 700 tấn mật với tổng thu nhập đạt từ 500-700 triệu đồng. Nhờ làm mật mía nhiều gia đình ở Khánh Quang đã có đời sống khấm khá so với những vùng khác trong huyện. Những ngày này, khách đến nhà tha hồ uống mật pha với nước chè xanh. Nhà nào cũng chuẩn bị một ấm nước chè chát, chờ cho nước mía thành phẩm là có thể hòa lẫn với nhau để uống. Vị chan chát của chè kết hợp với mật mía tạo nên một hương vị vô cùng thơm ngon.
“Hơn một nửa dân làm mía, một hộ tổng thu nhập trong một năm khoảng từ 15-20 triệu đồng, thời gian thu hoạch từ khoảng 15/12 dương lịch gần đến cuối tháng 1 của năm sau kết thúc trong vòng khoảng gần 2 tháng nguồn mía của xóm Khánh Quang. Nghề mía nghề truyền thống đem lại nguồn thu nhập lớn cho gia đình cho dù đó nghề phụ nhưng có một khoản tiền cho bà con cuối năm để trang trải đón tết nguyên đán”- ông Nguyễn Đình Công, xóm trưởng Khánh Quang, xã Châu Quang trao đổi.
Vào những cuối năm, các lò nấu mật ở đây đang chạy đua với thời gian để cho ra lò những mẻ mật thơm ngọt nhất phục vụ Tết. Vào những ngày này đến làng nấu mật mía Khánh Quang ai cũng đều cảm nhận được một vị thơm ngọt lẫn trong cái gió heo may lành lạnh như báo hiệu một cái tết nữa đang đến gần.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin