Vùng rau an toàn bản Phòng, thị trấn Thạch Giám có tổng diện tích sản xuất hơn 3,5 ha, trung bình mỗi ngày, các hộ trồng rau ở đây cung ứng khoảng 200 - 400 kg rau an toàn cho thị trường huyện Tương Dương. Những ngày giáp Tết, các hộ dân nơi đây đang tất bật chăm sóc, làm cỏ, vun xới rau màu, sẵn sàng cung ứng cho thị trường tết. Cùng với các loại rau củ quả như bắp cải, xu hào, dưa chuột..bà con chủ yếu đưa các loại rau như: cải làn, cải ngọt, xà lách, mùi hành..vào sản xuất. Ngoài ra, các hộ dân tập trung chuyên canh vào một số cây trồng bản địa khác như cà ngọt, cà chua múi .. để đảm bảo đa dạng về sản phẩm.
Rau quả được chăm sóc cẩn thận và đúng quy trình nên đảm bảo an toàn và chất lượng. |
Bà Lương Thị Xuân, hộ trồng rau bản Phòng cho biết: "Nắm bắt nhu cầu rau xanh ngày tết tăng mạnh, ngay từ giữa tháng 9 âm lịch, chúng tôi đã trồng nhiều loại rau thu hoạch dài ngày như: bắp cải, cà chua, xu hào, cải bẹ dưa…Rau sạch bản Phòng từ lâu đã có thương hiệu được thị trường ưa chuộng, nên bán rất đắt hàng..."
Bà Lương Thị Xuân cho biết tất cả các khâu từ trồng và chăm sóc rau đều được làm bằng phương pháp thủ công. |
Nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường, người dân bản Phòng đã trồng xen canh các loại cây ngắn ngày và cây dài ngày. Ngoài ra, mỗi luống rau thu hoạch xong là trồng gối vụ ngay. Thời điểm này, nhiều diện tích rau ở đây đã cho thu hoạch, dự kiến chỉ khoảng 1 tuần trước tết, sản lượng rau ở đây sẽ tăng gấp 1,5 – 2 lần so với hiện tại.
Bà Lô Thị Diện cho biết, không sử dụng phân hóa học, thuốc BVTV, kể cả bắt sâu cũng dùng bằng tay. |
Bà Lô Thị Diện - một hộ trồng rau ở đây cho biết: "Toàn bộ rau ở đây đều được chúng tôi bón bằng phân xanh, phân vi sinh, không sử dụng phân hóa học, không sử dụng thuốc BVTV nên rau đảm bảo an toàn, chất lượng. Để hạn chế các điều kiện môi trường bất lợi và ngăn chặn sâu bệnh và dịch hại tấn công bà còn đầu tư làm nhà phủ nilon. Hàng ngày có rất nhiều người dân ở các vùng lân cận thường xuyên tìm đến mua rau sạch tại vườn của gia đình tôi. Bên cạnh đó, thương lái ở các nơi cũng tìm đến tận ruộng để thu mua".
“Cà chua múi bản Phòng” được công nhận thương hiệu sản phẩm sạch của Tương Dương. |
Vùng rau sạch bản Phòng, thị trấn Thạch Giám, huyện Tương Dương thuộc Dự án "Ứng dụng KHCN vào sản xuất rau an toàn" được triển khai vào năm 2012 do Sở KHCN hỗ trợ. Trước khi triển khai dự án, nơi đây là một vùng đất hoang hóa, bà con chủ yếu chăn thả trâu bò và trồng các loại cây không có giá trị kinh tế. Quá trình triển khai dự án, cũng gặp rất nhiều khó khăn, do tập quán của đồng bào miền núi chủ yếu vào rừng hái măng hái rau, chưa bao giờ nghĩ đến chuyện trồng rau thành sản phẩm hàng hóa. Vì thế, triển khai dự án, cán bộ nông nghiệp vừa tuyên truyền, vận động vừa cầm tay chỉ việc, hướng dẫn cho các hộ dân từ khâu làm đất, cày ải.. cũng như phương pháp trồng và chăm sóc.
Cán bộ Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Tương Dương trao đổi kỹ thuật với các hộ sản xuất rau an toàn bản Phòng. |
Để bà con tin tưởng và làm theo, huyện đã đưa 25 hộ dân tham gia dự án xuống tận xã Quỳnh Lương, Quỳnh Lưu để tham quan, học tập. Sau khi tận mắt chứng kiến và nghe bà con xã Quỳnh Lương trao đổi kinh nghiệm trồng rau, các hộ dân tham gia dự án bắt đầu mạnh dạn làm. Tiếp đó, năm 2014, huyện mở 1 lớp đào tạo nghề cho các hội viên ở bản Phòng, sau khi học nghề xong, các hộ dân này đều có kiến thức và kỹ năng về sản xuất rau an toàn, từ đó toàn bộ diện tích này đã trở thành vùng chuyên canh rau sạch của huyện Tương Dương.
Bà con trồng xen các loại rau ngắn ngày và dài ngày để đáp ứng nhu cầu của thị trường và tăng thu nhập. |
Chị Nguyễn Thị Bình, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tương Dương trao đổi: “Từ vùng rau an toàn bản Phòng, thị trấn Thạch Giám đến nay mô hình này đã được nhân rộng ở các xã như Tam Thái, Yên Hòa, Tam Quang..trong đó, vùng rau an toàn bản Na Tổng xã Tam Thái với 2,5ha có 14 hộ tham gia cũng đã chủ động cung cấp nguồn rau xanh tại địa bàn xã Tam Thái. Trước khi triển khai, huyện đã đưa các hộ tham gia mô hình về bản Phòng tận mắt nhìn thấy và nghe bà con ở đây trao đổi về cách làm, kinh nghiệm trồng và chăm bón nên đã nắm bắt kỹ thuật rất nhanh. Hiện nay huyện Tương Dương đã chủ động về nguồn rau xanh an toàn, không chỉ có vậy mà còn còn cung cấp cho thị trường miền xuôi”.
Sản phẩm "Cà chua múi bản Phòng" được đóng gói để vận chuyển cho thị trường Hà Nội. |
Đặc biệt, được sự hỗ trợ của Dự án JICA, bà con đã thành lập Tổ hợp tác xã sản xuất rau quả sạch bản Phòng, xây dựng thành công thương hiệu “Cà chua múi bản Phòng”, làm cầu nối để quảng bá sản phẩm của địa phương.
Để hạn chế sương muối và ngăn chặn sâu bệnh và dịch hại tấn công, bà con đầu tư làm nhà phủ nilon. |
Từ chỗ chỉ có 25 hộ tham gia đến nay đã có 40 hộ tham gia sản xuất tại vùng rau an toàn bản Phòng. Đáng nói, các hộ ban đầu tham gia dự án đều là hộ nghèo, nhưng hiện nay đã thoát nghèo và vươn lên trở thành hộ giàu, hộ khá. Chỉ trên diện tích khoảng 350m2/1 hộ nhưng thu nhập sau khi rừ chi phí có thể đạt 50 triệu đồng/năm. Tiêu biểu như hộ gia đình bà Lô Thị Diện, Lô Thị Tâm, Vi Văn Hoàng, La Văn May, Vy Quang Thanh...
Huyện Tương Dương đang tập trung xây dựng thương hiệu cà chua múi thành sản phẩm OCOP địa phương. |
“ Với các loại rau củ quả như bắp cải, xu hào, dưa chuột..huyện nào cũng làm được thì chúng tôi chỉ trồng với diện tích vừa phải, trồng chỉ để cung ứng trong huyện. Còn chúng tôi chỉ đạo bà con tập trung phát triển các loại cây trồng bản địa như cà ngọt, cà chua múi.. mở rộng diện tích với số lượng lớn để phát triển thành sản phẩm hàng hóa, tiến tới xây dựng thương hiệu cà chua múi và cà ngọt là 2 sản phẩm OCOP của huyện Tương Dương” – chị Nguyễn Thị Bình, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Tương Dương cho biết thêm.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin