Sinh ra và lớn lên tại xóm Ráng xã Nghĩa Đức, 100% đồng bào dân tộc thiểu số, là một trong những địa bàn khó khăn nhất của huyện Nghĩa Đàn, sau khi tốt nghiệp THPT, điều Trương Duy Luých trăn trở nhất là làm thế nào để vươn lên thoát nghèo, cải thiện kinh tế gia đình và làm gương cho người dân trong xóm noi theo. Để có vốn đầu tư sản xuất, Trương Duy Luých phải mất 5 năm vào miền Nam làm thuê đủ nghề, mãi đến năm 2017, anh quyết định về quê lập nghiệp.
Đoàn viên Trương Duy Luých áp dụng khoa học kỷ thuật trong nhân giống ốc bươu. |
Nhận thấy, nhu cầu của thị trường về con ốc bươu rất lớn, Luých mạnh dạn tìm tòi học hỏi, nạo vét, đắp bờ đầu tư nuôi loại ốc đặc sản này. Khi mới bắt đầu khởi nghiệp, anh gặp nhiều khó khăn về vốn, thiếu kinh nghiệm chăn nuôi, ốc phát triển chậm và chết nhiều. Không nản lòng, anh lại đi học thêm kỹ thuật nuôi ốc ở các trang trại lớn, trên các thông tin đại chúng, tham gia các lớp tập huấn do đoàn huyện, xã tổ chức. Nhờ đó, gia đình anh Luých hiện có thu nhập ổn định từ 150 triệu đến 200 triệu đồng mỗi năm với 3 ao nuôi ốc cố tổng diện tích hơn 7 sào.
Nhiều đoàn viên thanh niên đến tham quan, học hỏi mô hình nuôi ốc của anh Trương Duy Luých. |
Đến thăm mô hình chàng trai trẻ Lê Văn Hưng ở xóm Màn xã Nghĩa Thọ là một trong những điển hình đã quyết tâm làm giàu bằng sức lao động, bằng việc tự học của bản thân, mạnh dạn ứng dụng mô hình làm ăn mới và thành công trên chính mảnh đất quê hương.
Năm 2018, sau khi loay hoay lập nghiệp với nhiều ngành nghề nhưng không thành công, anh Lê Văn Hưng chuyển sang nuôi dê thương phẩm. Lúc đầu chưa có kinh nghiệm nên hiệu quả kinh tế thấp. Song, ước mơ làm giàu trên mảnh đất quê hương luôn thôi thúc anh tiếp tục học hỏi các mô hình chăn nuôi dê thành công ở nhiều nơi. Sau nhiều đêm trăn trở tìm hướng đi mới, Hưng quyết định chọn nuôi dê Thái (tên thường gọi là dê Boer) để phát triển kinh tế gia đình. Lợi thế lớn nhất khi nuôi dê Thái là tận dụng được thức ăn có sẵn trong vườn nhà.
“Từ khi sinh ra khoảng 1 năm, dê cái bắt đầu bước vào chu kỳ sinh sản. Một năm dê đẻ 2 lứa, lứa đầu tiên dê chỉ đẻ được 1 con và từ lứa thứ 2 trở đi đẻ từ 1 - 3 con. Thị trường tiêu thụ dê thịt khá phong phú, nhiều thương lái đến tận nhà để mua”, anh Hưng chia sẻ.
Đoàn viên Lê Văn Hưng thành công với mô hình nuôi dê Thái. |
Giờ đây, đàn dê của gia đình anh luôn duy trì từ 100 – 120 con, mỗi năm gia đình anh xuất bán 2 đợt với hàng trăm con dê thịt cho thu nhập trên 200 triệu đồng.
Từ những mô hình trên, các mô hình làm ăn có hiệu quả trên địa bàn được Huyện đoàn Nghĩa Đàn kịp thời nhân rộng. Các câu lạc bộ thanh niên làm kinh tế tập hợp đoàn viên thanh niên, nhất là các thanh niên mới lập nghiệp vươn lên từ khó khăn, làm giàu trên mảnh đất quê hương, chung tay cùng địa phương xây dựng nông thôn mới nâng cao.
Anh Võ Đức Tùng – Bí thư Huyện đoàn Nghĩa Đàn cho biết thêm: Thời gian qua, Ban Thường vụ Huyện đoàn đã giúp cho nhiều đoàn viên thanh niên nhân rộng các mô hình thanh niên sản xuất kinh doanh giỏi, đặc biệt là các mô hình nuôi dê, bò, lươn, gà thả vườn lót đệm sinh học, trồng cây ăn quả,…”.
Hiện nay, Nghĩa Đàn ngày càng có nhiều đoàn viên thanh niên có ý chí, khát vọng với quyết tâm làm giàu trên mảnh đất quê hương. Đặc biệt, nhiều mô hình phát triển kinh tế của thanh niên đã giải quyết việc làm cho nhiều lao động nông thôn, giúp nhiều bạn trẻ có điều kiện giao lưu, học hỏi để cùng nhau phát triển kinh tế.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin