Kinh tế

Nghệ An triển khai cấp bách các giải pháp phòng, chống bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò

17:03, 04/05/2021
Ngày 4/5/2021, Chủ tịch UBND tỉnh đã có công điện hỏa tốc số 15/CĐ-UBND về việc triển khai cấp bách các giải pháp phòng, chống bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò và bệnh Dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
 lấy mẫu xét nghiệm các ổ dịch.
Lấy mẫu xét nghiệm các ổ dịch.

Công điện nêu rõ: Theo thông báo của Cục Thú y, đến ngày 19/4/2021 dịch bệnh viêm da nổi cục (VDNC) trên trâu, bò đã xảy ra tại 170 huyện của 25 tỉnh, thành phố; dịch xảy ra trầm trọng tại các tỉnh Bắc Trung Bộ trong đó có Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Quảng Bình và Nghệ An. Bệnh Dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) hiện đang xảy ra tại 22 tỉnh, thành phố.

Tại Nghệ An, hiện nay đang có 107 ổ dịch VDNC tại 15 huyện, thành, thị; tổng số gia súc mắc bệnh 3.361 con trâu, bò; số gia súc chết, buộc tiêu hủy tại các ổ dịch là 325 con. Bệnh DTLCP đang có 102 ổ dịch chủ yếu xảy ra rải rác ở một số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, không đảm bảo điều kiện an toàn sinh học tại 11 huyện, thành, thị; số lợn buộc tiêu hủy là 10.873 con, trọng lượng 724.833 kg.

Nguyên nhân dịch VDNC, DTLCP lây lan diện rộng do: (1) chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún, không đảm bảo điều kiện an toàn sinh học; (2) tỷ lệ tiêm phòng vắc xin VDNC trâu, bò rất thấp, mới đạt 33,3% tổng đàn (228.218 liều vắc xin VDNC/ tổng đàn 760.000 con trâu, bò); bệnh DTLCP chưa có vắc xin tiêm phòng, không có thuốc điều trị; (3) véc tơ truyền lây bệnh VDNC là ve, mòng, ruồi muỗi... rất khó kiểm soát; (4) một số địa phương có biểu hiện lơ là, thiếu trách nhiệm, chưa triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định, nhiều địa phương vẫn để tình trạng người chăn nuôi vứt xác lợn chết ra môi trường (Nghĩa Đàn, Thanh Chương...) làm lây lan dịch bệnh.

Thực hiện Công văn số 2271/BNN-TY ngày 19/4/2021 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc tập trung nguồn lực kiểm soát dịch bệnh Viêm da nổi cục trên trâu, bò, để khẩn trương khống chế dịch VDNC, DTLCP trong thời gian sớm nhất, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã; Giám đốc các Sở; Thủ trưởng các ngành cấp tỉnh có liên quan triển khai đồng bộ các các giải pháp phòng, chống dịch bệnh sau:

1. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã

- Huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, tập trung các nguồn lực triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh VDNC trên trâu, bò và bệnh DTLCP; không để dịch dây dưa kéo dài, lây lan và phát sinh các ổ dịch mới theo các văn bản chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Thú y, UBND tỉnh. Đặc biệt là thực hiện nghiêm các giải pháp phòng chống dịch tại Thông báo số 206/TB-UBND ngày 12/4/2021 của UBND tỉnh thông báo kết luận của Lãnh đạo UBND tỉnh tại Hội nghị trực tuyến Triển khai cấp bách các giải pháp phòng chống dịch Viêm da nổi cục trâu bò, Dịch tả lợn Châu Phi, bệnh khảm lá hại sắn, sâu bệnh hại trên cây lúa vụ Xuân và các loại dịch bệnh khác trên cây trồng, vật nuôi; Quyết định số 812/QĐ-UBND ngày 19/3/2019 của UBND tỉnh về việc ban hành kịch bản ứng phó khẩn cấp với bệnh Dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn tỉnh Nghệ An; Quyết định số 1001/QĐ-UBND ngày 15/4/2021 của UBND tỉnh về việc ban hành kế hoạch ứng phó khẩn cấp với bệnh VDNC trên trâu, bò trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

- Chủ động giám sát, kịp thời phát hiện, xử lý dứt điểm các ổ dịch ở phạm vi hẹp; báo cáo tình hình dịch bệnh và công tác phòng chống dịch hàng ngày về Sở Nông nghiệp và PTNT, Chi cục Chăn nuôi và Thú y.

- Tiếp tục tổ chức tiêm phòng vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm Vụ Xuân năm 2021 đảm bảo đạt 100% diện tiêm.

- Đối với bệnh VDNC:

+ Khẩn trương rà soát, tổng hợp nhu cầu và triển khai khẩn cấp tiêm phòng vắc xin VDNC cho toàn bộ đàn trâu, bò chưa được tiêm phòng đạt 100% diện phải tiêm. Trong đó lưu ý trâu bò đang mang thai kỳ đầu và kỳ cuối, bê nghé chưa đến tuổi tiêm phòng cần được quản lý chặt chẽ, khi đến tuổi tiêm phòng thì tổ chức tiêm ngay để tạo miễn dịch chủ động. Chỉ đạo người chăn nuôi mua vắc xin VDNC tiêm phòng và hóa chất đặc hiệu (Hantox, Deltox...) tiêu diệt côn trùng (ruồi, muỗi, ve, mòng...) loại bỏ nguồn lây truyền bệnh.

+ Hướng dẫn người chăn nuôi nhốt toàn bộ trâu, bò mắc bệnh VDNC, tăng cường chăm sóc, theo dõi, điều trị triệu chứng cho trâu, bò bị bệnh, hàng ngày vệ sinh, sát trùng, tiêu độc nơi nuôi nhốt gia súc và khu vực xung quanh.

- Đối với bệnh DTLCP: Thực hiện nghiêm "06 không” trong phòng, chống DTLCP và áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học theo Quyết định số 3385/QĐ-UBND ngày 01/10/2020 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Kế hoạch phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2020-2025.

Chỉ cho phép tái đàn lợn tại các hộ chăn nuôi đảm bảo điều kiện về chuồng trại và kê khai các hoạt động chăn nuôi, đã được UBND cấp xã, UBND cấp huyện kiểm tra, xác nhận.
- Thường xuyên thực hiện vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường chăn nuôi phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm.

- Chỉ đạo thực hiện tốt công tác quản lý giết mổ, tiêu thụ, vận chuyển, buôn bán động vật, sản phẩm động vật;

- Thành lập đội phản ứng nhanh thường xuyên kiểm tra, phát hiện xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trái phép, vứt xác trâu bò chết, lợn chết ra môi trường; tiêu hủy ngay xác trâu, bò, lợn chết tránh ô nhiễm môi trường và lây lan dịch bệnh. Những huyện nào lơ là, thiếu trách nhiệm, để dịch VDNC, DTLCP lây lan ra diện rộng, để người dân vứt xác động vật chết ra môi trường thì Chủ tịch UBND huyện đó bị phê bình và chịu trách nhiệm trước chủ tịch UBND tỉnh.

- Đẩy mạnh tuyên truyền về tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm và các biện pháp phòng, chống dịch, lợi ích của việc tiêm phòng, tiêu độc khử trùng, đặc biệt tuyên truyền cụ thể các biện pháp phòng bệnh đối với bệnh VDNC, DTLCP và các loại dịch bệnh nguy hiểm khác trên đàn vật nuôi...

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Thành lập các đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo các huyện, thành, thị thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch; báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện của các huyện để kịp thời chỉ đạo.
- Chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương: Theo dõi chặt chẽ, tổng hợp tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh, báo cáo, tham mưu các giải pháp chống dịch phù hợp, hiệu quả; chuẩn bị đầy đủ vật tư, hóa chất..., phối hợp với các địa phương xử lý dịch nhanh chóng.

3. Sở Tài chính: Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT tiếp tục tham mưu, bố trí nguồn kinh phí phục vụ cho công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm khẩn cấp trên địa bàn tỉnh theo quy định. Trường hợp dịch VDNC, DTLCP và các dịch bệnh nguy hiểm khác xảy ra trên diện rộng, tham mưu bố trí sớm nguồn kinh phí mua vắc xin, hóa chất, vật tư... để kịp thời cấp cho các địa phương xử lý ổ dịch nhanh chóng, hạn chế dịch lan rộng.

4. Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh, Báo Nghệ An: Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền sâu rộng về diễn biến tình hình dịch, triệu chứng bệnh, các yếu tố nguy cơ, các biện pháp phòng chống dịch bệnh VDNC, DTLCP... để người dân biết, thực hiện và phối hợp với chính quyền, địa phương trong phòng, chống dịch.

5. Công an tỉnh, Sở Công Thương, Cục Quản lý thị trường, BCH Bộ đội biên phòng tỉnh: Chỉ đạo các lực lượng chức năng phối hợp với các địa phương, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tăng cường kiểm tra, kiểm soát, bắt giữ và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân buôn bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, nhập lậu, không đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, đặc biệt là thịt trâu, bò, lợn và các sản phẩm của chúng...

6. Các Sở, Ngành cấp tỉnh có liên quan: Căn cứ chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn chủ động phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND cấp huyện triển khai thực hiện các biện pháp ngăn chặn, phòng, chống dịch bệnh VDNC trên trâu, bò và bệnh DTLCP.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã; Giám đốc các Sở; Thủ trưởng các ngành cấp tỉnh có liên quan thực hiện nghiêm Công điện này!
 

PV

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện