Thực hiện Đề án “Phát triển mở rộng diện tích cây ăn quả gắn với công nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021-2030”, được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, huyện Nghĩa Đàn triển khai một số mô hình điểm tại các xã Nghĩa Phú, Nghĩa Mai và Nghĩa Hiếu... Đến nay, mô hình bước đầu đã đem lại kết quả khả quan.
Cây chanh leo mỗi năm thu hoạch 4 lứa liên tục trong thời gian 4-5 năm. |
Gia đình bà Trương Thị Lài ở xóm Phú Thắng, xã Nghĩa Phú là một trong hai hộ mạnh dạn tham gia thực hiện mô hình trồng và thâm canh cây Chanh leo với diện tích 1ha. Ngoài được hỗ trợ 70% giống, phân bón, các hộ còn được tập huấn hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây. Nhờ đó, cây Chanh leo phát triển tốt, phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương. Vụ quả bói đầu tiên, gia đình bà thu hoạch được 8 tấn/ha, giá bán tại vườn 10 - 12 nghìn đồng/kg.
Cán bộ Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện thăm quan mô hình. |
Bà Lài chia sẻ: “Trước đây, gia đình tôi trồng ngô. Nhiều năm qua, đất bị bạc màu nên chất lượng ngô giảm, năng suất thấp. Bên cạnh đó, khí hậu lạnh, có sương muối nên cả năm chỉ trồng được 1 vụ nên hiệu quả kinh tế thấp, thu nhập bấp bênh. Tham gia dự án trồng chanh leo nhận thấy phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng, ít sâu bệnh, năng suất cao. Đầu ra cũng thuận tiện vì có nhà máy thu mua tận tơi”.
Còn tại xã Nghĩa Mai, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Nghệ An đã khảo sát, xây dựng mô hình trồng cây gai xanh trên những vùng đất sản xuất kém hiệu quả. Với ưu điểm trồng một lần, nhanh cho thu hoạch, khai thác trong nhiều năm và có doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, cây gai xanh mới được đưa vào trồng nhưng đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân nơi đây.
Cán bộ xã Nghĩa Mai hướng dẫn cách chăm sóc cây Gai xanh cho các hộ dân. |
Ông Nguyễn Ánh Hồng, Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Mai cho biết: “Xã đã làm điểm 2,3ha cây Gai xanh tại làng Cáo và làng Bái. Theo đánh giá ban đầu, cây Gai xanh phù hợp với đất trồng và khí hậu của địa phương. Sản phẩm lại được công ty thu mua tận nơi. Thời gian tới, xã sẽ tiếp tục nhân rộng ở 5 làng”.
Cây Gai xanh - Hướng đi mới của nông dân Nghĩa Đàn. |
Nhiều năm qua, diện tích cây ăn quả trên địa bàn Nghĩa Đàn tăng nhanh,là nhóm cây có diện tích, sản lượng lớn nhất trong sản xuất nông nghiệp của địa phương với 3.469,7ha, bằng 30,4% tổng diện tích đất trồng cây lâu năm của huyện. Trong đó, chủ yếu là các loại quả: Cam, quýt, bưởi, ổi, bơ,.. Thu nhập bình quân mỗi ha từ 100 - 300 triệu đồng/năm.
Để nâng cao giá trị sản xuất cây ăn quả chủ lực của Nghĩa Đàn, thời gian tới, huyện Nghĩa Đàn phát triển theo đúng kế hoạch, quy hoạch vùng sản xuất; Triển khai thực hiện các đề án, kế hoạch, chú trọng vào các giống đặc sản của địa phương, có lợi thế cạnh tranh trên thị trường; Tập trung thâm canh, tăng năng suất, chất lượng, mở rộng diện tích, áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp hữu cơ, VietGAP, Ông Nguyễn Viết Trung, Giám đốc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Nghĩa Đàn cho biết thêm: “Thời gian qua Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện triển khai 6 mô hình cây ăn quả bao gồm Chanh leo, Xoài keo, Gai xanh và 2 mô hình về phục tráng cây cam và cây ổi. Hiện các mô hình phát triển tương đối tốt, tạo hướng đi mới cho bà con nông dân để tăng thu nhập.
Huyện Nghĩa Đàn đặt mục tiêu đến năm 2025, mở rộng diện tích cây ăn quả trong phạm vi quỹ đất cho phép, ưu tiên thay đổi cơ cấu cây trồng trên những diện tích đất trồng cây lâu năm khác kém hiệu quả. Giá trị sản xuất cây ăn quả các loại tăng từ 6-8%, đưa tỷ trọng giá trị sản xuất cây ăn quả trong ngành trồng trọt chiếm trên 30%.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin