Theo Tổng cục Thuế, dư luận đặt nhiều câu hỏi ngành thuế sẽ quản lý thu đối với kinh doanh lan đột biến như thế nào.
Liên quan vấn đề này, Tổng cục Thuế đã nhiều lần chỉ đạo các cơ quan thuế tăng cường công tác quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh liên quan đến lan đột biến, trong đó gần đây nhất là các vụ giao dịch được tung lên mạng với số tiền được cho là rất lớn hàng chục tỷ đồng ở Hà Nam và gần 300 tỷ đồng tại Quảng Ninh.
Cộng đồng mạng xôn xao về thương vụ mua bán lan đột biến Ngọc Sơn Cước trị giá 250 tỷ đồng diễn ra tại Mạo Khê, Đông Triều, Quảng Ninh. |
Tổng cục Thuế yêu cầu, Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai việc nắm bắt tình hình về các giao dịch mua bán lan đột biến trên địa bàn, đồng thời phối hợp với các cơ quan chuyên ngành để xác minh thực tế và xử lý quản lý thuế theo đúng quy định.
Tổng cục Thuế yêu cầu các Cục Thuế địa phương làm rõ vấn đề và chịu trách nhiệm cung cấp thông tin chính thống cho báo chí.
Về chính sách thuế đối với lan đột biến, trong đó có chính sách đánh thuế vào cây lan, chính sách thu thuế đối với các giao dịch lan đột biến chục tỷ, trăm tỷ đồng, Tổng cục Thuế đưa ra nhiều quy định của pháp luật, khẳng định: "Trường hợp lan đột biến do doanh nghiệp, tổ chức tự trồng và bán ra thì thuộc đối tượng không chịu thuế VAT".
Tuy nhiên, trường hợp lan đột biến do doanh nghiệp, hợp tác xã nộp Thuế VAT theo phương pháp khấu trừ bán cho hộ, cá nhân kinh doanh và các tổ chức, cá nhân khác ở khâu kinh doanh thương mại thì phải kê khai, tính nộp theo mức thuế suất 5%.
Hình ảnh cuộc giao dịch lan đột biến trị giá 250 tỷ đồng tại Quảng Ninh. |
Trường hợp lan đột biến do doanh nghiệp, hợp tác xã và tổ chức kinh tế khác nộp Thuế GTGT theo phương pháp tính trực tiếp trên GTGT bán ở khâu kinh doanh thương mại thì kê khai, tính nộp Thuế GTGT theo tỷ lệ 1% trên doanh thu.
Về Thuế thu nhập doanh nghiệp, Tổng cục Thuế khẳng định: Trường hợp tổ chức, doanh nghiệp có thu nhập từ việc bán lan đột biến thì thuộc đối tượng phải nộp Thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định.
Trường hợp phát sinh giao dịch mua bán của hộ gia đình, cá nhân, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có phát sinh giao dịch mua bán lan đột biến thì thuộc diện điều chỉnh của Thuế VAT và Thuế thu nhập cá nhân theo quy định về hoạt động kinh doanh với thuế suất lần lượt là 1% và 0,5%.
Đối với hộ gia đình, cá nhân trực tiếp tham gia vào hoạt động sản xuất nông nghiệp (trồng trọt) chưa qua chế biến thành các sản phẩm khác thì sản phẩm nông nghiệp trong trường hợp này không chịu Thuế VAT.
Tổng cục Thuế yêu cầu Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ quy định pháp luật Thuế và pháp luật có liên quan thực hiện công tác quản lý thuế đối với giao dịch mua bán lan đột biến tại địa bàn và các tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định pháp luật.
Trong quá trình thực hiện nếu phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật thì chuyển cơ quan chức năng có liên quan xử lý theo quy định.
Trước đó, tại Hà Nam, thương vụ giao dịch lan đột biến Bảo Duy có giá gần 19 tỷ đồng xôn xao dư luận.
Tuy nhiên, sau khi Cục Thuế tỉnh Hà Nam vào cuộc, xác minh vụ giao dịch trên là giả, các hình ảnh đẩy lên mạng đều được thuê nhằm mục đích khác nhau.
Cũng tại thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh, nhóm nhà vườn lan tại đây có treo phông, bạt, in tên, số điện thoại của chủ vườn để thực hiện hai giao dịch lan đột biến. Trong đó 1 cây lan Var Ngọc Sơn Cước được cho là giao dịch với giá khủng 250 tỷ đồng và 1 mầm lan Hồng Chương Chi với giá 15 tỷ đồng.
Vụ việc giao dịch một cây lan đột biến với số tiền chưa từng thấy gây rúng động dư luận. Ngay sau đó, cơ quan thuế, công an địa phương vào cuộc xác minh, kết quả ban đầu, chủ vườn lan giải thích số tiền 250 tỷ đồng là giao dịch của hơn 5.000 cây lan đột biến Ngọc Sơn Cước và thanh toán nhiều lần.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin