Tranh thủ những lúc rảnh rồi, bà Ngân Thị Định ở bản Khe Rạn xã Bồng Khê huyện Con Cuông vẫn luôn cần mẫn với nghề truyền thống có từ lâu đời của cha ông để lại. Những tấm vải thổ cẩm đã khéo léo may thành vỏ chăn, vỏ gối, váy. Bên cạnh sử dụng nhu cầu trong gia đình, giờ thổ cẩm đã trở thành hàng hóa và tạo thêm thu nhập cho nhiều chị em những lúc nông nhàn.
trên địa bàn xã Lạng Khê đã thành lập được các tổ nhóm dệt thổ cẩm. |
"Nghề này tôi biết từ khi con nhỏ, do cha mẹ truyền lại nên lớn lên cũng phải tự duy trì. Nghề này cơ bản chủ yếu chúng tôi làm tranh thủ, một tháng có thể làm ra được 2-3 sản phẩm, bán ra cũng được tầm hơn 2 triệu. Điều quạn trọng hơn cả là duy trì nghề truyền thống của cha ông" - bà Ngân Thị Định, bản Khe Rạn, xã Bồng Khê bày tỏ.
Nghề dệt thổ cẩm đòi hỏi phải có sự khéo léo, tỷ mỉ. |
Nghề dệt thổ cẩm chủ yếu do ông bà trước đây để lại và có những thời điểm tưởng như bị mai một do ít người quan tâm. Tuy nhiên mấy năm gần đây thông qua các lớp tập huấn, đào tạo nghề ngắn hạn nên đã có nhiều hội viên phụ nữ tham gia, trong đó đã có cả thế hệ trẻ.
Tranh thủ thời gian nghỉ học, em Vi Thị Khánh Chi, bản Chôm Lôm xã Lạng Khê cũng đã tham gia nghề dệt thổ cẩm từ bà, mẹ truyền dạy.
“Giờ em thấy những người trẻ tuổi như em ít biết nghề này lắm, riêng bản thân em luôn suy nghĩ mình là người dân tộc Thái cần phải biết dệt thổ cẩm, nên ngoài việc học tập tranh thủ rảnh rỗi em học thêm nghề nghề này" - Chi chia sẻ.
Hiện nay nghề dệt thổ cẩm đã có nhiều bạn trẻ tham gia. |
Hiện nay, trên địa bàn xã Lạng Khê đã thành lập được các tổ nhóm dệt thổ cẩm ở các bản nhằm khôi phục lại nghề truyền thống. Mặc dù bị sản phẩm công nghiệp lấn át, cạnh tranh, có lúc nghề dệt thổ cẩm hoạt động cầm chừng nhưng với quyết tâm nên nghề dệt thổ cẩm ở đây vẫn được chị em gìn giữ và ngày càng phát huy thế mạnh.
Thổ cẩm hiện nay đã trở thành sản phẩm hàng hóa nâng cao thu nhập cho người dân. |
"Sắp tới đây chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển nghề dệt thổ cẩm, đồng thời liên doanh, liên kết tìm đầu ra cho sản phẩm" - chị Lô Thị Sim, Phó Chủ tịch hội liên hiệp phụ nữ xã Lạng Khê bộc bạch.
Giữ nghề dệt thổ cẩm truyền thống không những bảo tồn giá trị văn hóa dân tộc mà còn góp phần phát triển KT-XH. Nhận thức được điều đó, huyện Con Cuông đã có nhiều giải pháp bảo tồn và phát huy nghề dệt thổ cẩm. Triển khai thực hiện, huyện đã giao Hội Liên hiệp Phụ nữ phối hợp các ban ngành mở các lớp đào tạo nghề, trong đó chú trọng về nghề dệt thổ cẩm. Cùng với đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân việc mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình trong các hoạt động lễ hội, tết nhất.
Ở bản Chôm Lôm xã Lạng Khê có hơn 100 hộ dân thì có tới 120 hộ dân đều có khung dệt thổ cẩm. |
Bà La Thị Hà - Chủ tịch Hội phụ nữ huyện Con Cuông cho biết: “Tới đây Hội liên hiệp phụ nữ huyện tiếp tục phối hợp các ban ngành mở các lớp đào tạo nghề, trong đó chú trọng về nghề dệt thổ cẩm. Cùng với đó tuyên truyền đến người dân việc mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình trong các hoạt động lễ hội, tết nhất. Đó cũng là cách lan tỏa sản phẩm thổ cẩm đến với cộng đồng..”
Phát triển nghề dệt thổ cẩm ở Con Cuông đang gắn với phát triển du lịch nơi đây. |
Nghề dệt thổ cẩm ở Con Cuông đang phát triển, góp phần tạo việc làm cho lao động tại địa phương, giúp người dân nâng cao thu nhập đồng thời bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số. Mặc dù vậy nghề này đến nay chưa phát triển mạnh nhưng thời gian tới, huyện Con Cuông tiếp tục tuyên truyền,vận động nhân dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số giữ gìn và phát triển nghề dệt thổ cẩm tương xứng với tiềm năng.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin