Ảnh minh hoạ - Nguồn: internet |
Đây là đề xuất chính thức Bộ Xây dựng gửi Chính phủ và Bộ Kế hoạch & Đầu tư ngày 28/10, thay cho phương án về gói 30.000 tỷ đồng cơ quan này đưa ra một tuần trước đó.
Gói tín dụng 65.000 tỷ đồng được chia làm hai phần. Thứ nhất là gói tín dụng cấp bù lãi suất trị giá 15.000 tỷ thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025. Trong đó, 14.000 tỷ đồng sẽ được cấp vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội hỗ trợ khách hàng cá nhân theo Luật Nhà ở vay để mua, thuê mua hoặc xây dựng, cải tạo sửa chữa nhà. Phần còn lại dành cho các ngân hàng thương mại được Nhà nước chỉ định cho vay ưu đãi nhà ở xã hội (Vietcombank, Vietinbank, Agribank, BIDV, LienVietPost Bank, VIB, ACB...) và cho các cá nhân được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội vay.
Gói thứ hai trị giá 50.000 tỷ đồng, Ngân hàng nhà nước sẽ tái cấp vốn cho các ngân hàng thương mại nhằm hỗ trợ một số đối tượng vay ưu đãi, gồm: công nhân, người lao động làm việc trong các khu công nghiệp được vay ưu đãi; chủ đầu tư dự án nhà lưu trú cho công nhân khu công nghiệp thuê; chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội.
Như vậy, so với phương án đề xuất trước đó, kiến nghị chính thức của Bộ Xây dựng tăng hơn hai lần về quy mô và hướng tới hỗ trợ cả người mua nhà thay vì chỉ chủ đầu tư xây nhà xã hội như trước.
Theo Bộ Xây dựng, gói tín dụng này nhằm góp phần thực hiện "mục tiêu kép" của Chính phủ: bảo đảm an sinh xã hội - nhà ở cho các đối tượng yếu thế là người thu nhập thấp, công nhân, người lao động trong khu công nghiệp; vừa giúp kinh tế phục hồi, phát triển bền vững.
Sau đợt dịch Covid-19 lần thứ tư, vấn đề nhà ở xã hội cho người lao động trở nên nổi cộm. Các khu nhà ở cho người lao động tại các khu công nghiệp (đặc biệt là ở các tỉnh phía Nam) là nơi chịu tác động lớn nhất của đại dịch do tập trung đông người nhưng điều kiện không đảm bảo. Điều này đã ảnh hưởng không chỉ sức khoẻ, đời sống của người lao động, mà còn là một nguyên nhân lớn khiến sản xuất, kinh doanh tại khu công nghiệp khó khăn, chuỗi cung ứng sản xuất, lao động bị đứt gãy trong Covid-19.
Do đó, Bộ Xây dựng nhấn mạnh, việc đầu tư phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt nhà ở cho công nhân khu công nghiệp là giải pháp cần thiết nhằm phục hồi sản xuất và kinh tế.
Hiện số liệu sơ bộ cho thấy, nhu cầu về nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp khu vực đô thị và công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2025 khoảng 294.600 căn, tổng mức đầu tư khoảng 220.000 tỷ đồng.
Dù nhu cầu thị trường lớn, thực tế các doanh nghiệp lại không mặn mà đầu tư. Bên cạnh các vướng mắc về chính sách, doanh nghiệp phản hồi còn gặp ách tắc về vốn.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin