Kinh tế

Nông dân Hoàng Mai đạt doanh thu hàng trăm triệu đồng từ nghề sửa chữa tàu thuyền, làm mộc 

11:26, 14/09/2020
Với nhiều hình thức và cách làm hay, các cấp Hội Nông dân ở TX Hoàng Mai đã xây dựng nhiều mô hình kinh tế tiêu biểu, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo công ăn việc làm cho lao động.. Nổi bật, trong đó có mô hình sửa chữa tàu thuyền, làm mộc...đem lại doanh thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm cho hội viên.

Cơ sở sửa chữa tàu thuyền của gia đình anh Trương Công Thành sinh năm 1979 ở khối Quang Trung phường Quỳnh Phương là một trong những cơ sở có quy mô lớn trên địa bàn Thị xã. Sau khi học xong cấp III, anh Thành không đi biển như các chàng trai trong làng mà tiếp tục gắn bó với nghề truyền thống sửa chữa tàu thuyền của cha ông để lại. Ban đầu chỉ là một cơ sở nhỏ nằm gần Đền Cờn, chỉ sửa chữa  một số thuyền nhỏ, còn các tàu thuyền lớn bà con ngư dân phải đi sửa chữa ở các cơ sở khác. Nhận thấy nghề khai thác biển ngày càng phát triển, bà con ngư dân đóng nhiều tàu to mua sắm máy lớn, năm 2013 anh được UBND tỉnh phê duyệt cho thuê đất với diện tích hơn 3000 m2  để xây dựng nhà xưởng, mua các thiết bị, máy móc hiện đại để đáp ứng với nhu cầu ngày càng cao của  bà con ngư dân.

Hiện nay cơ sở của anh có thể tiếp nhận sửa chữa một lúc 8-10 tàu lớn nhỏ, đồng thời tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 10 thợ chính lương từ 8-9 triệu đồng/tháng, công nhân thời vụ từ 5-6 người. Doanh thu hàng năm của cơ sở đạt từ 450- 500 triệu đồng.

 Cơ sở của anh Trương Công Thành có thể tiếp nhận từ 8-10 tàu lớn nhỏ cùng lúc để sửa chữa

Ông Hồ Sỹ Tự ở Thôn 5 xã Quỳnh Lộc xuất phát từ nghề nông, trồng trọt và chăn nuôi dê, tuy nhiên do đất đai ít, điều kiện khó khăn nên sản xuất lúa không hiệu quả, Cái khó ló cái khôn, ông Tự đã tìm tòi học hỏi làm thêm nghề mộc để đóng mới, sửa chữa các loại bàn ghế, giường, tủ cho người dân trong làng. Từ năm 2000 ông bán hết đàn dê mua thêm đất để mở xưởng mộc dân dụng. Ban đầu số vốn, kinh nghiệm còn ít, máy móc thô sơ nên khách hàng còn ít. Nhận thấy để tồn tại và phát triển nghề mộc cần phải có nhiều sản phẩm với mẫu mã mới, đẹp, chất lượng gỗ tốt, từ năm 2010, ông liên tục mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư mua sắm máy móc, chọn các loại gỗ tốt, có chất lượng đồng thời tuyển chọn, đào tạo đội ngũ công nhân có tay nghề vững vàng từ đó các sản phẩm đồ gỗ của gia đình ông được người dân trong và ngoài Thị xã biết đến. Đến nay xưởng sản xuất gỗ của gia đình ông đã có số vốn lên đến hàng tỷ đồng. Bên cạnh xưởng sản xuất ông còn có một nhà trưng bày các sản phẩm của mình, mỗi năm cơ sở của gia đình ông đạt lợi nhuận từ 400-500 triệu đồng, đồng thời còn tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 6-7 lao động. Ông Hồ Sỹ Tự - Thôn 5 xã Quỳnh Lộc nói: “Trong kinh doanh buôn bán thứ nhất phải có vốn, tối thiểu phải 70%. Thứ hai anh kéo vốn về thật nhanh, thứ ba anh phải có thiết bị ngon và luôn luôn học hỏi. Thứ tư anh phải đào tạo một đội ngũ tay nghề ngon lành,  một mình làm không nổi, mà phải đối xử với họ tốt mình mới thắng được”.

 

 “Nói chung đã xác định tàu họ kéo đến, gởi gắm cho mình rồi cho nên mình phải nói với thợ cần phải làm cho cẩn thận, bởi vì ra biển nếu hư hỏng thì rất khó khắc phục . Bởi vậy cơ sở chúng tôi luôn đôn đốc anh em làm cho cẩn thận, an toàn là trên hết” - Anh Trương Công Thành chia sẻ.

Hiện nay số hộ nông dân đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp là 5.167 hộ; trong đó cấp trung ương 30 hộ, cấp tỉnh 120, cấp thị xã 592 hộ, cấp cơ sở 4.425 hộ. Các hộ sản xuất kinh doanh giỏi đều mạnh dạn đầu tư vốn, ứng dụng khoa học công nghệ vào quy trình sản xuất nhằm mở rộng quy mô, đổi mới cách làm có hiệu quả, chất lượng và hiệu quả phong trào ngày càng nâng cao, xuất hiện nhiều hộ có quy mô sản xuất lớn, có vốn kinh doanh hàng tỷ đồng, thu hút hàng trăm lao động, thu nhập hàng năm từ hàng trăm triệu đồng đến hàng chục tỷ đồng. Ông Nguyễn Hữu Túy – Phó chủ tịch Hội Nông dân thị xã Hoàng Mai cho biết thêm: “Tập trung làm tốt một số nhiệm vụ chính như là làm tốt công tác tuyên truyền các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước nhất là các chính sách liên quan đến ưu đãi cho nông dân. Thứ hai, làm tốt công tác thông tin, nhất là thông tin định hướng thị trường nhất là về giá cả vật tư, hàng hóa. Cần làm tốt dịch vụ bà đỡ như dịch vụ hỗ trợ nông dân, tư vấn hỗ trợ dạy nghề rồi tổ chức các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hội viên nông dân”.

Cơ sở đóng mộc của ông Hồ Sỹ Tự Thôn 5 xã Quỳnh Lộc rộng hàng trăm mét vuông, đầu tư trang thiết bị máy móc hiện đại.

Có thể thấy rằng phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi đã khuyến khích, động viên hội viên và nông dân, phát huy tinh thần tương thân, tương ái, giúp nhau xoá đói giảm nghèo, có tinh thần đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau làm giàu chính đáng. Đồng thời còn tạo việc làm tại chỗ cho hơn 13 nghìn lao động của địa phương, được cấp ủy và chính quyền các cấp ghi nhận, góp phần vào sự phát triển kinh tế, xã hội của Thị xã.

Bích Hường

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện