Kinh tế

Giá nhiều mặt hàng vẫn "đứng" dù giá xăng dầu giảm sâu

15:23, 04/08/2022
Mức giá xăng, dầu hiện nay đã tương đương với thời điểm tháng 1/2022. Tuy nhiên, giá cả các mặt hàng thiết yếu ở Nghệ An vẫn chưa có dấu hiệu giảm.

Ngược chiều xăng dầu, giá thịt, cá, rau xanh vẫn neo cao

Theo ghi nhận của phóng viên, vào thời điểm giá xăng, dầu tăng liên tục, nhiều mặt hàng thiết yếu khác, nhất là thực phẩm cũng tăng theo. Tuy nhiên, đến thời điểm này, giá xăng, dầu hiện nay đã tương đương với thời điểm tháng 1/2022, thì nhiều mặt hàng đã trót tăng theo vẫn “neo” ở mức như cũ

Ghi nhận tại các chợ truyền thống trên địa bàn Thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An như chợ Quang Trung, chợ Quán Lau, chợ Vinh, chợ Vinh Tân… giá các mặt hàng như rau củ, thịt heo, thịt gà vẫn giữ ở mức cao sau khi giá xăng dầu hai lần giảm giá sâu gần 7.000 đồng/lít.

 

Giá nhiều mặt hàng thiết yếu tại Nghệ An vẫn chưa hạ nhiệt.

Cụ thể: Thịt bò có giá 250-285.000 đồng/kg; thịt lợn dao động từ 130-160.000 đồng/kg; trứng gà ta 50.000 đồng/chục, trứng gà trại 35.000 đồng/chục. Bà Nguyễn Thị Nhung - Tiểu thương ở chợ Vinh Tân cho biết: “lâu nay giá thịt bò vẫn giữ nguyên theo đó, tất cả các loại từ sườn, thăn, diềm, bắp bò… đều tăng thêm từ 15.000 đồng – 30.000 đồng/kg. Mức giá đó giữ nguyên cho đến nay không đổi”.

Theo bà Nhung, sở dĩ giá thịt bò bà bán ra vẫn giữ nguyên giá như trước là do bà nhập thịt từ các lò mổ giá cao nên phải bán ra với giá cao. “Các chủ lò mổ ra thông báo tăng giá bán lẻ nên chúng tôi phải mua với giá cao. Họ không hạ giá thì chúng tôi cũng không thể giảm giá bán ra được. Thật tình, giá thịt bò cao, người dân cũng dè sẻn, tính toán khi mua nên lượng thịt bán ra ít hơn trước rất nhiều, khó bán hơn nên cũng không có lãi. Bản thân những người buôn như chúng tôi cũng mong giá giảm để dễ bán hơn...”, bà Nhung nóii.

Bà Hoa - Tiểu thương chợ Quang Trung, thành phố Vinh cho hay: “Giá xăng giảm nhưng thịt lợn ở chợ đầu mối vẫn tăng nhẹ do thiếu hụt nguồn cung. Do đó, giá bán tại chợ lẻ vẫn vậy, không giảm. Sức mua cũng không cao nên việc buôn bán cũng gặp nhiều khó khăn".

Thậm chí như mặt hàng rau xanh không những không có dấu hiệu “hạ nhiệt” mà còn tăng thêm, có những loại tăng gấp đôi, gấp 3 so với trước. Cụ thể như hành lá, trước đó chỉ có giá 15.000 đồng/kg thì nay tăng vọt lên 45-50.000 đồng/kg; ớt cay trái có giá 50-70.000 đồng/kg. Riêng các loại rau ăn lá như rau muống, xà lách, rau cải, rau mồng tơi đều tăng thêm 1.500-2.000 đồng/bó.

Riêng các mặt hàng thiết yếu như: mỳ tôm, dầu ăn, nước mắm, sữa… khi giá xăng tăng cao đã thiết lập mặt bằng giá mới. Theo đó, giá bán đều tăng thêm 20-30% so với trước. Vậy nhưng, khi giá xăng giảm sâu, quay về mức giá cũ thì giá các mặt hàng này vẫn “nằm yên” không giảm.

“Nói chung giá hàng hóa không hề giảm. Hàng hóa lên rồi đứng giá đó chứ không có giảm. Các loại hàng thịt lợn, thịt bò, thịt gà, gia súc tới giờ vẫn cứ đứng giá chứ chưa có hạ. Thấy người bán họ nói giá đầu vào cao thì người ta cứ bán cho mình cao thôi” – Chị Hoàng Hà, một người dân sống tại Phường Vinh Tân, thành phố Vinh nói.

Yếu tố ảnh hưởng đến giá thực phẩm

Nhiều tiểu thương, doanh nghiệp tại Nghệ An cho biết, các mặt hàng thiết yếu vẫn chưa điều chỉnh giá vì còn nghe ngóng tình hình và còn nhiều yếu tố khác.

Ông Trần An Khang - Giám đốc Big C Vinh cho rằng, giá xăng dầu hạ nhiệt là điểm sáng để làm chững đà tăng của giá hàng hóa trên thị trường, nhưng giá sẽ khó giảm bởi mỗi sản phẩm bao gồm nhiều chi phí. 

Các siêu thị ở Nghệ An đang triển khai các hoạt động khuyến mãi nhằm kích cầu tiêu dùng.

Cũng theo ông Khang, các đối tác cho biết, "Do việc thay đổi áp dụng giá xăng mỗi tháng 2 kỳ nên giá cả thị trường, biến động chuỗi cung ứng cần có độ trễ nhất định để điều chỉnh, chứ không thể điều chỉnh tăng - giảm ngay theo giá xăng. Mặt khác vật tư, nguyên liệu đầu vào phải trữ, nhập về từ vài tháng trước đang ở mức cao nên việc điều chỉnh giá chưa thể làm ngay. Tuy nhiên, khi giá xăng dầu giảm sâu, quay về sát với mức giá của đầu năm 2022, phía chúng tôi đề nghị các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, ngành hàng cần đánh giá lại chi phí sản xuất để điều chỉnh giảm giá hàng hóa hợp lý. Trước mắt, chúng tôi sẽ có các chương trình kích cầu tiêu dùng, bình ổn giá và khai thác các mặt hàng có khuyến mãi để phục vụ người dân...”.

Còn tại các chợ dân sinh, nhiều tiểu thương cũng tính toán, cân đối lại giá cả, chấp nhận lãi ít để giữ khách. “Giá rau tăng hàng ngày nhưng cũng không thể điều chỉnh tăng thêm giá bán nữa. Trước thì mua rau, củ quả sẽ khuyến mãi thêm cho khách hành, mùi, ớt. Nhưng nay, buộc phải cắt giảm việc cho thêm này, còn giá bán vẫn giữ nguyên”, chị Lan - tiểu thương kinh doanh rau xanh ở chợ đầu mối Vinh cho biết.

Nhiều lý do được các đại lý tạp hoá, các cửa hàng siêu thị đưa ra như: Đang đàm phán với đối tác, nhà cung cấp, phân phối sản phẩm để giảm giá hàng hoá khi giá xăng giảm mạnh. Tuy nhiên, đến hiện tại, các nhà cung cấp chưa có thông báo giảm giá các mặt hàng cung cấp.

Nhận định về việc giảm giá các mặt hàng “ăn theo" giá xăng dầu, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, giá xăng dầu giảm thì chắc chắn những hàng hóa có tác động trực tiếp phải giảm như cước phí xe chở khách du lịch, xe vận tải dạng hợp đồng. Tuy nhiên, việc đòi hỏi doanh nghiệp sản xuất giảm giá hàng hóa giảm ngay sau điều chỉnh xăng dầu là điều khó xảy ra do thường có độ trễ nhất định. Cơ hội từ việc giảm giá xăng dầu dẫn đến giảm giá các mặt hàng khác chỉ là tiềm năng chứ không có mối quan hệ trực tiếp.

Bởi cơ quan chức năng chưa có biện pháp để chuyển những động thái giảm giá xăng dầu vào việc giảm giá các mặt hàng khác. Tất cả đều do thị trường của các doanh nghiệp cung ứng hay các hộ kinh doanh cung ứng mặt hàng này trên thị trường quyết định.

Về vấn đề này, bà Trần Thị Mỹ Hà - Trưởng phòng Quản lý thương mại, Sở Công Thương tỉnh Nghệ An cho biết: Sở sẽ phối hợp cùng các doanh nghiệp bán lẻ cung cấp đủ lượng các mặt hàng thiết yếu và bảo đảm bình ổn thị trường. Cùng với đó đẩy mạnh các hoạt động liên kết vùng, kết nối cung-cầu hàng hóa với các tỉnh, thành phố khác.

Thời gian này,“Sở đã phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành liên quan cập nhật tình hình cân đối cung cầu, giá cả thị trường; thường xuyên nắm bắt diễn biến hoạt động mua bán trên địa bàn, kịp thời báo cáo về tình hình thị trường, giá cả, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu; mở kênh tiếp nhận thông tin để chỉ đạo điều tiết hàng hóa, tăng cường kiểm tra, kiểm soát để ngăn chặn các hoạt động găm hàng, đầu cơ, thao túng giá…”, bà Trần Thị Mỹ Hà cho biết thêm.

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện