Sáng 11/3, đàn lợn nái 3 con của hộ gia đình ông Lê Đắc Đào ở xóm Lưu Thọ xã Lưu Sơn- Đô Lương tiếp tục bỏ ăn. Ông Đào cho biết, lợn đã bỏ ăn từ ngày hôm qua, gia đình ông đang nghi ngờ đàn lợn tiếp tục nhiễm dịch tả lợn Châu Phi. Trước đó 3 ngày, dịch tả lợn Châu Phi đã xảy ra tại chuồng nuôi lợn của gia đình ông và 2 hộ gia đình khác trong xóm là hộ bà Trần Thị Anh, ông Nguyễn Văn Ngọ. Số lợn bị tiêu hủy bao gồm 2 con lợn nái với tổng trọng lượng 313kg, 1 con lợn thịt trọng lượng 40kg.
Rắc vôi bột khử trùng khu vực chuồng trại có lợn bị dịch tả Châu Phi tại hộ gia đình ông Lê Khắc Đào- xóm Lưu Thọ, xã Lưu Sơn, Đô Lương. |
Ngoài xóm Lưu Thọ xã Lưu Sơn, tại xóm 4 xã Đại Sơn, hộ gia đình bà Nguyễn Thị Hà có 8 con lợn thịt tổng trọng lượng 216 kg bị nhiễm bệnh. Trên địa bàn xóm Văn Thọ xã Hiến Sơn, hộ gia đình ông Nguyễn Văn Trọng có 1 con lợn nái trọng lượng 85 kg cũng bị nhiễm bệnh dịch tả lợn Châu Phi. Sau khi biết lợn của gia đình bị bệnh, các hộ đã chủ động báo với chính quyền địa phương. Từ ngày 1/3-9/3, cán bộ Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp huyện Đô Lương đã cùng chính quyền địa phương các xã nêu trên tổ chức tiêu hủy số lợn bị nhiễm bệnh.
Một số hộ dân triển khai rắc vôi bột tại chuồng nuôi. |
Tình trạng tái diễn dịch tả lợn Châu Phi đang diễn biến rất phức tạp. Trước thực trạng đó, huyện Đô Lương đang nỗ lực khoanh vùng dập dịch.
Một trong 3 con lợn nái của gia đình ông Lê Khắc Đào đang bỏ ăn và ốm. |
Ông Lê Văn Chiến - Phó giám đốc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Đô Lương cho biết: “Chúng tôi đã tham mưu UBND huyện ban hành các Công văn, Chỉ thị để phòng chống dịch bệnh, trong đó có hướng dẫn các biện pháp về mặt quản lý Nhà nước, về mặt kỹ thuật để giúp UBND các xã áp dụng vào thực tế của từng địa phương. Chúng tôi cũng khuyến cáo bà con nhân dân phải áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học, tiêm phòng đầy đủ các loại vacxin, thường xuyên thực hiện các biện pháp tiêu độc khử trùng chuồng trại. Phải thực hiện thu gom chất thải chăn nuôi, không để thải ra môi trường. Khi gia súc, gia cầm biểu hiện nghi nhiễm bệnh, phải thông báo về UBND xã. Thực hiện tốt 3 không, đó là: không dấu dịch, không bán chạy gia súc và không vứt xác gia súc, gia cầm chết ra môi trường”.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin