Kinh tế

Nuôi chim trĩ: Mô hình mới, hiệu quả ở Quỳnh Lưu

16:53, 28/03/2023
Đứng lên sau nhiều lần thất bại trong chăn nuôi, chị Nguyễn Thị Châu ở thôn 4, xã Quỳnh Hoa, huyện Quỳnh Lưu đã mạnh dạn đầu tư vốn vào nuôi đàn chim trĩ sinh sản và thương phẩm. Đến nay sau gần 2 năm thả nuôi gia đình chị Châu đã phát triển quy mô tổng đàn lên đến 2.000 con chim trĩ, cho giá trị kinh tế tương đối cao.

 

Chim trĩ là loài vật hoang dã nên chuồng nuôi thiết kế có rào chắn bằng lưới kín để tránh chim bay ra ngoài

Những năm trước đây gia đình chị Nguyễn Thị Châu là một trong những hộ điển hình trong nuôi ngan, gà lấy thịt và đẻ trứng có quy mô lớn ở địa phương. Tuy nhiên nhiều lần dịch bệnh xâm nhập, phát sinh và lây lan vào đàn gia cầm, xóa sổ hàng trăm con vào sát thời kỳ xuất bán. Với suy nghĩ vấp ngã ở đâu đứng dậy ở đó nên chị vẫn tiếp tục tái đàn ngan, gà, hy vọng vực dậy lại kinh tế. Vậy nhưng do giá cả thị trường bấp bênh nên chăn nuôi của gia đình cũng chỉ ở mức cầm chừng. Chính vì vậy, chị cũng luôn trăn trở tìm con giống mới để nâng cao thu nhập cho gia đình.

Hiện tại, trong chuồng nuôi của gia đình chị Nguyễn Thị Châu ở xã Quỳnh Hoa (Quỳnh Lưu) có 2.000 con chim trĩ.

Qua tìm hiểu nhận thấy chim trĩ là loài vật hoang dã, có giá trị kinh tế cao gấp 2 – 3 lần so với các loài gia cầm khác. Sau một thời gian tham khảo, học tập, đúc rút kinh nghiệm thực tế ở các mô hình và kỹ thuật trên mạng internet, thông qua Hội LHPN xã Quỳnh Hoa chị Châu đã mạnh dạn vay 80 triệu đồng từ Ngân hàng chính sách xã hội huyện về làm chuồng và mua 600 con chim trĩ trống, mái về thả nuôi, với mục đích từng bước nhân rộng tổng đàn. Chuồng nuôi được chị thiết kế có rào chắn bằng lưới kín xung quanh và phía trên, để tránh chim bay ra ngoài. Bên cạnh đó, đổ từng đống cát loại xây nhà cho chim ăn sỏi và tắm cát. Đối với chuồng nuôi kín phía dưới nền được chị lót một lớp vỏ trấu dày để hạn chế dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh môi trường; đồng thời làm hệ thống cung cấp nước sạch cho vật nuôi uống. 

Chim trĩ được nuôi theo đàn nên để hạn chế tình trạng chim cắn, mổ nhau nên 1 – 2 tháng chị Châu tiến hành mài mỏ.

"Nuôi chim trĩ tương đối vất vả, bởi đây là loài chim hoang dã có tập tính khác thường nên cần phải thường xuyên tìm hiểu, nắm rõ về kỹ thuật nuôi để đạt năng suất cao, hạn chế tỷ lệ hao hụt về con giống. Đồng thời, chú trọng theo dõi kỹ quá trình sinh trưởng, phát triển của chim để phòng các bệnh thường gặp như phế quản, đường ruột, tụ huyết trùng" - chị Châu chia sẻ.

Về thức ăn, chị chủ yếu cho vật nuôi ăn lúa, rau các loại, bèo tây phối trộn một lượng nhỏ cám cò. Đặc biệt, trong quá trình nuôi đàn thường xảy ra hiện tượng chim cắn, mổ nhau, do vậy để hạn chế tình trạng này thì cứ 1 – 2 tháng chị Châu lại tiến hành mài mỏ chim khỏi sắc nhọn. Đồng thời, đeo kính che mắt hạn chế tầm nhìn để chim khỏi ăn trứng. 

Theo chị Châu khó khăn nhất trong việc nuôi chim trĩ là giai đoạn úm con giống.

Khó khăn nhất trong việc nuôi chim trĩ là giai đoạn úm con giống. Để thành công nuôi chim trĩ trong thời kỳ này, chị Châu phải luôn luôn duy trì nhiệt độ trong chuồng úm từ 37 – 38 độ C, nhằm giữ nhiệt sưởi ấm cho vật nuôi. Đồng thời, cung cấp thức ăn, nước uống sạch sẽ cho chim non. Sau 30 ngày úm thì tiến hành thả chim ra ngoài trời. Với cách chăm sóc tỉ mỉ, khoa học nên đàn chim trĩ của gia đình chị phát triển tương đối nhanh, hiện tại đã lên đến 2.000 con; trong đó có 300 con đẻ trứng. Chim đẻ trứng quanh năm nhưng tỷ lệ sinh sản đạt cao nhất là vào mùa hè. Mỗi ngày chị thu từ 120 – 130 quả trứng, với giá nhập 7.000 đồng/ quả. Còn đối với chim thương phẩm, sau 5 tháng thả nuôi chim đạt trọng lượng từ 1,2 – 1,5 kg/con thì chị nhập cho các nhà hàng, khách sạn và người dân có nhu cầu trong, ngoài huyện với giá 200 nghìn đồng/ kg. 

Mỗi ngày, từ đàn chim trĩ chị Châu thu hoạch từ 120 – 130 quả trứng.

Được biết thịt chim trĩ rất ngon, dai, ngọt và thơm, đặc biệt có hàm lượng Protein cao. Trong y học cổ truyền thịt của loại chim này được sử dụng như một vị thuốc, với nhiều công hiệu khác nhau. Cũng chính vì vậy, sản phẩm từ loại vật nuôi này hiện nay rất được thị trường ưa chuộng. Nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng, chị Châu dự định trong thời gian tới tiếp tục tăng tổng đàn, với quy mô lớn gấp đôi hiện tại.

Hiện tại trứng chim trĩ có giá nhập 7.000 đồng/ kg.

"Mô hình nuôi chim trĩ của hội viên Nguyễn Thị Châu là một mô hình mới ở địa phương nhưng rất hiệu quả, đem lại thu nhập cao cho gia đình. Chị là một tấm gương về tinh thần cần cù, nghị lực, sáng tạo, dám nghĩ dám làm trong lao động sản xuất nên đã đem lại thành công trong phát triển kinh tế hộ gia đình. Không những vậy, chị còn tham gia tốt các hoạt động, phong trào của tổ chức hội cũng như hoạt động khác của địa phương" - Bà Hồ Thị Hiền,  Chủ tịch Hội LHPN xã Quỳnh Hoa, huyện Quỳnh Lưu trao đổi.

Hồng Diện 

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện