Ông Trần Văn Thấy ở xóm 5, xã Sơn Hải chia sẻ: đã hàng chục năm nay, tàu của ông chủ yếu làm nghề câu mực và cá hố. Bình quân mỗi chuyến vươn khơi bám biển, tàu cá gia đình ông khai thác được từ 2,5 – 3 tấn hải sản, với giá trị đạt 150 triệu đồng. Trong thời gian gần đây, nhờ mưa thuận gió hòa nên sản lượng đánh bắt vẫn đạt so với yêu cầu. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid – 19 nên hải sản trên tàu của ông bán tại cảng giảm 15% giá cả so với cùng kỳ năm ngoái. Điển hình như, nếu như trước đây mực loại 1 được mổ sạch, phơi khô trên tàu bán với giá 1.400 nghìn đồng/ kg thì hiện tại chỉ còn 1.190 nghìn đồng, đối với mực khô loại nhỏ 500 nghìn đồng/ kg thì nay chỉ còn 420 nghìn/ kg. Đáng chú nhất là cá hố từ 130 – 140 nghìn đồng/ kg giảm xuống còn 70 nghìn đồng/ kg. Sau khi trừ chi phí từ 50 – 65 triệu đồng/ chuyến và trả tiền công cho các thuyền viên thì tàu của ông còn lại không đáng bao nhiêu.
Các tàu thuyền ở Sơn Hải đầy ắp các loại cá, tôm, mực. |
Toàn xã Sơn Hải có 190 phương tiện tàu thuyền. Từ đầu năm đến nay, cứ một tháng, toàn xã đánh bắt được 200 tấn cá, mực. Vì dịch bệnh nên hải sản của địa phương, nhất là cá hố không thể xuất khẩu được sang Trung Quốc. Vì vậy, chỉ bán được cho các kho cấp đông và các thương lái thu mua để bán ở các chợ trong, ngoài tỉnh nên việc tiêu thụ chậm hơn, mà lại vừa rớt giá. Theo ghi nhận tại địa phương thì mực hấp loại to, cá thu tươi, tôm to loại 1 và tôm loại nhỏ, tôm tít, ghẹ giảm từ 20 – 30 nghìn đồng/ kg so với thời trước điểm trước khi xảy ra dịch Covid – 19. Đặc biệt, đối với cá hố xuất khẩu giảm giá từ 56 – 60 nghìn đồng/ kg. Mặc dù, bà con ngư dân gặp rất nhiều khó khăn trong việc buôn bán hải sản nhưng đây được xem là thời điểm thuận lợi nhất khai thác trong năm nên các tàu thuyền ở Sơn Hải vẫn tích cực rẽ sóng vươn khơi, với quyết tâm khi trở về khoang tàu đầy ắp các loại cá, tôm, mực.
Nhiều loại hải sản ở Quỳnh Lưu giảm giá từ 20 – 30 nghìn đồng/ kg so với thời điểm trước dịch bệnh Covid - 19. |
Ông Hoàng Sơn – PCT UBND xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu cho biết: Phần lớn các mặt hàng hải sản của địa phương xuất sang Trung Quốc nhưng sau khi đóng cửa biên giới do dịch thì không thể thông thương buôn bán, xảy ra tình trạng ù ứ nên giá đã giảm xuống, đặc biệt là cá hố, mực tươi. Hiện tại, bà con đang đẩy mạnh tiêu thụ ở thị trường trong huyện, trong xã và bán hàng qua các kênh mạng xã hội fecebook, Zalo. Bên cạnh đó, trên địa bàn có nhiều cơ sở đầu tư những hầm đông lạnh có công suất lớn để trữ, tránh làm hư hỏng hải sản.
Huyện Quỳnh Lưu có gần 1.200 tàu thuyền, với công suất bình quân 260 CV/ tàu. Từ đầu năm đến nay, các địa phương vùng biển khai thác hải sản đạt sản lượng 15.000 tấn. Trong đó, cá hố, cá cơm, cá chim xuất khẩu cũng đạt sản lượng tương đối lớn.
Riêng đối với cá hố giảm giá từ 40 – 50 nghìn đồng so với cùng kỳ năm ngoái. |
Để có được kết quả này, ngư dân Quỳnh Lưu đã mạnh dạn thay đổi phương thức đánh bắt, đầu tư các loại máy móc, trang thiết bị hiện đại, năng động chuyển đổi ngư trường, liên kết tổ đội trong sản xuất. Hiện tại, dù dịch Covid – 19 đang diễn biến phức tạp nhưng sản phẩm các tàu thuyền chuyển về từ biển cả luôn đều đặn. Ngoài các thương lái thì các cơ sở thu mua, chế biến hải sản ở Quỳnh Lưu vẫn hoạt động bình thường để gom hàng cho ngư dân. Đặc biệt, toàn huyện có 30 kho đông lạnh có sức chứa từ 20 – 500 tấn hải sản, hàng ngày thu mua tôm, cá đều cho bà con, để chờ đến khi thị trường ổn định trở lại sẽ xuất khẩu sang nước ngoài theo con đường tiểu ngạch. Tuy giá cả giảm từ 20 – 40% so với cùng kỳ năm trước nhưng nhìn chung việc tiêu thụ sản phẩm khai thác của bà con vẫn diễn ra khá tốt. Vì vậy, ngư dân yên tâm vươn ra ngư trường truyền thống vừa khai thác nguồn lợi hải sản, vừa bảo vệ vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Mặc dù, bà con ngư dân gặp rất nhiều khó khăn trong việc buôn bán hải sản nhưng đây được xem là thời điểm thuận lợi nhất khai thác trong năm. |
"Trước những ảnh hưởng của dịch bệnh Covid – 19 đối với nghề biển thì hiện tại huyện đang đề xuất các ngân hàng giãn nợ, giảm lãi suất cho các chủ phương tiện tàu thuyền, các cơ sở thu mua trong thời gian này theo Thông tư 01 của ngân hàng Nhà nước và có chính sách tái cơ cấu vốn cho ngư dân sản xuất" - ông Bùi Xuân Trúc, phó trưởng phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Quỳnh Lưu cho biết.
Thời điểm này, huyện Quỳnh Lưu đang tích cực khuyến khích bà con ngư dân tranh thủ điều kiện thời tiết thuận lợi, nguồn lợi hải sản biển cả đang có dấu hiệu phục hồi thì tăng cường bám biển, phát triển sản xuất nhằm khi hết dịch bệnh có sản phẩm để xuất khẩu sang nước ngoài.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin