Trang Cointelegraph dẫn kết quả một cuộc khảo sát mà Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) vừa công bố cho thấy, hơn 90% trong số 81 ngân hàng trung ương thuộc các quốc gia chiếm đa phần sản lượng kinh tế toàn cầu tham gia khảo sát cho biết họ đang nghiên cứu ý tưởng về việc phát hành tiền tệ kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (Central Bank Digital Currency - CBDC). Hơn 25% ngân hàng trung ương đang tích cực phát triển một đồng tiền kỹ thuật số hoặc đang triển khai các chương trình thử nghiệm, với tỷ lệ tăng gần gấp đôi trong khoảng thời gian từ năm 2020 đến năm 2021.
BIS cho hay, trên toàn cầu, hơn 2/3 ngân hàng trung ương cho rằng họ có khả năng hoặc có thể phát hành CBDC bán lẻ trong ngắn hạn hoặc trung hạn. Các khu trung tâm thương mại bán buôn ngày càng được thúc đẩy nhờ hiệu quả thanh toán xuyên biên giới. Nhiều ngân hàng trung ương coi CBDC có khả năng làm giảm bớt các “điểm nghẽn” như thời gian hoạt động hạn chế của các hệ thống thanh toán hiện tại và độ dài của chuỗi giao dịch hiện tại.
Các ngân hàng trung ương trên thế giới ngày càng quan tâm tới tiền kỹ thuật số, và sự bùng nổ của thanh toán điện tử trong đại dịch Covid-19 cũng đang đẩy nhanh quá trình phát triển của loại tiền tệ này. (Ảnh minh họa: Cointelegraph) |
CBDC - tâm điểm chú ý của các ngân hàng trung ương
Cũng như hầu hết các ngân hàng trung ương trên thế giới, Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (FED) đang tranh luận về việc có nên phát triển một loại tiền kỹ thuật số hay không. Quyết định vẫn chưa được đưa ra và các quan chức FED nói rằng sẽ cần sự chấp thuận của Quốc hội để tiến hành chính thức.
Trên thực tế, giá trị thị trường của tiền điện tử và stablecoin vẫn chỉ chiếm một phần nhỏ của hệ thống tài chính. Nhưng các ứng dụng xử lý thanh toán, chẳng hạn như PayPal và Apple Pay, đang phát triển nhanh chóng và vào đầu năm nay đã xử lý lượng giao dịch có quy mô tương đương các công ty thẻ tín dụng lớn.
Chia sẻ trên Reuters, ông Eswar Prasad, Giáo sư Đại học Cornell và là tác giả của cuốn sách mới ra mắt "Tương lai của tiền tệ" ("The Future of Money") lưu ý: Trong trường hợp ngân hàng trung ương không còn nguồn tiền đủ lớn ở cả cấp bán lẻ hoặc bán buôn, họ có thể bắt đầu mất đi khả năng kiểm soát chính sách.
Giáo sư Eswar Prasad viện dẫn rằng ở một số quốc gia, khả năng đó đang dần trở thành một vấn đề. Như tại Trung Quốc và một số nước khác là Ấn Độ và Thụy Điển, việc sử dụng đồng tiền của ngân hàng trung ương trong thanh toán bán lẻ đã giảm về gần không khi các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán tư nhân tham gia thị trường.
Khi các rủi ro ngày một lớn, các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới đang nhanh chóng hành động thay vì chờ đợi. Các quốc gia Đông Nam Á cũng đang tích cực đẩy mạnh nghiên cứu về tiền kỹ thuật số.
Theo báo cáo của ngân hàng đầu tư JPMorgan Chase và công ty tư vấn Oliver Wyman có trụ sở tại New York, các tập đoàn toàn cầu có thể tiết kiệm tới 100 tỷ USD mỗi năm cho chi phí giao dịch xuyên quốc gia nếu có mặt trong một mạng lưới quốc tế gồm các CBDC khác nhau.
Tờ Asia Nikkei đưa tin, Philippines và Việt Nam sắp bắt đầu nghiên cứu tính khả thi về việc phát hành tiền tệ kỹ thuật số của ngân hàng trung ương CBDC khi các ứng dụng thanh toán của Trung Quốc thâm nhập vào thị trường Đông Nam Á.
Sự mở rộng nhanh chóng của Alipay, WeChat Pay và các ứng dụng tương tự đã làm tăng sự quan tâm của những cơ quan quản lý tiền tệ đối với các CBDC. Hai nền tảng này đều bị cấm ở Việt Nam, nhưng số lượng người dùng vẫn tiếp tục tăng, Nikkei cho hay.
Đồng USD được chấp nhận rộng rãi ở Đông Nam Á cùng với các đồng nội tệ khác, tuy nhiên khi dòng chảy thương mại và tài chính từ Trung Quốc bắt đầu tăng cao, tỷ giá hối đoái ổn định so với đồng nhân dân tệ đã trở thành ưu tiên đối với các nhà hoạch định chính sách tiền tệ trong khu vực Đông Nam Á.
Các quốc gia Đông Nam Á đang tìm cách phát hành CBDC của riêng mình trước khi đồng nhân dân tệ kỹ thuật số bắt đầu chảy vào khu vực. Trong đó, các đối tác của ngân hàng trung ương Philippines và Việt Nam đang trong quá trình nghiên cứu.
CNN đưa tin, khi chia sẻ tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) mới đây, lãnh đạo một số ngân hàng trung ương không coi tiền số là phương tiện thanh toán tin cậy, thậm chí không phải là tiền. Giá các loại tiền số như Bitcoin, Ethereum và nhiều coin ổn định (stablecoin) như Luna và TerraUSD gần đây lao dốc, khiến tài sản của nhà đầu tư bốc hơi mạnh. Điều này càng khiến khả năng tiền số được các ngân hàng trung ương trên thế giới chấp nhận càng xa vời.
Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva nhận định, Bitcoin có thể được gọi là một đồng xu, nhưng không phải tiền. Nó không phải là nơi cất trữ giá trị ổn định.
Song, bà Kristalina Georgieva cho rằng, loại tiền số CBDC do các ngân hàng trung ương phát hành trên thực tế là ổn định. CBDC có thể được coi là một "hàng hóa công cộng toàn cầu", giúp mọi người gửi tiền qua biên giới. Điều quan trọng là ở khả năng tương tác, để việc chuyển các loại tiền điện tử dễ dàng như USD hay euro.
Bao giờ Việt Nam có tiền điện tử?
Tại phiên trả lời chất vấn trước Quốc hội vừa qua, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết, tiền điện tử là thể hiện của đồng tiền pháp định của ngân hàng trung ương phát hành dưới dạng tiền giấy, xu nhưng người cầm tiền lưu giữ dưới dạng điện tử trong điện thoại, máy tính bảng... Tiền điện tử đòi hỏi pháp định 1-1 với tiền pháp định và được thanh toán bằng tiền này. Ngân hàng Nhà nước đã có quy định ví điện tử là tiền điện tử. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước đang sửa đổi Nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt, làm rõ khái niệm này.
Tiền thuật toán, hay còn được gọi là tiền ảo, tài sản ảo như bitcoin, không phải là đồng tiền pháp định do ngân hàng Trung ương các nước phát hành mà do các tổ chức, cá nhân tạo ra bằng các thuật toán trên mạng máy tính. Đồng tiền này chỉ được thừa nhận trong cộng đồng nhất định như cộng đồng game, sàn công nghệ... Mỗi nước có cách quản lý khác nhau với tiền ảo. Có nước coi tiền ảo như một tài sản như chứng khoán để thu thuế, cấp phép giao dịch, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nêu rõ.
Chính phủ Việt Nam đã giao các bộ, ngành nghiên cứu, xây dựng hành lang pháp lý cho tiền ảo. Ngân hàng Nhà nước đang phối hợp các cơ quan chức năng xây dựng.
Tiền kỹ thuật số là đồng tiền pháp định do ngân hàng trung ương phát hành nhưng dưới dạng điện tử. Các nước đang trong quá trình nghiên cứu, nhiều nước thử nghiệm. Với Việt Nam, Chính phủ đang giao Ngân hàng Nhà nước lập ban nghiên cứu tiền kỹ thuật số, do Thống đốc làm Trưởng ban./.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin