Kinh tế

Con Cuông chú trọng công tác trồng và chăm sóc rừng

15:39, 04/03/2022
Huyện Con Cuông là một trong những địa phương có tổng diện tích rừng trồng lớn nhất Nghệ An, với tổng diện tích đất có rừng là 164.600 ha, chiếm trên 89% tổng diện tích đất tự nhiên. Trong đó, diện tích đất rừng phòng hộ 17.961,16 ha, rừng kinh tế trên 57.761 ha, độ che phủ rừng đạt trên 84%, cao nhất tỉnh.

Xác định trồng rừng có tầm quan trọng trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường sinh thái, những năm qua, huyện Con Cuông luôn quan tâm, chỉ đạo các cấp, ngành, tổ chức đoàn thể vận động nhân dân đẩy mạnh công tác trồng rừng gắn với bảo vệ rừng trồng.

Rừng trồng theo quy mô hộ gia đình
Rừng trồng theo quy mô hộ gia đình

Trong năm 2022, huyện chỉ đạo Phòng NN&PTNT huyện phối hợp với các xã rà soát diện tích rừng nghèo, đất trống, đồi trọc chuyển sang trồng keo, bồ đề và một số cây trồng khác vừa đảm bảo hiệu quả trong phát triển kinh tế, vừa đảm bảo độ che phủ của rừng.

Theo đó toàn huyện sẽ triển khai trồng mới trên 2000ha. Cùng với đó, huyện đặc biệt chú trọng tới công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng cho nhân dân hiểu vai trò, vị trí và tầm quan trọng của rừng đối với cuộc sống con người, giữ độ che phủ rừng ở mức 85% trở lên (cao nhất tỉnh). Qua công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật bảo vệ rừng đã nâng cao chất lượng công tác trồng và bảo vệ rừng ở địa phương.

Trong tổng số diện tích rừng trồng mới có trên 60% diện tích rừng trồng theo quy mô hộ gia đình.

anh 4. Trồng rừng được huyện CC gắn với công tác chăm sóc, bảo vệ rừng trồng.
Trồng rừng được huyện Con Cuông gắn với công tác chăm sóc, bảo vệ rừng 

Ông Nguyễn Mạnh Thắng - Chủ tịch UBND xã Bồng Khê, Con Cuông cho biết, xã đã định hướng cho người dân trồng rừng phải đi đôi với công tác chăm sóc, bảo vệ, đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, nhất là phương pháp thâm canh trong sản xuất rừng.

Song song với việc trồng rừng, huyện Con Cuông cũng chú trọng, làm tốt công tác bảo vệ, khai thác thế mạnh từ rừng. Công tác giao đất, giao rừng đến với từng hộ dân đã giúp khoanh nuôi được 1.500 ha rừng trồng, bảo vệ được gần 3000 ha rừng trồng năm thứ 2 và năm thứ 3; Tích cực ngăn chặn và xử lí nghiêm các vụ vi phạm lâm luật, xử phạt, phát hiện và xử lý kịp thời nghiêm minh các đối tượng vi phạm quy định lâm sản.

Trong năm 2021, huyện xử lý hình sự 4 vụ; xử phạt hành chính 79 vụ làm giảm 37,411 ha rừng; khối lượng lâm sản tịch thu 50,717 m3 gỗ. Số tiền thu, nộp ngân sách trên 751,4 triệu đồng.

Công tác phòng chống cháy rừng được tăng cường, nguy cơ cháy rừng được cảnh báo thường xuyên.

a
Việc quản lý khai thác rừng và tiêu thụ lâm sản được thực hiện theo đúng quy trình, quy định.

Công tác trồng, bảo vệ rừng đạt được kết quả đáng mừng, trong những năm qua là do huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về lợi ích của rừng làm cho nhận thức về phát triển kinh tế vườn rừng trong nhân dân được nâng cao, mặt khác huyện cũng đã tích cực hỗ trợ người dân tìm nguồn cung ứng giống tốt có chất lượng, hướng dẫn bà con cách áp dụng tiến bộ KHKT vào trồng, chăm sóc cây non; việc quản lý khai thác rừng và tiêu thụ lâm sản được thực hiện theo đúng quy trình, quy định, qua đó đã khuyến khích được người dân trồng, chăm sóc rừng ngày một tốt hơn.

Ông Lô Văn Lý - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Con Cuông chia sẻ: Từ những kết quả công tác trồng và bảo vệ rừng ở huyện Con Cuông trong những năm qua cho thấy, huyện đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền về hiệu quả của việc trồng rừng nên phong trào trồng rừng ngày một phát triển, lan rộng khắp các xã từ Mậu Đức, Đôn Phục cho đến Môn Sơn, Yên Khê, Thạch Ngàn… Một số diện tích trồng cây kém hiệu quả đang được thay thế bằng những rừng keo lai, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Với nguồn nguyên, nhiên liệu quý giá và tiềm năng sẵn có, việc phát triển lâm nghiệp ở Con Cuông đang có bước phát triển mạnh, đem lại giá trị kinh tế cao cho người trồng rừng.

Bá Hậu

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện