Kinh tế

Cầu nối để thanh niên thoát nghèo

09:53, 03/12/2020
Những năm qua, cùng với việc vận động đoàn viên thanh niên tích cực tham gia các phong trào tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng, Huyện đoàn Nghĩa Đàn làm tốt công tác ủy thác cho vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tạo điều kiện cho đoàn viên thanh niên vay vốn giải quyết việc làm, phát triển kinh tế. Từ nguồn vốn vay ưu đãi này, nhiều đoàn viên trên địa bàn đã sử dụng đúng mục đích, làm ăn có hiệu quả, vươn lên thoát nghèo.

Năm 2017, anh Lưu Văn Trung ở xóm Hưng Thịnh, xã Nghĩa Lợi đầu tư chuồng trại nuôi gà thịt. Tuy nhiên do nguồn vốn hạn chế, không mở rộng được quy mô nên nhiều năm mô hình không phát triển được. Cuối năm 2019, được tiếp cận với nguồn vốn giải quyết việc làm, tuy số vốn vay không nhiều, mỗi hộ được 100 triệu đồng nhưng với mức lãi suất ưu đãi đã giúp gia đình anh có cơ hội mở rộng sản xuất, phát triển kinh tế, từ đó vươn lên làm giàu chính đáng.

Ngoài chăn nuôi gà anh Lưu Văn Trung ở xóm Hưng Thịnh, xã Nghĩa Lợi còn chăn nuôi lợn để tăng thêm thu nhập.

“Gia đình tôi bắt đầu chăn nuôi từ năm 2016, nuôi nhỏ lẻ, trung bình mỗi lứa từ 200 - 500 con/lứa. Năm 2019, được sự hỗ trợ của Ngân hàng CSXH huyện và Huyện đoàn cho gia đình vay 100 triệu đồng để mở rộng khu vực  chăn nuôi lợn thịt và đẩy quy mô nuôi gà lên 1500 - 2000 con/lứa, một năm nuôi 4 - 5 lứa, ngoài ra gia đình còn chăn nuôi thêm lợn" - Anh Trung chia sẻ.

Anh Lê Văn Hưng ở xóm Màn xã Nghĩa Thọ với mô hình lươn không bùn mỗi năm cho thu nhập từ 250 - 300 triệu đồng.

Không chỉ có gia đình anh Trung mà thông qua nguồn vốn giải quyết việc làm, nhiều thanh niên đã khởi nghiệp sáng tạo và thành công như mô hình nuôi lươn không bùn của gia đình anh Lê Văn Hưng ở xóm Màn xã Nghĩa Thọ. Lúc đầu chỉ nuôi hơn 8 vạn con lươn giống trên diện tích 200m2, sau thấy hiệu quả gia đình vay vốn giải quyết việc làm mở rộng chuồng trại.

Anh Lê Văn Hưng, xóm Màn xã Nghĩa Thọ chia sẻ “Tôi nghiên cứu trên thị trường thấy con lươn đầu ra có hiệu quả. Năm 2017, tôi có làm trang trại thả giống. Quá trình nuôi thấy hiệu quả, năm 2020, tôi vay vốn Ngân hàng CSXH huyện mở rộng thêm diện tích trên 500m2”.

Đoàn xã Nghĩa Thọ là một trong những đơn vị tiêu biểu trong việc tổ chức cho Đoàn viên thanh niên nâng cao chất lượng vay vốn và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn vay để phát triển kinh tế. Hiện nay đoàn thanh niên xã Nghĩa Thọ có hơn 150 đoàn viên thanh niên đang sinh hoạt ở 4 chi đoàn xóm,. Tính đến nay, Đoàn xã đã đứng ra tín chấp với Ngân hàng vay vốn ủy thác được gần 2,7 tỷ đồng cho gần 83 hộ gia đình vay phát triển kinh tế xóa đói giảm nghèo.

Tham quan mô hình nuôi lươn của gia đình anh Lê Văn Hưng, xóm Màn xã Nghĩa Thọ.

“Để tạo điều kiện cho đoàn viên thanh niên trong Đoàn xã phát triển kinh tế, thời gian qua BCH Đoàn xã đã phối hợp với Ngân hàng chính sách xã hội quản lý nguồn vốn vay cho đoàn viên thanh niên sử dụng đúng mục đích và phù hợp với điều kiện kinh tế địa phương. Nhờ đó xuất hiện nhiều mô hình trồng rừng, trồng cây ăn quả, đào ao nuôi cá, nuôi lươn không bùn và chăn nuôi trâu, bò sinh sản của đoàn viên thanh niên cho thu nhập cao”- Anh Vi Đức Huy, Bí thư đoàn xã Nghĩa Thọ trao đổi.

Ðặc biệt, thông qua hoạt động nhận ủy thác, kiểm tra, giám sát cho vay vốn, cán bộ Ðoàn nắm bắt được tâm tư nguyện vọng của thanh niên từ cơ sở. Thanh niên có nhu cầu vay vốn được Ðoàn tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ. Qua đó, tạo được sự gắn kết giữa cơ sở đoàn với thanh niên, nhất là trên địa bàn nông thôn. Nhờ vậy, hầu hết những hộ được vay vốn ủy thác đều xây dựng mô hình sản xuất phù hợp với điều kiện thực tế như: Phát triển mô hình trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm; kinh doanh dịch vụ... với mức thu nhập trung bình từ 30-50 triệu đồng/mô hình/năm.

Từ nguồn vốn cho vay nhiều thanh niên đã vươn lên làm giàu.

Anh Võ Đức Tùng, Bí thư Huyện đoàn Nghĩa Đàn cho biết: “Đến nay Huyện đoàn Nghĩa Đàn quản lý nguồn vốn vay trên 90 tỷ đồng cho gần 76 tổ với 2.200 hộ vay, trong đó nhiều đoàn viên, thanh niên được vay trên 100 triệu đồng. Cùng với sự hỗ trợ đó thì Ban thường vụ Huyện đoàn tập trung hỗ trợ về khoa học kỹ thuật, về con giống và đầu ra. Đến nay chúng tôi đã hình thành được nhiều mô hình thanh niên phát triển kinh tế có giá trị từ 150 - 200 triệu đồng trở lên, cá biệt có nhiều mô hình trên 300 - 350 triệu đồng/ năm”.

Có thể nói, nhờ sự tích cực triển khai các nguồn vốn vay ủy thác có hiệu quả và sử dụng đúng mục đích, các cấp bộ đoàn Nghĩa Đàn đã thực hiện tốt vai trò, nhiệm vụ là người đồng hành cùng thanh niên lập thân, lập nghiệp tạo điều kiện hỗ trợ cho đoàn viên thanh niên trên địa bàn huyện phát triển kinh tế gia đình, từng bước vươn lên làm giàu chính đáng trên quê hương.

Minh Thái 

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện