Nghĩa Yên là xã đầu tiên của huyện Nghĩa Đàn triển khai trồng hơn 1.200 cây phân tán, nhằm tạo cảnh quan môi trường và thiên nhiên xanh - sạch - đẹp. Theo kế hoạch, giai đoạn 2021-2025, xã Nghĩa Yên trồng 97.000 cây xanh phân tán trong khu dân cư, đường giao thông để đảm bảo tiêu chí xây dựng NTM. Năm 2023, xã tiếp tục đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền cán bộ, nhân dân tích cực trồng cây xanh, trồng rừng. Từng bước nâng cao tỷ lệ che phủ rừng, cải thiện môi trường sinh thái.
Các diện tích rừng được trồng mới tại các xã, thị trấn. |
Tại làng Chong, đã huy động toàn dân ra quân trồng hơn 300 cây xanh quanh khu vực làng. Với chủ trương mỗi hộ trồng và chăm sóc ít nhất 3 cây, được sự đồng tình ủng hộ rất cao của nhân dân. Các hộ không chỉ trồng mà còn rào chắn để bảo vệ cây trồng. Bà Hoàng Thị Quyết, làng trưởng làng Chong, xã Nghĩa Yên chia sẻ: “Sau khi tiếp thu chủ trương ở xã về chúng tôi họp và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng hộ gia đình, đảm bảo mỗi hộ 3 cây.”
Kế hoạch đợt này, toàn xã Nghĩa Yên trồng 30 cây Xà cừ, xung quanh khu vựa nhà văn hóa các làng, 1.200 cây Sao đen, với chiều dài hơn 4km. Trao đổi về vấn đề này, ông Hoàng Văn Phúc, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Yên cho biết: “Thực hiện đề án của chính phủ cũng như của huyện Nghĩa Đàn, xã Nghĩa Yên xây dựng kế hoạch, triển khai cho các làng thực hiện chương trình trồng hơn 1.200 cây Sao đen tại 3 làng: Làng Chong, Đông Hưng và Canh Yên.”
Nông dân Nghĩa Đàn chăm sóc rừng vụ xuân. |
Có thể nói, những năm qua, phong trào trồng cây xanh đã phát triển mạnh mẽ, trở thành nét đẹp văn hóa, gắn liền với sự phát triển của địa phương. Đó không chỉ là hoạt động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” được phát động hằng năm tạo khí thế thi đua sôi nổi trong mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân mà còn được thực hiện xuyên suốt cả năm nhằm bảo vệ môi trường sinh thái, xây dựng Nghĩa Đàn ngày càng xanh, sạch, đẹp. Cũng tại xã Nghĩa Mai, hưởng ứng Chương trình, UBND đã triển khai trồng được 70 ha rừng, trong đó: diện tích cây phân tán được hơn 45 ha cây xanh chủ yếu là keo lai và bạch đàn. Điều này không chỉ phủ xanh đất trống và làm đẹp, làm xanh mát đường làng, ngõ xóm, khu dân cư, công sở mà còn nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, nhân dân trong việc trồng cây xanh bảo vệ cảnh quan môi trường.
Ông Đoàn Văn Huấn, chủ tịch UBND xã Nghĩa Mai trao đổi: “Thực hiện Chương trình, năm 2023, xã Nghĩa Mai tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Luật Lâm nghiệp, các nhiệm vụ về phát triển lâm nghiệp trên địa bàn. Tổ chức tốt công tác phòng cháy rừng, tuyên truyền nhân dân tích cực trồng cây xanh, trồng rừng. Từng bước nâng cao tỷ lệ che phủ rừng, cải thiện môi trường sinh thái”.
Nhân dân xã Nghĩa Yên ra quân phủ xanh các tuyến đường. |
Thực hiện đề án trồng 1 tỷ cây xanh và thông điệp “Vì một Việt Nam xanh”, giai đoạn 2021-2025, những năm qua, huyện Nghĩa Đàn luôn quan tâm nâng cao tỷ lệ che phủ rừng và coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, song hành với mục tiêu phát triển kinh tế. Là địa phương tiêu biểu trong công tác trồng, bảo vệ rừng và phát triển kinh tế lâm nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, huyện Nghĩa Đàn phấn đấu trồng 1 triệu 630 ngàn cây; riêng năm 2023, trồng 250 ngàn cây.
Ông Nguyễn Văn Nam, Phó trưởng phòng Nông nghiệp huyện Nghĩa Đàn chia sẻ: "Để chương trình trồng rừng, trồng cây xanh phân tán đạt hiệu quả, các đơn vị, địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động mỗi hộ gia đình, mỗi đoàn viên thanh niên, mỗi cán bộ, công nhân… trồng 1 - 2 cây xanh tại nơi công cộng thuộc địa bàn mình sinh sống, làm việc nhằm tạo phong trào “Người người trồng cây, mỗi người trồng một cây”. Cùng với đó, đẩy mạnh xây dựng những mô hình: “con đường xanh”, “trường học xanh”, “khu dân cư xanh”, “nhà xanh”
Các đơn vị trồng rừng trên địa bàn xã Nghĩa Mai. |
Song song với đó, huyện Nghĩa Đàn còn tổ chức rà soát, xác định quỹ đất để trồng rừng, trồng cây phân tán; xây dựng kế hoạch trồng cây hàng năm và cả giai đoạn 2021-2025. Thực hiện giao đất, giao rừng, đảm bảo diện tích đất đai thuộc các đối tượng trồng rừng và trồng cây phân tán cho chủ rừng, hộ gia đình. Huy động các nguồn lực của Trung ương, nguồn xã hội hóa; nguồn lực về lao động, sự tình nguyện tham gia của các tổ chức đoàn thể, cá nhân, cộng đồng cùng tham gia trồng, chăm sóc, bảo vệ cây xanh. Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm các cấp, các ngành, nhân dân trong việc thực hiện Đề án cũng như bảo vệ, phát triển rừng và trồng cây xanh.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin