Trả lời PV, một lãnh đạo đầu mối xăng dầu phía Nam cho biết, theo đà giảm của giá dầu thô trên thế giới, dự đoán giá xăng dầu trong nước hôm nay có thể giảm sâu như kỳ điều hành ngày 4/5 vừa qua. Với giá xăng, mức giảm có thể từ 800 - 1.200 đồng/lít. Còn giá dầu có thể giảm từ 600 đến 900 đồng/lít,kg. Tuy nhiên, mức giảm trên chưa bao gồm việc trích lập quỹ bình ổn giá xăng dầu và điều chỉnh các loại phí (nếu có).
"Trong trường hợp cơ quan điều hành trích lập quỹ bình ổn giá xăng dầu thì mức giảm có thể ít hơn”, vị này dự báo.
Giá xăng dầu trong nước dự báo giảm từ chiều nay 11/5. |
Tương tự, ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội xăng dầu Việt Nam nhận xét, giá dầu trên thế giới những ngày gần đây biến động liên tục nhưng theo xu hướng giảm là cơ bản. Trước bối cảnh này, liên bộ Tài chính - Công Thương có thể cũng sẽ điều chỉnh giảm sâu giá xăng dầu trong nước để phù hợp với quy luật thị trường.
“Giá xăng dầu trong nước có thể đi xuống. Tuy nhiên, mức giảm cụ thể như thế nào thì đã có công thức tính toán chi tiết của các cơ quan điều hành”, ông Bảo nói.
Nếu dự báo trên là chính xác, giá xăng sẽ có đợt giảm giá mạnh lần thứ 2 liên tiếp. Tại kỳ điều hành gần đây nhất (ngày 4/5), giá xăng dầu đã được liên Bộ Tài chính - Công Thương giảm sâu.
Cụ thể, từ 15h ngày 4/5, mỗi lít xăng giảm 1.251 - 1.319 đồng, giá các mặt hàng dầu cũng hạ từ 334 -1.143 đồng/lít tùy loại. Cụ thể, giảm 1.251 đồng/lít xăng E5 RON92 và giảm 1.319 đồng/lít đối với xăng RON95. Sau điều chỉnh, mức giá bán lẻ tối đa với xăng E5 RON92 là 21.437 đồng/lít và xăng RON95 là 22.320 đồng/lít.
Tương tự, giá các mặt hàng dầu cũng giảm, cụ thể giá dầu diesel giảm 1.143 đồng/lít còn 18.254 đồng/lít; dầu hỏa giảm 952 đồng/lít còn 18.528 đồng/lít; giá dầu mazut giảm 334 đồng/kg còn 15.509 đồng/kg.
Kỳ điều hành này, liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định đưa mức trích lập quỹ bình ổn giá đối với mặt hàng dầu mazut về mức 300 đồng/kg (kỳ trước không trích lập); tăng mức trích lập đối với xăng E5 RON92, xăng RON95 lên 500 đồng/lít (kỳ trước 300 đồng/lít); giữ nguyên mức trích lập đối với dầu diesel và dầu hỏa; tiếp tục không chi quỹ đối với tất cả các mặt hàng xăng dầu.
Ngày 10/5, chiết khấu bán lẻ đối với mặt hàng xăng dầu tại miền Bắc tiếp tục nhích thêm 50 đồng, dao động từ 1.400 - 1.450 đồng/lít; tại miền Trung đi ngang mức 1.300 - 1.350 đồng/lít, miền Nam dao động từ 1.300 - 1.400 đồng/lít.
Giá dầu thế giới giảm sâu
Trên thị trường thế giới, gá dầu thô đã trải qua 3 tuần giảm liên tiếp. Hiện đà giảm của giá dầu vẫn chưa dừng.
Hôm qua (10/5), giá dầu thế giới vẫn trong xu hướng giảm. Theo dữ liệu từ Oilprice, lúc 9h47 ngày 10/5 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent ở mức 77,01 USD/thùng, giảm 0,43 USD so với phiên liền trước. Còn giá dầu WTI xuống 73,28 USD/thùng, giảm 0,43 USD.
Đến 19h27 ngày 10/5, giá dầu Brent xuống mức 76,82 USD/thùng, giảm 0,62 USD, tương đương 0,8% so với phiên liền trước. Còn giá dầu WTI ở mức 73,15 USD/thùng, giảm 0,56 USD, tương đương 0,16% so với phiên liền trước.
Giới phân tích cho rằng, giá dầu thời gian qua giảm do nhu cầu suy yếu và tâm lý thận trọng của nhà đầu tư trước triển vọng yếu đi của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Trung Quốc và Mỹ.
Báo cáo từ Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA) chỉ ra nhu cầu vào mùa hè và sản lượng dầu thô giảm từ OPEC thấp hơn dự kiến cũng đang hỗ trợ giá, gây áp lực cho giá dầu thô trong những tháng tới.
Trung Quốc là nước tiêu thụ dầu lớn thứ hai thế giới. Sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc có tác động rất lớn đến giá dầu. Tuy nhiên, bức tranh kinh tế phục hồi chậm và mức tiêu thụ nhiên liệu còn hạn chế của Trung Quốc đã khiến giá dầu gặp sức ép.
Tháng 4 vừa qua, nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc giảm xuống 10,3 triệu thùng/ngày, thấp hơn 16,4% so với mức 12,32 triệu thùng/ngày trong tháng 3.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin