Theo những người dân bán đào Tết ở khu chợ đêm thị trấn Mường Xén, huyện miền núi Kỳ Sơn (Nghệ An) đào bán ở đây được chở ra từ xã Tây Sơn, Mường Lống, Đọoc Mạy, Na Ngoi của huyện Kỳ Sơn. Thời điểm này, những gốc đào đá từ trong các thôn, bản ùn ùn đổ về thị trấn Mường Xén để phục vụ nhu cầu của người dân chơi Tết.
Đào đá trồng trong các bản, cận Tết được bà con mang ra thị trấn bằng xe máy, sau đó tập kết tại các tuyến đường chính, nơi có đông người qua lại |
Giá đào đá Tết tại Kỳ Sơn năm nay mềm hơn so với các năm trước. Các gốc đào có giá từ 2 - 5 triệu đồng chiếm tỷ lệ cao nhất, những gốc đào khủng, có giá hàng chục triệu đồng xuất hiện ít hơn so với các năm. Mặc dù ảnh hưởng từ dịch Covid-19, nhưng sức mua đào đá vẫn ổn định. Người bán tại đây đa phần là người bản địa nên nếu khách có nhu cầu mua buôn với số lượng lớn có thể vào tận vườn của người dân trong bản để lấy.
Đào đá ngày càng hiếm. Đào trên núi càng to, già, xù xì, gân guốc lại càng có giá. Người chơi thích cái mộc mạc, hoang dại của đào rừng.
Các sản vật chủ yếu là hàng địa phương của huyện miền núi Kỳ Sơn và một số đặc sản của nước bạn Lào |
Dọc tuyến quốc lộ 7, đào rừng bán la liệt. Xe nào về xuôi cũng mang trên mình một cành đào. Anh Phạm Bá Tuân (37 tuổi) - tiểu thương bán đào ở Mường Xén có kinh nghiệm “săn” đào rừng hơn chục năm nay, cho biết, dù Covid-19 có ảnh hưởng đến thu nhập nhưng nhiều người vẫn đến chợ chọn mua hoa về chơi Tết khá sớm, dân bản lại có thêm ít tiền tiêu Tết. So với các năm trước, năm nay đào nở sớm nên nhiều người đã mua chơi trước Tết cho có không khí.
11h đêm, tại khu chợ đào Mường Xén một "hàng" đào đang chờ người đến mua. |
“Năm nay đào cành bán tại chợ cũng không đắt hơn các năm trước, những gốc đào “khủng” đắt tiền c không nhiều. "Tôi nghĩ do ảnh hưởng Covid-19 nên mọi người khá cân nhắc, nhưng những cành có giá cả vừa phải thì vẫn bán khá tốt vì đó là thú vui không thể bỏ được, là truyền thống của người dân từ xưa rồi …”, anh Tuân nói thêm.
Cùng với các thương lái ở dưới xuôi lên thì khá nhiều người dân từ các huyện lân cận đến đây tham quan và chọn mua cho mình những cành đào đẹp nhất khiến không khí càng nhộn nhịp.
Những người mua soi kỹ càng những lộc, những nụ trước khi ngã giá mua. |
Là đầu mối cung cấp hoa đào lớn nhất Nghệ An và họp chợ dọc theo thị trấn Mường Xén nên chợ hoa đào thu hút cả dân buôn lẫn khách lẻ. Cũng giống như các năm trước, đào Tết được bày bán với số lượng lớn, nhiều chủng loại như, đào đá, đào mốc, đào Lào… Những ngày giáp Tết, chợ mở đến tận sáng để phục vụ nhu cầu ngày càng tăng cao của người dân.
Vừa chăm sóc cành đào, anh Vi Văn Duy (46 tuổi) ở xã Tây huyện Kỳ Sơn cho hay, những ngày sát Tết, năm nào anh cũng mang đào ở nhà đi bán ở chợ Mường Xén. Anh Duy cho biết, đào vườn của anh cũng trồng trên 10 năm, năm nay do ảnh hưởng dịch nên cũng hơi khó bán, và giá cũng không được bằng các năm trước thế nhưng gần tới Tết thì giá có thể cao hơn.
Theo quan sát của PV, số lượng gốc đào đá "khủng" năm nay ít hơn so với các năm trước, tuy nhiên vẫn có một số gốc đào có kích thước lớn, lâu năm được chào bán với giá hàng chục triệu đồng. |
Năm nay lượng đào sụt giảm mạnh so với các năm trước do dịch bệnh khiến đào từ Lào khó về và quy định cấm chặt đào rừng. Nguồn cung sụt giảm nên giá đào hiện đang nằm ở mức khá cao và ngày càng hiếm những cành đào đẹp.
Anh Nguyễn Hữu Danh một người dân ở thành phố Vinh lên chọn đào cho biết, vào thời điểm này hàng năm anh thường đến chợ đào Mường Xén, Kỳ Sơn để chọn mua đào về trưng Tết. Theo anh, giá đào năm nay cũng không cao hơn so với các năm trước, với số tiền từ 1-2 triệu đồng là mua được một cành đào rừng khá đẹp.
Đến gần sáng, sau khi thỏa thuận được giá, các thương lái đã chất đào lên xe và vận chuyển về xuôi |
Cùng bạn ở dưới xuôi lên, chị Nguyễn Thanh Mai ở thành phố Vinh chọn mua đào đá để mang về cho gia đình. Chị Mai chia sẻ, năm nào có điều kiện ngược núi những ngày cuối năm là nhất quyết phải chọn cho được một cành đào thật đẹp về cho gia đình chưng Tết, đây là thói quen của chị trong nhiều năm qua.
“Mấy năm nay, tôi thường cùng bạn lên vùng Kỳ Sơn này để chọn đào về chơi Tết vì ở đây nhiều chủng loại, dễ mua hơn, ngắm chọn thoải mái. Nay tôi đi mua hơi sớm, không biết có chơi được đến Tết không. Nhưng tôi nghe nói đào rừng thân gỗ nên lâu hỏng, đặc biệt lại chơi được trong thời gian dài. Mua đào sớm để thấy không khí Tết đang về", chị Mai cho hay.
Đến khu chợ miền sơn cước dịp này, mọi người sẽ "chạm" gần hơn tới Tết. Ai cũng mong muốn sắm cho gia đình một cành đào đẹp để trang hoàng nhà cửa. |
Hầu hết những người bán đào đều ngủ lại "chợ" trong đêm để chăm đào, trông đào. Việc buôn bán các mặt hàng đặc sản đã và đang mang lại khá nhiều lợi nhuận cho các lái buôn ở thị trấn vùng cao này. Tuy nhiên, công việc cũng không kém phần vất vả và cũng nhiều rủi ro. Anh Vừ Bá Long ở Tây Sơn, huyện Kỳ Sơn cho biết, mặc dù cận Tết nhưng lượng hàng chưa bán được vẫn còn nhiều.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin