Kinh tế

Chính phủ trình Quốc hội gói phục hồi kinh tế trị giá 350.000 tỷ đồng

10:31, 04/01/2022
Chương trình phục hồi kinh tế gồm hỗ trợ tài khóa khoảng 291.000 tỷ đồng, hỗ trợ tiền tệ khoảng 46.000 tỷ đồng, hỗ trợ qua các quỹ khác 10.000 tỷ đồng và một số khoản khác.

Ngay sau khi khai mạc kỳ họp Quốc hội bất thường, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng trình bày tờ trình về dự thảo nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Chương trình này được áp dụng chủ yếu trong 2 năm 2022-2023. Mục tiêu của chương trình là giúp nền kinh tế có mức tăng trưởng trung bình 6,5-7% trong giai đoạn 2021-2025. Hiện tại, năm 2021 - năm đầu tiên của giai đoạn - tăng trưởng GDP là 2,58%.

Gói phát triển hạ tầng hơn 4 tỷ USD

Cụ thể hơn, theo tờ trình, số tiền giảm thuế, phí, lệ phí ước tính khoảng 64.000 tỷ đồng. Chi trực tiếp từ ngân sách Nhà nước là 176.000 tỷ đồng, chỉ sử dụng để chi đầu tư phát triển. Khoản này chia ra, phòng, chống dịch, đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng, trung tâm kiểm soát bệnh tật cấp vùng, viện và bệnh viện cấp trung ương là 14.000 tỷ đồng.

Về an sinh xã hội, lao động, việc làm, cấp cho Ngân hàng Chính sách Xã hội 5.000 tỷ đồng. Số tiền này sẽ dùng cấp bù lãi suất và phí quản lý 2.000 tỷ đồng để thực hiện chính sách cho vay ưu đãi thuộc Chương trình; hỗ trợ lãi suất cho đối tượng vay vốn 3.000 tỷ đồng.

Chính phủ sẽ đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp các cơ sở bảo trợ xã hội, đào tạo, dạy nghề, giải quyết việc làm là 3.150 tỷ đồng.

Chính phủ cũng đề xuất hỗ trợ 2%/năm lãi suất thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại là 40.000 tỷ đồng.

Đầu tư cho hạ tầng là một trong những trọng tâm của chương trình phục hồi kinh tế.
Đầu tư cho hạ tầng là một trong những trọng tâm của chương trình phục hồi kinh tế.

Về đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, hạ tầng giao thông là 103.164 tỷ đồng; cấp vốn điều lệ cho quỹ hỗ trợ phát triển du lịch và đầu tư hạ tầng chuyển đổi số là 5.686 tỷ đồng.

Chính phủ cũng tăng thêm tối đa 38.400 tỷ đồng hạn mức phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh cho Ngân hàng Chính sách Xã hội để cho vay hỗ trợ giải quyết việc làm; học sinh, sinh viên; các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập; nhà ở xã hội; phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Tăng bội chi ngân sách

Để có nguồn lực thực hiện, Chính phủ đề xuất tăng bội chi ngân sách với số tiền là 240.000 tỷ đồng trong 2 năm 2022-2023.

Riêng năm 2022, Chính phủ ước tính tăng bội chi thêm khoảng 1,1% lên mức 5,1% để có số tiền khoảng 102.800 tỷ đồng.

Chính phủ cũng đề nghị cho phép nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu ngân sách Nhà nước bình quân giai đoạn 2021-2025 có thể cao hơn 25%. Ngoài ra, tổng mức vay, trả nợ của ngân sách trung ương có thể cao hơn kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia; kỳ hạn phát hành trái phiếu Chính phủ bình quân thấp hơn 9 năm.

Ngoài ra, ngân sách Nhà nước có thể đi vay một số nguồn hợp pháp và hoàn trả khi có nguồn tăng thu hàng năm. Bộ Tài chính sẽ phát hành trực tiếp trái phiếu Chính phủ cho Ngân hàng Nhà nước.

Đến năm 2023, Chính phủ tổng hợp kế hoạch và dự toán ngân sách Nhà nước chung cho cả phần tăng thêm của Chương trình phục hồi và của năm 2023, trình Quốc hội xem xét, quyết định theo quy định hiện hành.

Một trong những điểm quan trọng trong chính sách tài khóa là Chính phủ đề xuất miễn, giảm thuế khoảng 64.000 tỷ đồng trong năm 2022 và tính vào bội chi ngân sách Nhà nước tương ứng (đã tính trong tổng số kiến nghị tăng bội chi 240.000 tỷ đồng).

 

Chính phủ cũng trình Quốc hội quyết định việc cho phép tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 tại Việt Nam cho đến khi cơ quan có thẩm quyền công bố hết dịch Covid-19.

Chính phủ cũng trình tăng hạn mức bảo lãnh Chính phủ đối với trái phiếu phát hành trong nước của Ngân hàng Chính sách Xã hội tối đa 38.400 tỷ đồng để thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cho vay ưu đãi trong 2 năm 2022-2023.

Ngoài ra, trong quá trình điều hành chính sách hỗ trợ đầu tư công, để bảo đảm thực hiện hiệu quả và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công của Chương trình trong 2 năm 2022-2023, giao Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định phương án điều chỉnh, phân bổ linh hoạt vốn đầu tư công của Chương trình và Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025.

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện