Tàu về nghỉ trăng, 2 chiếc tàu làm nghề lưới chụp của ngư dân Nguyễn Đức Thắng ở xã Tiến Thủy (Quỳnh Lưu) tiến sát vào cảng Lạch Quèn để xuất bán hải sản. Niềm vui được nhân lên khi cả 2 con tàu hoạt động đánh bắt đạt sản lượng mang về nguồn thu nhập cao.
Ngư dân Nguyễn Đức Thắng, thuyền viên xã Tiến Thủy (Quỳnh Lưu) chỉ lên biển hiệu được ví như "lệnh bài" được tham gia đánh bắt vùng đánh cá chung Vịnh Bắc Bộ. |
“Cả 2 chiếc tàu này đều khai thác ở vùng đánh bắt cá chung Vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc. Một chiếc có thu nhập trên 400 triệu, chiếc còn lại hơn 300 triệu. Để ra được vùng đánh cá chung, tàu phải đăng ký và lắp biển hiệu mới yên tâm khai thác”- ngư dân Thắng phấn khởi chia sẻ.
Cùng về cập bến đợt nghỉ trăng này, xã Tiến Thủy có 30 tàu đăng ký và khai thác từ vùng biển cá chung Vịnh Bắc Bộ. Theo các ngư dân, khi có trong tay “lệnh bài” đánh bắt ở vùng đánh cá chung, ngư dân càng thêm tự tin để khai thác hải sản. Mặc dù phía tàu Trung Quốc cũng có lượng tàu khai thác tại vị trí này nhưng cả hai bên đều tuân thủ Hiệp định Hợp tác nghề cá Vịnh Bắc Bộ.
Với 30 tàu đăng ký khai thác ở vùng đánh cá chung, sản lượng toàn xã Tiến Thủy đạt gần 2.000 tấn, tăng gấp đôi các tháng trước. |
Thuyền trưởng Nguyễn Đức Hà chủ phương tiện tàu cá có “lệnh bài” VO 484 chia sẻ khi tàu đánh bắt ở vùng đánh cá chung Vịnh Bắc Bộ. Theo anh, chỉ có các tàu có công suất từ 90 CV – dưới 650 CV mới được đăng ký khai thác ở vùng đánh cá chung, khi được chấp thuận đăng ký, Chi cục Thủy sản Nghệ An sẽ lắp biển dấu hiệu nhận biết là nền phản quang màu đỏ, chữ và số màu trắng cùng chuẩn kích thước và chất liệu. Có được biển hiệu này, ngư dân xem đó là tấm “lệnh bài” mỗi khi ra vùng đánh cá chung để khai thác hải sản.
“Từ ngày ra vùng đánh cá chung khai thác, ngư trường mở rộng nên con cá, con mực cũng nhiều hơn, sản lượng phải tăng gấp 2 – 3 lần so với đánh ở vùng biển Việt Nam từ 90 hải lý trở vào đất liền. Trong tháng 3/2020, tàu ngư dân đều trúng mực, cá hố mang về nguồn thu nhập cao. Ngoài tăng sản lượng, ngư dân muốn khẳng định và bảo vệ chủ quyền biển đảo” - thuyền trưởng Hà cho biết.
Cá hố, mực được khai thác nhiều ở vùng đánh cá chung Vịnh Bắc Bộ. |
Tiến Thủy có 269 phương tiện tàu thuyền, trong đó có 145 tàu có công suất trên 90 CV. Đây cũng là địa phương có số tàu đánh bắt ở vùng đánh cá chung Vịnh Bắc Bộ đứng đầu của huyện với 30 tàu. Việc khai thác ở vùng đánh bắt cá chung góp phần cùng với đội tàu toàn xã nâng cao sản lượng. Theo thống kê, trong tháng 3/2020 sản lượng đánh bắt toàn xã đạt gần 2.000 tấn, tăng từ 800 – 1.000 tấn so với tháng 1 và tháng 2/2020 cho doanh thu gần 26 tỷ đồng. Trong đó, cá hố trên 20 tấn; mực 45 tấn; cá đốm 150 tấn; cá thu 1,5 tấn; cá các loại chiếm gần 1.600 tấn..
Thực hiện hiệp định Hợp tác nghề cá Vịnh Bắc Bộ được Việt Nam - Trung Quốc ký kết năm 2004, ngư dân huyện Quỳnh Lưu đăng ký 100 tàu công suất từ 90 CV – dưới 650 CV, chiều dài tàu từ 15 – dưới 24 mét. Sau 15 năm thi hành, Hiệp định hết hiệu lực từ 01/7/2019. Mới đây, Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp & PTNT vừa có Văn bản số 2475 ngày 04/10/2019 thông báo: Được sự đồng ý của Chính phủ 2 nước, Hiệp định Hợp tác Nghề cá Vịnh Bắc Bộ Việt Nam - Trung Quốc sẽ được gia hạn hiệu lực thêm 1 năm, từ ngày 01/7/2019 đến ngày 30/6/2020.
Theo đó, tàu cá hoạt động trong vùng đánh cá chung Vịnh Bắc Bộ sẽ tiếp tục quản lý theo Quy chế của Hiệp định và cấp giấy phép hoạt động. Số lượng và công suất tàu cá của mỗi bên hoạt động trong Vùng đánh cá chung Vịnh Bắc Bộ là 1.000 tàu, công suất tàu cá đơn chiếc từ 90 - 600 CV, tổng công suất là 171.702 CV. Trên mỗi tàu đều gắn biển có nền phản quang màu đỏ, chữ và số màu trắng, kích thước và chất liệu nhận biết giữ nguyên như năm 2018 - 2019. Giấy phép đánh bắt mới có hiệu lực kể từ ngày 01/12/2019 đến ngày 30/6/2020.
Sản lượng đánh bắt toàn huyện tính đến hết tháng 3/2020 đạt hơn 9.000 tấn hải sản. |
Trong điều kiện dịch bệnh Covid – 19 gây ảnh hưởng đến nền kinh tế, trong đó có ngành xuất khẩu thủy hải sản. Tuy nhiên, với sự quyết tâm bám biển, ngư dân Quỳnh Lưu vẫn khai thác đạt hiệu quả. Tính đến hết tháng 3/2002, toàn huyện khai thác được hơn 9.000 tấn với doanh thu hàng chục tỷ đồng.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin