Kinh tế

Đầu vụ nuôi tôm, nông dân Nghệ An “chống chọi” dịch bệnh

17:14, 14/04/2020
Trước khi thả tôm giống để nuôi vụ chính, bà con ở huyện Quỳnh Lưu và thị xã Hoàng Mai (Nghệ An) đã xử lý ao đầm, sẵn sàng các điều kiện một cách bài bản nhưng dịch bệnh vẫn xuất hiện gây thiệt hại lớn cho người dân.

Xã Quỳnh Bảng có hơn 186 ha diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng tập trung ở thôn Mai Giang 1, Nông trường Trịnh Môn.. Theo ghi nhận, đến thời điểm này, bà con ở đây đã thả trên 80 % diện tích ao nuôi, trong số đó có hàng chục ha phải xử lý lại toàn bộ để thả tiếp vụ mới do dịch bệnh.
Ông Vũ Văn Dương – Phó Chủ tịch UBND xã Quỳnh Bảng cho biết: chưa năm nào, người dân nuôi tôm vụ 1 lại khó khăn như hiện nay. Mới đầu vụ mà đã xuất hiện dịch bệnh liên tiếp ở tôm và ghi nhận tại một hộ ở vùng  Nông trường Trịnh Môn khi phát hiện tôm bệnh đốm trắng với diện tích 0,5 ha. Sau đó, nhiều hộ khác cũng có tôm bị dịch bệnh buộc phải xử lý lại toàn bộ để thả nuôi vụ mới.

Hàng chục ha tôm vụ 1 ở Quỳnh Lưu chậm lớn buộc phải xử lý để tiếp tục thả nuôi.

Theo thống kê từ UBND xã Quỳnh Bảng, tính đến khi thả nuôi tôm chính vụ đến nay, địa phương có khoảng 25 – 30 ha diện tích tôm bị dịch bệnh, riêng tôm bị đốm trắng là 0,5 ha; còn lại tôm bị bệnh, nuôi chậm lớn gây thiệt hại hàng trăm triệu đồng cho người nuôi. Đơn cử như hộ ông Nguyễn Khắc Đức, Hồ Thái Hưng, Hồ Đình Đạo.. đều nuôi 2 ao, mỗi ao 3.000 – 5.000 m2 nhưng sau 2 - 3 tháng nuôi đáng ra gần thu hoạch nhưng tôm vẫn không lớn, chỉ bằng con tép. Nếu tính thiệt hại về giống, chi phí thức ăn thì mỗi hộ mất trắng trên 100 triệu đồng.
Còn tại vùng nuôi tôm ở xã An Hòa, mặc dù bà con ở đây thả nuôi chậm hơn nhưng vẫn không tránh khỏi dịch bệnh. Nhiều hộ đầu tư hàng chục triệu đồng, công linh chăm sóc cũng đều “mất trắng”. Ông Nguyễn Văn Tráng là một trong những hộ có quy trình nuôi tôm khá bài bản nhưng vụ thả nuôi này cũng lại gặp bất lợi do tôm dịch bệnh.

Ông Nguyễn Văn Tráng, hộ nuôi tôm ở xã An Hòa (Quỳnh Lưu) kiểm tra ao, bổ sung thức ăn phòng bệnh cho tôm.

Theo ông, đầu tháng 3 dương lịch, gia đình ông tiến hành thả nuôi 26.000 con tôm giống tại ao số 1 để ươm, khi tôm lớn sẽ cho vào những ao khác. Tuy nhiên, sau gần 1 tháng nuôi, tuân thủ quy trình chăm sóc nhưng tôm vẫn không lớn, nếu tiếp tục nuôi sẽ gây thiệt hại lớn. Do vậy, gia đình ông quyết định xử lý số tôm chậm lớn này, khoảng 15 ngày sau, ông tiếp tục mua giống về thả nuôi để mong sao kéo lại vốn đầu tư bỏ ra. Nếu thuận lợi, những ao còn lại, ông mới dám thả nuôi.
“Nuôi tôm nhiều năm nhưng đây là vụ nuôi gây nhiều khó khăn nhất cho bà con. Lúc thả nuôi thì thời tiết nắng, thuận lợi để tôm sinh trưởng nhưng thời gian vừa rồi, mưa lạnh thất thường khiến môi trường thay đổi làm con tôm phát bệnh, chậm lớn. Không chỉ gia đình tôi mà nhiều hộ xung quanh cũng mất trắng khoảng 60 - 70 triệu đồng từ giống và chi phí”, ông Tráng nói.
 

 

Toàn huyện Quỳnh Lưu có 460 ha diện tích nuôi tôm tập trung ở Quỳnh Thanh, Quỳnh Minh, Quỳnh Lương, Quỳnh Bảng, An Hòa.. Tính đến ngày 14/4/202, tổng diện tích tôm nuôi dịch bệnh, chậm lớn khoảng hơn 35 ha tập trung chủ yếu ở xã Quỳnh Bảng và An Hòa. Được biết, ngoài tác động của thời tiết thì nguyên nhân dẫn đến tôm chậm lớn là do thức ăn kém chất lượng, không đủ dinh dưỡng; con giống yếu; tôm nhiễm bệnh còi; nhiễm phân trắng, đặc biệt mật độ thả nuôi giày cũng là nguyên nhân khiến tôm chậm lớn.

Nhằm chủ động và kiểm soát dịch bệnh, phòng NN&PTNT huyện Quỳnh Lưu tuyên truyền bà con nuôi tôm phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình xử lý ao đầm, lựa chọn nguồn giống tốt, môi trường sạch..

Triệu chứng tôm nuôi 2 tháng chậm lớn.

Ông Bùi Xuân Trúc-  Phó trường Phòng NN&PTNT huyện Quỳnh Lưu cho biết, các hộ nuôi tôm phải thật chủ động khi bước vào vụ nuôi tôm bởi đây là vụ quyết định đến năng suất, sản lượng và kinh tế của cả năm. Do vậy, khi thấy thời tiết thuận lợi thì bà con mới thả nuôi; thực hiện tốt các biện pháp phòng dịch cho tôm nuôi trong ao, tăng cường khoáng chất, vitamin để đảm bảo sức đề kháng cho tôm; các ao nuôi có tôm bị dịch bệnh thì buộc người dân phải xử lý môi trường theo quy trình, không xả ra môi trường ngoài để hạn chế lây lan dịch bệnh cho vùng nuôi tôm khác..

Nhiều hộ đầu tư bể xi măng nổi để ươm tôm, khi tôm lớn sẽ cho vào ao  tránh thiệt hại lớn khi xảy ra dịch bệnh. 

Tại thị xã Hoàng Mai, mới đầu vụ thả tôm nhưng một số vùng nuôi ở phường Quỳnh Xuân, Quỳnh Liên.. cũng xuất hiện tôm dịch bệnh. ông Hoàng Ngọc Thủy – Trưởng phòng Kinh tế thị xã Hoàng Mai cho biết, để đảm bảo cho vụ nuôi tôm thành công, bên cạnh việc chọn mua con giống chất lượng, thị xã khuyến cáo bà con cần chú ý xuống giống theo lịch thời vụ. Thị xã sẽ phối hợp với chính quyền các địa phương tập trung chỉ đạo, hướng dẫn người nuôi thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh ở tôm. Đặc biệt, tại mỗi vùng nuôi tôm sẽ thành lập các tổ, nhóm để kiểm soát tình hình, báo cáo chính quyền địa phương để khổng chế dịch bệnh, không để lây lan ra diện rộng.

Quỳnh Lưu và thị xã Hoàng Mai có có hơn 900 ha diện tích nuôi tôm, sản lượng đạt hơn 5.400 tấn (trong đó Quỳnh Lưu chiếm hơn 3.030 tấn, thị xã Hoàng Mai đạt trên 2.400 tấn).  Bước vào vụ tôm năm 2020, các hộ dân chủ yếu nuôi giống tôm thẻ chân trắng với tỷ lệ 99%, còn lại một số diện tích nuôi tôm Sú. Hiện nay, tôm giống được nhập tại các công ty có uy tín trên địa bàn như Việt Úc, Hải Tuấn (Nghệ An) và CP (Quảng Bình, Bình Định). 

 

Việt Hùng

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện