Kinh tế

Hé lộ chương trình hành động mới của Chính phủ dành cho kinh tế tư nhân

07:50, 24/04/2022
Mục tiêu của Chương trình hành động là phấn đấu đến năm 2025 có khoảng 1,5 triệu doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó có khoảng 60.000 đến 70.000 doanh nghiệp quy mô vừa và lớn. Hình thành và phát triển các tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh, có tiềm lực.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang soạn thảo Chương trình hành động của Chính phủ tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 3/6/2017 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế.

Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thời gian qua số lượng doanh nghiệp tăng nhưng chưa đạt mục tiêu đề ra đến năm 2020, mật độ doanh nghiệp so với dân số thấp hơn so với nhiều nước trong khu vực và thế giới; quy mô của các chủ thể kinh tế tư nhân chủ yếu là nhỏ, siêu nhỏ và phần lớn hoạt động phi chính thức.

Kinh tế tư nhân cần thêm không gian để phát triển. Ảnh: Lương Bằng
Kinh tế tư nhân cần thêm không gian để phát triển. Ảnh: Lương Bằng

Hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của phần lớn doanh nghiệp tư nhân thấp”; năng lực công nghệ không cao”; tham gia vào chuỗi giá trị của doanh nghiệp tư nhân khá yếu". Khu vực kinh tế tư nhân chưa thực sự phát triển bền vững, sức chống chịu hạn chế, đặc biệt trong bối cảnh Covid-19 khi số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng mạnh…

Các chỉ số hiệu suất sinh lời của DN tư nhân đều thấp và thấp hơn so với khu vực DNNN và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Máy móc thiết bị lạc hậu so với khu vực khoảng 2-3 thập kỷ và đi sau khoảng 2-3 thế hệ công nghệ. Chỉ có 15-17% doanh nghiệp tư nhân là nhà cung ứng cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Đáng chú ý, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vai trò, đóng góp của kinh tế tư nhân cho phát triển kinh tế xã hội còn hạn chế, chưa phản ánh đúng tiềm năng. Đóng góp của kinh tế tư nhân vào GDP chưa đạt mục tiêu đề ra và phần lớn đóng góp đến từ khu vực hộ kinh doanh (khoảng 30%), đóng góp của khu vực doanh nghiệp tư nhân chưa đến 10%.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhìn nhận môi trường đầu tư kinh doanh còn khá nhiều hạn chế, thiếu minh bạch, tiềm ẩn rủi ro, sự cải thiện không đồng đều. Chính sách pháp luật thiếu ổn định, khó dự báo làm cho doanh nghiệp bị động trong sản xuất kinh doanh, tác động đến tâm lý không muốn đầu tư dài hạn của doanh nghiệp.

Mục tiêu của Chương trình hành động là phấn đấu đến năm 2025 có khoảng 1,5 triệu doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó có khoảng 60.000 đến 70.000 doanh nghiệp quy mô vừa và lớn. Hình thành và phát triển các tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh, có tiềm lực, có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế. Phấn đấu tăng tỉ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP để đến năm 2025 đạt khoảng 55%.

Một trong những nhiệm vụ chủ yếu để đạt mục tiêu trên là tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách đồng bộ, nhất quán, tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho phát triển kinh tế tư nhân.

Trong đó tiếp tục rà soát, kiến nghị bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật không còn phù hợp, chồng chéo, chưa đầy đủ hoặc vướng mắc liên quan đến hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh, đất đai, tài chính,... để tháo gỡ điểm nghẽn phát triển kinh tế tư nhân, bảo đảm bảo thực hiện nghiêm minh quyền tự do kinh doanh, quyền sở hữu tài sản của các chủ thể kinh tế tư nhân.

Thứ hai, tiếp tục mở rộng khả năng tham gia thị trường của kinh tế tư nhân và thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng.

Thứ ba, tiếp tục phát triển kết cấu hạ tầng và tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn lực của kinh tế tư nhân. Trong đó, dự thảo nêu vai trò của Bộ GTVT chủ trì, phối hợp tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế, chính sách khai thác, sử dụng hiệu quả tài sản kết cấu hạ tầng giao thông do Nhà nước đầu tư thông qua đấu thầu cho khu vực kinh tế tư nhân thuê quản lý, sử dụng và khai thác.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện cơ cấu lại và phát triển an toàn, đồng bộ thị trường chứng khoán, thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu DN và các thị trường chứng khoán phái sinh tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tư nhân huy động vốn.

Thứ tư, tiếp tục tập trung hỗ trợ kinh tế tư nhân đổi mới sáng tạo, hiện đại hóa công nghệ và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng suất. Trong đó Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan hoàn thiện và tổ chức triển khai Chiến lược quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ số đến năm 2030; Chương trình phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử viễn thông đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; nghiên cứu giao hoặc đặt hàng các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam phát triển các giải pháp, nền tảng công nghệ số; Triển khai Chương trình thương hiệu Việt cho sản phẩm công nghệ số Make in Việt Nam chinh phục người Việt Nam để nâng cao phạm vi ảnh hưởng và năng lực cạnh tranh của các thương hiệu công nghệ số quốc gia. 

Thứ năm, tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; thống nhất nhận thức, tư tưởng về phát triển kinh tế tư nhân.

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện