Mô hình trồng xen canh cây lạc trong vườn sắn ở xã Thành Sơn, huyện Anh Sơn. |
Gia đình ông Đặng Bá Quyền ở thôn Hùng Thành, xã Thành Sơn là hộ tiên phong chuyển đổi ứng dụng mô hình trồng xen canh cây lạc trong vườn sắn, với diện tích 16 sào. Được hỗ trợ về giống, phân bón và chuyển giao khoa học kỹ thuật, tuân thủ theo đúng quy trình từ khâu trồng đến chăm sóc cho cả 2 loại cây, toàn bộ diện tích trồng xen của gia đình ông đều phát triển tốt. Theo tính toán của ông Quyền, trung bình 1 sào lạc trồng xen với sắn cho năng suất khoảng 70kg lạc/sào. Với giá bán hiện khoảng từ 30.000 – 32.000 đồng/kg, 16 sào đất trồng sắn xen lạc đã mang lại cho ông hơn 35 triệu đồng. Sau khi thu hoạch lạc xong, cây sắn hiện đang trên đà sinh trưởng phát triển tốt. Dự tính đến kỳ thu hoạch cuối năm gia đình sẽ thu được hơn 15 tấn sắn củ nữa.
Theo ông Quyền, hiệu quả kép của biện pháp kỹ thuật xen canh này là sau khi thu hoạch lạc xong, toàn bộ thân, cành, lá, gốc, rễ sẽ vùi lấp xuống đất làm phân xanh, đất giàu mùn và tơi xốp hơn. Độ phì và khả năng giữ ẩm của đất cũng tăng lên, nhất là với đất dốc bạc màu, đất xám.
Bước đầu mô hình cho kết quả khả quan, mở ra hướng đi mới cho nông dân Anh Sơn. |
Gia đình ông Trần Ngọc Phượng thôn Hùng Thành xã Thành Sơn cũng được chọn tham gia mô hình làm điểm trồng sắn xen lạc với diện tích 12 sào. Sau khi thu hoạch vụ lạc xen sắn đầu tiên, năng suất lạc đạt từ 70- 80 kg/sào, mỗi sào lạc cho thu nhập khoảng hơn 2 triệu đồng. Cây sắn hiện cũng đang phát triển tốt, hứa hẹn năng suất cao hơn vụ năm ngoái. Với cách làm này, chất màu mỡ của đất ít bị rửa trôi, mà đất canh tác sắn trong nhiều vụ vẫn không bị thoái hóa, giúp quá trình canh tác cây sắn bền vững hơn.
Ông Đào Anh Tân, chủ tịch UBND xã Thành Sơn cho biết: Toàn xã có 130 ha trồng sắn cung cấp cho doanh nghiệp. Năm 2022, xã Thành Sơn được UBND huyện phối hợp với Sở khoa học và công nghệ, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện xây dựng dựng mô hình ứng dụng tiến bộ KHCN trồng xen canh cây họ đậu trong vườn sắn, cụ thể là giống lạc L27 và giống sắn KM 94 tại vùng Bãi Lau. Mô hình được triển khai với quy mô 5 ha, có 8 hộ gia đình tham gia. Kết quả cho thấy cả 2 loại cây trồng này đều sinh trưởng, phát triển tốt, ít bị sâu bệnh gây hại, ít cỏ dại hơn. Ngoài ra trên cùng một diện tích canh tác, nông dân thu hoạch được 2 lần, hiệu quả kinh tế mang lại gấp đôi so với trước đây.
Là một trong ba loại cây trồng chủ lực của huyện (mía, chè, sắn), hiện cây sắn không còn là cây lương thực mà đã trở thành nguyên liệu cung cấp cho công nghiệp chế biến. Với diện tích trên trên 1.300ha trồng tập trung chủ yếu ở các xã Thành Sơn, Thọ Sơn, Hoa Sơn, Tường Sơn,… cây sắn không chỉ góp phần xóa đói giảm nghèo mà còn là cây làm giàu cho nhiều hộ gia đình, trong đó có nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
Thời gian tới, huyện Anh Sơn sẽ nhân rộng mô hình trồng sắn nhằm thay đổi phương thức độc canh. |
Ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Anh Sơn cho biết thêm: Quá trình triển khai mô hình trồng xen canh cây lạc trong vườn sắn, trung tâm đã hướng dẫn bà con kỹ thuật làm đất, bón phân đầy đủ, khoảng cách trồng,.. Qua 3 tháng triển khai mô hình tỷ lệ nảy mầm và sống đạt trên 90%, bước đầu năng suất đáp ứng, lợi nhuận đạt tốt.
Thời gian tới, huyện Anh Sơn sẽ nhân rộng mô hình ra các địa phương trồng sắn nhằm thay đổi phương thức độc canh cho người dân sang trồng xen canh, góp phần cải tạo đất, bảo vệ môi trường sinh thái và tăng thu nhập; đồng thời đảm bảo nguồn nguyên liệu cho nhà máy chế biến trên địa bàn và đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của huyện.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin