Kinh tế

Ngư dân Nghệ An bám biển trong mùa dịch Covid -19

15:16, 19/03/2020
Mặc dù ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nhưng với sự quyết tâm, kiên trì bám biển, ngư dân Nghệ An khai thác hải sản đạt thắng lợi. Tàu về bến hàng tấn cá, mực được thương lái thu mua xuất khẩu.

Xã Tiến Thủy có 269 phương tiện tàu cá, trong đó có 145 chiếc trên 90 CV. Mặc dù ảnh hưởng dịch bệnh Covid – 19 nhưng sau Tết đến nay, ngư dân địa phương vẫn kiên trì bám biển và đạt sản lượng cao. 

 
 Ngư dân xã Tiến Thủy (Quỳnh Lưu) về bến xuất bán hải sản. 

Ngư dân Hồ Văn Trung ở xã Tiến Thủy cho biết, tàu của ông vừa mới trở về cập bến sau hơn 7 ngày đánh bắt ở vùng biển Bắc vịnh Bắc Bộ, chuyến này tàu đánh được hơn 4 tấn cá và mực. Sau khi về bến, trong buổi sáng đã xuất bán hết hải sản mang về nguồn thu nhập hơn 190 triệu đồng. Trừ các khoản chi phí, mỗi thuyền viên thu nhập được  5 - 7 triệu đồng. 
“ Mới đầu bà con ngư dân rất lo lắng dịch Covid – 19 sẽ ảnh hưởng đến giá trị và việc tiêu thụ hải sản khi tàu về bờ. Tuy nhiên, không riêng tàu của tôi mà hàng trăm tàu cá khác về Lạch Quèn cũng xuất bán hải sản dễ dàng, không gặp trở ngại gì. Trường hợp tàu cá về bờ cùng một lúc thì khi đó giá có sự chênh lệch do thương lái ép giá. Tuy vậy, cũng không ảnh hưởng lớn đến tâm lý và công việc của bà con ngư dân” -  ông Trung chia sẻ.

 
 Dù ảnh hưởng dịch bệnh Covid – 19, ngư dân Quỳnh Lưu khai thác đạt sản lượng cao. 

Tâm lý vững vàng khi hải sản đánh bắt về được tiêu thụ nhanh, kịp thời nên ngư dân xã Tiến Thủy động viên nhau bám biển khai thác trong mùa dịch Covid – 19 mang về sản lượng cao. Theo thống kê từ UBND xã Tiến Thủy, từ đầu năm đến nay, ngư dân toàn xã khai thác được hơn 2.500 tấn hải sản đạt doanh thu đạt hơn 30 tỷ đồng (trong đó sản lượng tăng hơn 1.000 tấn kéo theo doanh thu tăng 10 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2019). 

 
 Hải sản được thu mua, đóng hàng để xuất khẩu thị trường nội địa.

Theo tìm hiểu tại các cơ sở thu mua, chế biến hải sản ở Quỳnh Lưu và thị xã Hoàng Mai, trong điều kiện dịch bệnh Covid – 19 đang phức tạp, các cơ sở này đều hoạt động bình thường. Toàn bộ hải sản được thu mua tại tàu cá đều được vận chuyển đi xuất khẩu vùng nội địa; còn lại người dân mua về chế biến, cấp đông và xuất bán dần.
Anh Hồ Văn Lực – chủ cơ sở thu mua, chế biển xuất khẩu hải sản ở xã Tiến Thủy cho biết, thực tế hiện nay, hải sản đánh bắt ở Quỳnh Lưu chủ yếu là những loài truyền thống và phần lớn phục vụ thị trường nội địa. Riêng với một số hải sản có giá trị cao như cá hố, cá ngừ, cá thu.. thuộc đối tượng xuất khẩu cũng đang là bài toán để cơ sở tính đến nếu ảnh hưởng Covid -19 kéo dài. Đối với cơ sở của anh Lực, thời gian tới nếu những mặt hàng này được ngư dân đánh bắt về sẽ tập trung thu mua và sau đó sơ chế thành dạng một nắng, sấy khô bảo quản. Lúc đó, chờ đến khi thị trường Việt Nam – Trung Quốc ổn định trở lại mới bắt đầu xuất khẩu đi. 

 
 Từ đầu năm đến nay, ngư dân Quỳnh Lưu xuất khẩu khoảng hơn 7.000 tấn cá trong thị trường nội địa, còn lại hơn 2.000 tấn được chế biến, cấp đông.

Để có được sản lượng và giá trị đạt cao, thời gian qua, huyện Quỳnh Lưu đã làm việc với các doanh nghiệp thu mua hải sản để chủ động điều chỉnh kế hoạch chế biến và xuất khẩu. Đối với việc khai thác đánh bắt, huyện cũng yêu cầu bà con ngư dân có thể thay đổi ngư trường đánh bắt, hạn chế khai thác những loài hải sản hiện đang khó xuất khẩu như cá hố, cá trỏng, cá ngừ.. để qua đó khai thác đối tượng khác để dễ dàng tiêu thụ, góp phần nâng cao thu nhập khi dịch bệnh đang diễn biến phức tạp.

 
Cá hố là mặt hàng xuất khẩu đi Trung Quốc hiện đang được sơ chế thành một nắng để bảo quản. 

Tính đến 18/3, toàn huyện Quỳnh Lưu khai thác hơn 9.000 tấn hải sản, trong đó gồm các loại cá có giá trị như cá hố trên 20 tấn; cá đốm hơn 500 tấn; cá trích hơn 200 tấn… Dự kiến, đến hết tháng 3/2020, sản lượng đánh bắt đạt hơn 10.000 tấn, tăng khoảng từ 500 tấn – 1.000 tấn so với năm 2019.

Việt Hùng

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện