Ảnh hưởng từ dịch bệnh
Trong những ngày qua, ngoài các cơ sở kinh doanh dịch vụ tại các thành phố bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch Covid – 19, tại khu vực nông thôn, các làng nghề sản xuất hoạt động cầm chừng, thậm chí phải dừng hoạt động để phòng chống dịch.
Tại gia đình ông Hoàng Tuấn Sâm, từ ngày thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, các quán ăn sáng ngừng hoạt động; đám cưới, đám hỏi cũng hạn chế khiến nghề làm bún trở nên khó khăn, năng suất giảm tới 70%. Theo ông, lúc bình thường, một ngày gia đình làm 6 tạ bún cung cấp cho toàn huyện, nhưng nay do ảnh hưởng của dịch bệnh, gia đình làm 2 tạ bún để duy trì.
“Khi chưa có dịch, gia đình huy động khoảng 6 công nhân làm việc, nhưng nay chỉ cần 2 vợ chồng cùng con trai làm việc. Bún sản xuất ra chủ yếu được bà con đến nhà mua một vài cân để ăn sáng chứ không mang đi các chợ bán nhiều như trước đây”, ông Sâm cho biết.
Các hộ làng nghề sản xuất cầm chừng để duy trì hoạt động trong mùa dịch. |
Cũng như hộ ông Sâm, nhiều hộ làm bún ở huyện Quỳnh Lưu cũng giảm doanh thu do ảnh hưởng của dịch bệnh. Cùng với đó, hàng chục lao động tham gia sản xuất không có việc làm buộc phải ở nhà chờ dịch bệnh qua đi.
Còn tại làng nghề sản xuất nước mắm Phú Lợi 1, phường Quỳnh Dị, thị xã Hoàng Mai, dịch bệnh kéo dài cũng gây ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân nơi đây. Gia đình bà Nguyễn Thị Khuyên là một trong những hộ chịu ảnh hưởng lớn do dịch bệnh. Trước đây, mỗi tháng bà sản xuất ra 4.000 lít nước mắm cung cấp đi các thị trường trong và ngoài tỉnh, nhưng trong tháng 3 và tháng 4/2020, do ảnh hưởng của dịch bệnh khiến nhu cầu sử dụng nước mắm giảm mạnh nên trong 2 tháng này, bà chỉ sản xuất khoảng 1.500 lít để bán cho người dân trong vùng sử dụng.
Năng suất giảm, đồng nghĩa gia đình bà không có nguồn thu nhập, nguyên liệu thu mua về không có nơi chế biến do sản phẩm vẫn còn tồn lại. Vào mùa, hàng chục công nhân tham gia chế biến nước mắm nay chỉ cần 1 – 2 người để làm công việc giao hàng.
Năng suất các làng nghề giảm khoảng 70% so với thời điểm trước dịch bệnh. |
Phường Quỳnh Dị, thị xã Hoàng Mai hiện có trên 140 hộ sản xuất nước mắm với trên 500 lao động, trong đó có 30 hộ sản xuất quy mô lớn và có đăng ký thương hiệu “ Nước mắm làng nghề Phú Lợi”. Theo thống kê, mỗi năm làng nghề nước mắm Phú Lợi 1 sản xuất ra thị trường khoảng hơn 2,5 triệu lít.
Ông Văn Huy Thắng - Chủ tịch phường Quỳnh Dị, thị xã Hoàng Mai cho biết: Riêng năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh, sản lượng nước mắm chắc chắn giảm rất nhiều do nhu cầu tiêu dùng hạn chế. Khi mùa dịch qua đi, địa phương tuyên truyền người dân tiếp tục sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tìm kiếm thị trường để vượt qua khó khăn này.
Nỗ lực vượt qua
Quỳnh Lưu hiện có 40 làng nghề và làng có nghề, trong đó có 34 làng nghề truyền thống được UBND tỉnh công nhận và 10 làng có nghề được huyện công nhận với các ngành nghề chủ yếu gồm nghề mây tre đan, mộc mỹ nghệ và dân dụng, chế biến hải sản, móc sợi, hương trầm, sản xuất miến… thu hút và giải quyết việc làm cho khoảng 3.000 lao động nông thôn. Doanh thu hàng năm trong các làng nghề đạt xấp xỉ 300 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đạt từ 2,5 – 4,5 triệu đồng/người/tháng. Dịch Covid - 19 không chỉ ảnh hưởng lớn đến sản xuất, doanh thu, mà còn ảnh hưởng đến việc làm của hàng trăm nghìn lao động nông thôn. Hơn nữa, việc phòng, chống dịch trong thời điểm hiện nay là yêu cầu bắt buộc của toàn xã hội. Trước thực trạng đó, các làng nghề buộc phải tìm hướng đi phù hợp để bù đắp những thiệt hại do dịch bệnh gây ra.
Đối với làng nghề chế biến hải sản, làng nghề miến.., nhằm ổn định sản xuất, nhiều hộ đã dành thời gian quảng cáo, bán hàng qua mạng để tiếp tục duy trì hoạt động.
Nhiều hộ sản xuất thay đổi phương thức bán hàng để thích ứng với khó khăn do dịch bệnh. |
Ông Dương Hà Nam – Trưởng Ban làng nghề sản xuất nước mắm Tân An, xã An Hòa (Quỳnh Lưu) cho biết, trong thời buổi khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh, cơ sở luôn trăn trở để sản phẩm làm ra không bị tồn đọng. Do vậy, cơ sở của ông đã dành thời gian trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, lựa chọn nguyên liệu tươi ngon hơn, đặc biệt có cơ chế giảm giá thành để thu hút người tiêu dùng.
Cũng như ở làng nghề mây tre đan Đồng Văn, xã Quỳnh Diễn, trước đây mỗi tuần xe ô tô của Công ty Đức Phong đến tận nơi thu gom hàng trăm sản phẩm như đèn lồng, giỏ sách… thì nay công việc đan lát bị ngừng trệ, công nhân không có việc làm. Trong thời điểm này, thay vì dừng sản xuất, các gia đình tiếp tục sáng tạo một số mẫu mã mới, cải tiến hình dáng, họa tiết tạo ra những sản phẩm phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Khi dịch bệnh đi qua, các cơ sở sản xuất làng nghề mây tre đan Đồng Văn có thể bắt tay ngay vào sản xuất, ứng dụng những mẫu mã. Một mặt, các cơ sở sản xuất cũng tổ chức dọn dẹp, chỉnh trang nhà xưởng, nơi làm việc để quy củ, gọn gàng hơn.
Trước những khó khăn do dịch bệnh mang lại, các làng nghề sản xuất trên địa bàn Nghệ An mong muốn nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước. Tuy vậy, họ cũng lo ngại với quy mô sản xuất chủ yếu là hộ gia đình, nên khó tiếp cận được nguồn vốn vay hỗ trợ./.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin