Kinh tế

Nghệ An: Nỗ lực cuộc chiến gỡ “thẻ vàng” thủy sản

14:57, 28/08/2020
Cuối tháng 10 tới là tròn 3 năm Ủy ban châu Âu (EC) áp “thẻ vàng” đối với hàng thủy sản xuất khẩu Việt Nam. Tỉnh Nghệ An đã góp phần chung với ngành thuỷ sản cả nước trong cuộc chạy đua góp phần gỡ “thẻ vàng” cho thủy sản xuất khẩu. Nhiều giải pháp được các ngành chức năng đưa ra để ngăn chặn tình trạng đánh bắt trái phép thủy sản tại địa phương.

Tàu cá vi phạm giảm mạnh

Nghệ An là một trong những tỉnh đứng trong “Top” đầu của cả nước về số lượng tàu cá với 3.484 chiếc, trong đó tàu có chiều dài từ 15m trở lên là 1.257 chiếc. Thời gian qua, các địa phương ven biển quyết liệt thực hiện công tác chống khai thác IUU đã đạt được một số kết quả nhất định.

Mới đây Bộ Chỉ huy quân sự và Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An trao tặng hàng trăm nghìn lá cờ Tổ quốc và hàng nghìn áo phao các loại tới ngư dân, qua đó lồng ghép tuyên truyền về chống khai thác IUU.

Ngư dân đã có nhiều chuyển biến và nhận thức tích cực trong việc tuân thủ ghi, nộp nhật ký khai thác thủy sản theo quy định; có thông báo cho cảng cá trước một giờ tàu rời/cập cảng. Công tác giám sát sản lượng thủy sản bốc dỡ qua cảng đã được tiến hành theo quy trình, bước đầu đã thực hiện cấp giấy biên nhận bốc dỡ qua cảng. Các tổ thanh tra, kiểm soát nghề cá thường trực 24/24 giờ tại văn phòng thanh tra, kiểm soát nghề cá.

Chi cục Thủy sản phối hợp với lực lượng Bộ đội Biên phòng (BĐBP), chính quyền địa phương ven biển tăng cường, thường xuyên giám sát tàu cá ra, vào cửa lạch, cảng cá; đẩy mạnh tuần tra, kiểm soát trên biển và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Đặc biệt, 100% tàu cá có chiều dài trên 24m của Nghệ An đã được lắp hệ thống giám sát hành trình. Qua đó đã kiểm soát chặt chẽ các hoạt động nghề cá, ngăn chặn kịp thời các hoạt động khai thác IUU của tàu cá trong tỉnh.

Ngư dân Cao Văn Ba (xã Diễn Bích, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An) có tàu đánh cá công suất 822CV, cho biết: nhờ giá nhiên liệu xuống thấp, tình hình đánh bắt những tháng đầu năm khá khả quan, ngư dân cũng đã ý thức được việc ghi chép nhật ký khai thác hải sản, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Thiết bị này ngoài chức năng kết nối với trạm bờ còn có chức năng báo khẩn cấp hoặc hiển thị các thông tin về thời tiết nguy hiểm để ngư dân chúng tôi có thể chuẩn bị ứng phó.

Trước đây, mỗi lần ra khơi đánh cá, tôi rất khó khăn trong việc xác định ranh giới vùng biển nên tàu có thể đi qua vùng biển nước khác hoặc vùng cấm khai thác. Nay có thiết bị giám sát nên chúng tôi yên tâm không sợ vi phạm. Trong trường hợp có việc không trực tiếp đi đánh cá, tôi ở nhà cũng rất yên tâm bởi chỉ cần mở điện thoại cũng sẽ biết tàu đi những đâu, đánh cá ở khu vực nào”, ngư dân Cao Văn Ba chia sẻ.

Quyết liệt tháo gỡ các vướng mắc

Theo Chi cục Thủy sản tỉnh Nghệ An, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo quyết liệt. Trong đó, quy định rõ ràng trách nhiệm của từng cơ quan đơn vị và người đứng đầu chứ không nói chung chung mang tính khẩu hiệu như trước đây nên đã nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ đối với công tác này.

Ngành thuỷ sản nghệ An đang chung tay cùng cả nước tích cực triển khai các biện pháp nhằm đẩy mạnh việc chống khai thác hải sản bất hợp pháp.
Ngành thuỷ sản nghệ An đang chung tay cùng cả nước tích cực triển khai các biện pháp nhằm đẩy mạnh việc chống khai thác hải sản bất hợp pháp.



Chi cục Thủy sản đã hoàn thành nâng cấp trang thiết bị Trạm Bờ để quản lý tàu cá hoạt động trên các vùng biển thông qua việc tiếp nhận báo cáo tin nhắn tự động. Đặc biệt, hiện quy trình kiểm soát tàu cá ra khơi rất chặt chẽ, qua 3 lớp kiểm tra, trong đó bước đầu tiên nằm ở Chi cục Thủy sản, trước khi ra khơi tàu cá phải có đầy đủ các giấy tờ khai thác, giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, thiết bị định vị… Tiếp đến là các cảng cá sẽ rà soát thêm một lần nữa và cửa cuối cùng là các trạm, đồn biên phòng sẽ kiểm tra trước khi cho tàu vươn khơi.

Ông Trần Như Long - Phó chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Nghệ An - cho biết: “Dựa trên những khuyến nghị của EC, Chi cục Thủy sản Nghệ An chú trọng đến việc nâng cấp trạm bờ giám sát tàu cá; chỉ đạo sát việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá; tổ chức thực thi pháp luật trên biển quyết liệt, giám sát chặt chẽ về truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác…”.

Tỉnh Nghệ An đã thành lập được 12 tổ đồng quản lý nguồn lợi thủy sản ven bờ tại các địa phương. Đây là những tổ chức tự nguyện của các ngư dân ven biển nhằm thực hiện công tác tuyên truyền trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đồng thời tham gia giám sát hoạt động khai thác trên biển, báo cáo các vi phạm trong khai thác cho các cơ quan chức năng kịp thời xử lý.

Trong thời gian tới, các lực lượng chức năng sẽ tiếp tục tăng cường các đội tàu tuần tra, kiểm tra tại các khu vực giáp ranh vùng biển các nước để tiến hành công tác tuyên truyền, vận động và hướng dẫn bà con ngư dân trong quá trình khai thác.

Việc khai thác thủy hải sản đảm bảo, an toàn, hợp pháp không chỉ có tác dụng đối với việc thanh tra của EC mà còn là nền tảng quan trọng để ngư dân làm quen, tiếp cận và hình thành “nếp” tư duy, thói quen mới. Điều đó là rất cần thiết trong điều kiện hội nhập sâu rộng hiện nay. Dĩ nhiên, thay đổi lối khai thác cũ, trong khi việc đầu tư, trang bị sẽ còn gặp những khó khăn. Nhưng khi đứng trước sự lựa chọn tiến hoặc lùi, thành công hoặc thất bại, sự thay đổi là điều bắt buộc phải thực hiện.

Hoàng Trinh

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện