Đầu năm 2022, gia đình chị Hoàng Thị Luyến ở làng Cáo, xã Nghĩa Mai, mạnh dạn chuyển đổi 1ha đất trồng keo kém hiệu quả sang trồng cây Gai xanh. Chị Luyến chia sẻ: “Chuyển đổi cây trồng được Trung tâm khuyến nông tỉnh và Công ty cung ứng trước hỗ trợ cây giống, phân bón, trồng một lần thu hoạch 10 năm. Đầu ra được công ty bao tiêu”.
Nhiều hộ dân chuyển đổi đất trồng kém hiệu quả sang trồng cây gai xanh bước đầu cho kết quả tốt. |
Cũng là một người tiên phong đi đầu trong trồng cây gai xanh tại địa phương, anh Đặng Trọng Quán ở Làng Bái cho biết, cây Gai xanh sinh trưởng, phát triển tốt, dễ trồng, ít sâu bệnh, trồng một năm lưu gốc được nhiều năm. Chiều cao của cây lúc thu hoạch gần 2,5m, mỗi năm thu hoạch 4 - 5 lứa, cho tổng thu nhập bình quân 100 - 120 triệu đồng/ha/năm.
Cây Gai xanh là cây công nghiệp, có giá trị kinh tế cao. |
Gai xanh là loại cây dễ chăm sóc, khả năng chịu hạn tốt, ưa khí hậu nóng ẩm. Nếu trồng đúng kỹ thuật, sau 75 ngày cây cho thu hoạch vụ đầu tiên, sau đó chặt sát gốc, cây mọc lại và có thể thu hoạch vụ thứ 2 sau 45 ngày. Trung bình, 1ha cây gai xanh cho thu từ 800 - 1.000kg vỏ khô. Đặc biệt, cây gai xanh không làm đất bạc màu, lá cây có thể tận dụng làm phân bón giúp đất tơi xốp hơn, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều loại cây trồng khác.
“Loại cây này có giá trị kinh tế cao, bởi có thể sử dụng tất cả bộ phận của cây để làm ra sản phẩm như: Thân và vỏ dùng sản xuất sợi dệt vải; lá được sử dụng trong chế biến bánh gai và tách chiết lấy tinh dầu; thân có thể làm nấm, mộc nhĩ, phân vi sinh, dùng làm nguyên liệu sản xuất giấy…”, ông Quán cho biết thêm.
Chuyển đổi trồng cây gai xanh, người dân không chỉ được hỗ trợ cây giống, phân bón mà còn được bao tiêu đầu ra sản phẩm. |
Hiện nay, ở xã Nghĩa Mai có nhiều diện tích đất mía, màu hiệu quả kinh tế thấp, thành công của mô hình trồng Gai xanh sẽ là tiền đề, mang lại thu nhập ổn định cho người dân. Ông Nguyễn Ánh Hồng, Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Mai cho biết: “Năm 2022, xã Nghĩa Mai làm điểm 2,3ha tại làng Cáo và làng Bái. Theo đánh giá ban đầu, cây Gai xanh phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng nên sinh trưởng, phát triển tốt. Sản phẩm được công ty thu mua tận nơi. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục nhân rộng".
Ông Nguyễn Viết Trung, Giám đốc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Nghĩa Đàn cho biết thêm: “Việc chuyển đổi các loại cây trồng trên các diện tích kém hiệu quả sang trồng cây gai xanh theo hướng liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm tận dụng được tối đa diện tích đất, phủ xanh đất trống, đồi trọc, là hướng đi phù hợp trong phát triển nông nghiệp, nông thôn. Qua đó, giúp người dân nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống. Cây gai được xếp là loại cây công nghiệp, sản phẩm chính của nó là sợi. Sợi gai có độ bền cao. Nó còn được dùng để đan lưới đánh cá, dệt vải bố…”.
Trồng cây Gai xanh đang là hướng đi mới của nông dân Nghĩa Đàn. |
Việc phát triển cây gai xanh đang cho thấy những tín hiệu tích cực, góp phần khai thác hiệu quả tiềm năng lợi thế của địa phương, giúp người dân có nguồn thu nhập ổn định, mở ra nhiều cơ hội để huyện Nghĩa Đàn nâng cao hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững và đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin