Theo thống kê, hiện nay toàn huyện có 40 làng nghề được UBND tỉnh công nhận với 7 loại ngành nghề chính là mộc mỹ nghệ, gạch không nung, mây tre đan, chế biến thủy hải sản, sửa chữa tàu thuyền, hoa cây cảnh, sản xuất miến… Không chỉ đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, các làng nghề còn là nơi lưu giữ giá trị văn hóa của địa phương. Bên cạnh đó, các làng nghề đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động, đóng góp quan trọng trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Thời gian qua, để nâng cao giá trị sản phẩm, nhiều làng nghề trên địa bàn huyện đã tích cực áp dụng các tiến bộ KHKT, đổi mới thiết bị trong sản xuất, thay thế dần các hoạt động thủ công hay gây ô nhiễm môi trường, sản phẩm làm ra cũng không bảo đảm chất lượng, năng suất thấp dẫn đến khó cạnh tranh trên thị trường.
Ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nghề mộc mỹ nghệ ở Quỳnh Hưng |
Ông Vũ Ngọc Lâm, Trưởng ban quản lý làng nghề mộc Nam Thắng, xã Quỳnh Hưng, huyện Quỳnh Lưu cho biết: Nghề mộc đòi hỏi sự tỉ mẩn, khéo léo, bay bổng trong từng nét chạm trổ. Vì cơ chế thị trường luôn đòi hỏi phải cải tiến kỹ thuật, đa dạng sản phẩm nên đã có thời điểm nghề mộc truyền thống ở xã Quỳnh Hưng bị ngừng trệ, các hộ làm nghề mang tính “cầm chừng”. Việc đầu tư các loại máy móc hiện đại như máy đục, máy điêu khắc,... vào sản xuất để làm ra mẫu mã phong phú, giá thành cạnh tranh hơn chính là giải pháp mà đa phần các hộ làm nghề ở địa phương lựa chọn để gìn giữ và phát triển nghề. Các công đoạn sản xuất, như: Xẻ, khoan, cưa, đục, tiện, phay, bào, đánh bóng, phun sơn... đã được thay thế bằng máy móc, góp phần nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm chi phí sản xuất. Hiện nay, 100% cơ sở sản xuất tại làng nghề đều đã ứng dụng KHKT tiên tiến trong sản xuất thay thế sức người; toàn xã hiện có 36 máy đục gỗ và máy điêu khắc mỹ thuật công nghệ cao với giá trị hàng trăm triệu đồng.
Ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nghề mộc mỹ nghệ ở Quỳnh Hưng |
Không riêng gì nghề mộc mỹ nghệ, hiện nay rất nhiều làng nghề ở Quỳnh Lưu đang từng bước thay đổi phương thức, ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất. Như nghề mây tre đan ở xã Quỳnh Diễn, trước đây công nhân chủ yếu làm sản phẩm đèn lồng bằng thủ công, từ năm 2010, địa phương trích ngân sách mua 6 máy chẻ, vót nan với tổng giá trị gần 100 triệu đồng để trang bị cho các làng nghề hoạt động. Từ khi có máy, công việc diễn ra nhanh chóng, sản phẩm có kiểu dáng, mẫu mã đẹp, được thị trường đón nhận.
Trước đây nghề mây tre đan ở xã Quỳnh Diễn được làm thủ công nhưng nhiều công đoạn hiện nay được làm bằng máy. |
Với nghề chế biến thủy hải sản, thay vì sử dụng đá lạnh ướp hải sản như trước đây hiện hầu hết người dân đã đầu tư hàng trăm triệu đồng để mua máy cấp đông. Với loại máy này, hải sản được bảo quản nhiều tháng liền mà không bị hư hỏng.
Máy cấp đông giúp bảo quản hải sản nhiều tháng liền không bị hư hỏng |
Đặc biệt ở làng nghề đúc gạch không nung xã Quỳnh Văn, trước đây người dân sử dụng nguyên liệu bằng đất sét rồi nung nhiều ngày trong lò lửa gây ô nhiễm môi trường. Hiện nay, hàng trăm cơ sở sản xuất đều sử dụng máy móc, sản phẩm làm ra đảm bảo chắc chắn, phục vụ xây dựng các công trình kiên cố.
Thay vì sử dụng lò đốt như trước kia, hiện nay các cơ sở sản xuất gạch không nung ở xã Quỳnh Văn đều sử dụng máy móc. |
Theo ông Bùi Xuân Trúc – Phó trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Quỳnh Lưu: Hiệu quả từ việc đổi mới công nghệ, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào phát triển các làng nghề trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu đã thể hiện khá rõ, tuy nhiên, vẫn còn những làng nghề gặp khó khăn do thiếu kinh phí đầu tư.
Ứng dụng KHKT trong sản xuất gạch góp phần giảm ô nhiễm môi trường. |
Để nâng cao năng lực, sức cạnh tranh cho sản phẩm các làng nghề truyền thống, các cơ quan chuyên môn cần làm tốt công tác định hướng phát triển làng nghề; xúc tiến thương mại; truyền dạy nghề cho lao động nông thôn; chủ động hỗ trợ các cơ sở sản xuất đổi mới công nghệ, ứng dụng KHKT nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm làng nghề truyền thống. Chính quyền các địa phương cần tạo điều kiện hỗ trợ các cơ sở sản xuất tiếp cận các chính sách hỗ trợ, nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư cải tiến công nghệ, trang bị máy móc, thiết bị hiện đại... Về phía các cơ sở sản xuất cần phải thay đổi tư duy, phương thức sản xuất, hình thức kinh doanh, chủ động trong việc tiếp cận, nghiên cứu khả năng ứng dụng công nghệ phù hợp với tình hình sản xuất thực tế. Thay đổi tập quán sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, sản xuất thủ công, hình thành các tổ chức sản xuất theo quy mô công nghiệp nhằm tăng hiệu quả hoạt động; không ngừng cải tiến mẫu mã, tạo ra nhiều sản phẩm mới, độc đáo; quan tâm xây dựng thương hiệu, nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm làng nghề.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin