Những năm trước đây, dịp Tết nguyên đán và sau kỳ nghỉ Tết, nhà xe An Phú Quý luôn trong tình trạng “cháy” vé vì không đáp ứng đủ nhu cầu đi lại của người dân. Song từ trước tết Nguyên đán đến nay, lượng khách giảm đến 2/3. Công ty có 20 đầu xe nhưng hiện chỉ có 10 xe hoạt động trong tình trạng cầm chừng.
Hầu hết các nhà xe đều rơi vào tình trạng thừa vé, ế chuyến. |
Xe của Công ty có 2 loại gồm loại 34 ghế và loại 20 ghế, nhưng có chuyến chỉ có 10 khách, thậm chí chỉ có 4-5 khách, tuy nhiên xe vẫn phải chạy, dẫn tới doanh thu của Công ty sụt giảm, phải bù lỗ. Trước Tết, lượng khách cũng đã giảm mạnh. Nhưng đặc biệt, sau kỳ nghỉ Tết, do ảnh hưởng của dịch Covid, khách trả lại vé nhiều. Theo đó, lượng khách chiều đi Vinh - Hà Nội sụt giảm tới 50%, còn chiều về Hà Nội - Vinh giảm tới 90% so với ngày thường, thậm chí chiều về gần như nhà xe chỉ chạy xe không.
Rất nhiều giường trống mặc dù đã đến giờ xuất bến. |
“Xe nằm bến, lái xe không có việc làm nhưng chúng tôi vẫn phải trả lương cho nhân viên. Cùng với đó, chúng tôi phải nộp lãi vay ngân hàng nên càng thêm khó khăn. Như doanh nghiệp của chúng tôi đang vay Ngân hàng Công thương vài chục tỷ, nay lại tiếp tục phải vay để bù lỗ. Theo hợp đồng hàng tháng Công ty sẽ phải thanh toán một phần tiền gốc cộng với lãi, doanh nghiệp gặp khó khăn chồng chất khó khăn” - ông Lê Dũng Thái, Chủ nhà xe An Phú Quý lo lắng nói.
Lượng khách của Công ty Văn Minh sụt giảm tới 40-50% ở chiều đi, và chiều ngược lại là 90%. |
Chưa có dịp Tết Nguyên đán năm nào đánh dấu sự sụt giảm về lượng khách cũng như doanh thu đối với Công ty Văn Minh như năm nay. Tâm lý lo ngại do dịch bệnh nhu cầu đi lại của người dân giảm nên số lượng hành khách theo đó cũng giảm. Chỉ tính riêng dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu số lượng vé được hành khách trả lại cho Công ty Văn Minh là 16.000 vé, thiệt hại lên tới 4 tỷ đồng. Theo đó, lượng khách chiều đi giảm 40-50%, chiều về giảm đến 90%, doanh thu sụt giảm tới 60% so với cùng kỳ các năm trước. Trước tình hình đó, với 28 đầu xe chạy tuyến cố định liên tỉnh, nhưng hiện nay Công ty Văn Minh đã phải cắt giảm 3 đầu xe. Và với diễn biến phức tạp của dịch bệnh như hiện nay, sắp tới Công ty sẽ tiếp tục cắt giảm từ 6-7 đầu xe nữa. Mặc dù vắng khách nhưng để đảm bảo an toàn cho hành khách khi có nhu cầu mua vé và xuất hành Công ty cũng đã thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch Covid19.
Nếu tình hình dịch tiếp tục diễn biến phức tạp, Công ty Văn Minh dự kiến sẽ cắt giảm tới 6-7 đầu xe. |
“Công ty Văn Minh thực hiện theo đúng chủ trương 5K của Bộ y tế, tất cả chăn, ga.. phục vụ khách hàng được Công ty giặt hàng ngày, sát khuẩn bằng cồn. Ngoài sát khuẩn xe, sát khuẩn bến xe và phát khẩu trang cho hành khách trên xe khách, Công ty Văn Minh còn trang bị cho mỗi xe khách 1 máy đo thân nhiệt. Nếu hành khách bị ốm, Công ty từ chối vận chuyển và sẽ hoàn lại 100% tiền vé cũng như hỗ trợ tiền taxi cho khách hàng đi về” - ông Lê Trung Thành, Giám đốc Điều hành vận tải Công ty Văn Minh, Bến xe phía Đông, TP Vinh cho biết thêm.
Hãng xe Sao Nghệ cũng gặp rất nhiều khó khăn do lượng khách giảm mạnh. |
Cũng như Công ty Văn Minh, Hãng xe Sao Nghệ sau khi kỳ nghỉ Tết mặc dù đã thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, nhưng lượng khách cũng giảm hẳn khiến nhà xe gặp rất nhiều khó khăn.
“Hàng trăm vé khách mua của chúng tôi, giờ do dịch Covid, họ hủy chuyến nên chúng tôi buộc phải bảo lưu vé cho họ hoặc trả lại tiền cho khách hàng. Không có khách, vì vậy nhà xe chúng tôi phải giảm chuyến. Biết là khó khăn nhưng chúng tôi buộc phải làm thế” - ông Lương Kim Hải, Quản lý vận tải Hãng xe Sao Nghệ, TP Vinh chia sẻ.
Nhiều hãng xe phải cắt giảm các đầu xe, giảm chuyến. |
Thừa vé, ế chuyến.. cũng là thực trạng chung của các nhà xe hiện nay trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Mặc dù không có khách, nhiều chuyến đi phải bù lỗ nhưng các nhà xe vẫn phải duy trì hoạt động bởi theo Thông tư số 10/2015/TT-BGTVT ngày 15/4/2015 của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) thì đơn vị kinh doanh vận tải theo tuyến cố định sẽ bị đình chỉ khai thác tuyến 1 tháng khi thực hiện dưới 70% số chuyến xe theo biểu đồ chạy xe trên tuyến đã được phê duyệt trong 1 tháng.
Nếu như những năm trước, các bến xe ở Nghệ An đã tấp nập, nhộn nhịp từ sáng sớm và đa phần phải dùng đến phương án tăng cường xe để giải toả hành khách, thì năm nay tình hình trái ngược hẳn. Trước cửa bến xe, người dân vào ra lác đác. Tại các bến xe là một khung cảnh vắng vẻ, đìu hiu.
“Bến xe cũng như nhà xe gặp rất nhiều khó khăn. Nếu như các năm trước, sau kỳ nghỉ Tết lượng khách lên tới 4-5 nghìn khách ra vào thì bây giờ chỉ bằng một phần mười” - ông Vũ Hoàng Huynh, Trưởng Bến xe Bắc Vinh, TP Vinh trao đổi.
Tại các bến xe, chỉ có lác đác vài khách hàng. |
Trước việc sụt giảm lượng khách, các hãng xe như Văn Minh, Sao Nghệ, An Phú Quý.. đều lựa chọn cách cắt giảm các đầu xe, giảm số chuyến. Tuy nhiên, việc giảm số chuyến cũng chỉ là giải pháp tạm thời khi không có khách. Ðối với các nhà xe vẫn phải duy trì tuyến, họ lại càng khó khăn hơn bởi có rất nhiều khoản chi phí phải nộp như: Phí cầu, đường bộ, trả lãi vay vốn ngân hàng theo định kỳ. Để vượt qua giai đoạn khó khăn này, các đơn vị vận tải khách ở Nghệ An mong muốn các cơ quan chức năng, các ngân hàng kịp thời chia sẻ, tháo gỡ giúp các doanh nghiệp nói chung, các đơn vị kinh doanh vận tải khách nói riêng để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin