Kinh tế

Nông dân Anh Sơn nuôi dê nhàn tênh bằng các loại lá thảo dược

12:10, 29/03/2022
Nắm bắt nhu cầu hướng tới những sản phẩm sạch của người tiêu dùng, những năm gần đây, bà con nông dân huyện Anh Sơn đã phát triển mô hình chăn nuôi dê thịt bằng các loại lá thảo dược và lá cây lành tính. Hướng đi này đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Tham quan mô hình chăn nuôi dê của gia đình anh Nguyễn Đình Khanh ở thôn Hồng Sơn, xã miền núi Thọ Sơn, khu vực nuôi được bố trí ngăn nắp và khoa học, có cây xanh chắn gió, che nắng, chuồng được phân thành nhiều ngăn để nhốt riêng dê mẹ, dê thịt và dê nuôi hậu bị. Ngoài ra, anh còn sử dụng chế phẩm vi sinh để xử lý chất thải chăn nuôi. Nhờ vậy môi trường sạch sẽ, thoáng mát và không có mùi hôi thối.

a
Nông dân huyện Anh Sơn đẩy mạnh phát triển mô hình chăn nuôi dê thịt.

Sau một thời gian chăn nuôi, thấy hiệu quả kinh tế, gia đình anh bắt đầu tăng đàn qua từng năm. Anh Khanh chủ yếu tìm các loại lá cây thảo dược như cỏ ngọt, cỏ xước, đinh lăng, bồ công anh... Ngoài ra còn có lá các loại cây lành tính như: cây chuối, mít, ổi, xoài, mía, ngô, dâu, sung... Đây là những loại thức ăn vừa giúp tăng cường khả năng kháng bệnh cho dê, vừa gia tăng chất lượng thịt dê thương phẩm.

a
Từ hiệu quả kinh tế, các hộ tăng đàn qua từng năm.

Hiện tại gia đình có hơn 90 con dê, trong đó có 50 con dê cái sinh sản. Một con dê cái trung bình một năm sinh 2 lứa, mỗi lứa từ 1-2 con, nuôi khoảng 6 tháng đạt trọng lượng từ 25- 30 kg. Thịt dê là thực phẩm sạch và bổ dưỡng, giá bán ổn định từ 130.000- 150.000 đồng/kg. Năm 2021, gia đình anh Khanh bán gần 100 con dê thịt, cho thu nhập hơn 200 triệu đồng.

Nắm bắt nhu cầu hướng tới những sản phẩm sạch của người tiêu dùng, những năm gần đây, bà con nông dân huyện Anh Sơn đã phát triển mô hình chăn nuôi dê thịt bằng các loại lá thảo dược và lá cây lành tính. Hướng đi này đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.   

a
Nông dân huyện Anh Sơn phát triển mô hình chăn nuôi dê thịt bằng các loại lá thảo dược và lá cây lành tính.

Hầu hết các địa phương trên địa bàn huyện Anh Sơn có địa hình núi đá, sườn đồi, đồng cỏ tự nhiên thích hợp để chăn thả dê. Các địa phương nuôi nhiều như: Thành Sơn, Bình Sơn, Thọ Sơn, Cẩm Sơn, Đức Sơn... Ngoài giống dê cỏ địa phương, nhiều hộ đã đầu tư nuôi giống dê lai để phát triển nâng cao tầm vóc đàn dê thương phẩm, cải thiện chất lượng con giống và nâng chất lượng thịt. Để tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ người dân, những năm trước hội nông dân huyện Anh Sơn đã phối hợp với Hội Nông dân tỉnh triển khai mô hình hỗ trợ chăn nuôi dê tại các xã xã Vĩnh Sơn, Tam Sơn, Hội Sơn và Đức Sơn, cho các hộ gia đình hội viên nông dân vay vốn đầu tư.

Ngoài ra các ban ngành chuyên môn huyện Anh Sơn đã tăng cường tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật về chăn nuôi dê, hướng và mở rộng theo hình thức chăn nuôi dê theo hướng hàng hóa; Tổ chức giúp bà con nông dân tiêm phòng dịch bệnh cho vật nuôi, đồng thời định hướng các hộ dân trên cơ sở quy hoạch vùng nguyên liệu thức ăn, quy hoạch vùng phát triển chăn nuôi tại các xã có điều kiện tự nhiên thuận lợi, góp phần tăng thu nhập cho bà con, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện.

Thái Hiền

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện