Kinh tế

Nông dân Quỳnh Lưu thu lãi trên 100 triệu đồng/ha từ trồng cây hương bài

16:58, 22/03/2024
Với điều kiện đất đai thuận lợi, nhiều năm nay nông dân xã Quỳnh Thắng, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) tập trung trồng và chăm sóc cây nhang bài, mỗi năm cung cấp ra thị trường hàng trăm tấn nguyên liệu phục vụ cho làm hương trầm, hương thẻ thu về lợi nhuận khá cao. 

Gia đình ông Nguyễn Văn Hiệp ở thôn 2 xã Quỳnh Thắng là một trong số hộ có diện tích trồng cây nhang bài lớn của xã. Ông Hiệp cho biết, gia đình có 2,6ha diện tích đất trồng cây nhang bài. Trước Tết Nguyên đán, gia đình đã thu hoạch được 95% tổng diện tích, còn lại 10 sào vừa mới thu hoạch cách đây 3 ngày. Do thu hoạch đến đâu, người dân trồng đến đó nên cây nhang bài có thể thu hoạch quanh năm. 

“Tiêu thụ rễ hương từ tháng 10 đến hết tháng 5 của năm sau, nhưng mạnh nhất vẫn là thời điểm trước Tết Nguyên đán, bởi thời điểm này các làng nghề, làng có nghề ở khắp nơi cần nhiều nguyên liệu để sản xuất hương Tết. Tuy vậy, nghề sản xuất hương vẫn diễn ra quanh năm nên gia đình đảm bảo, cân đối việc trồng cây nhang bài để có thu hoạch và cung cấp ra thị trường. Nhờ trồng cây nhang bài nên mỗi năm gia đình thu lợi nhuận gần 200 triệu đồng”, ông Hiệp chia sẻ.

Nông dân xã Quỳnh Thắng (Quỳnh Lưu) thu hoạch cây nhang bài.

Theo các hộ trồng cây nhang bài tại xã Quỳnh Thắng, cứ vào khoảng tháng 12 đến tháng 4 năm sau là mùa thu hoạch cây nhang bài (hay còn gọi là cây rễ hương), một nguyên liệu chính để sản xuất hương trầm, hương thẻ dùng để thắp vào các dịp lễ tết, cúng dỗ, ma chay, thắp ở các đền chùa, miếu mạo..

Ông Hồ Xuân Lược, người dân thôn 2, xã Quỳnh Thắng cho biết, cây hương bài được trồng thâm canh trên đất đồi, sau khi đào cả bộ rễ lên, làm sạch đất, cắt hết phần lá, để phần cùi và bộ rễ dài khoảng 15 cm, sau đó ép máy, đưa ra phơi khô dưới nắng đến đâu đóng bì đến đó để bán cho thương lái.

Sau khi cắt hết phần lá trên cây, người dân tiến hành xới đất để lấy bộ rễ nhang bài.

“Gia đình có 1,5ha diện tích cây nhang bài, đến nay vẫn còn 1ha chưa thu hoạch. Thời điểm này, giá thu mua rễ hương vẫn ở mức 50.000 – 53.000 đồng/kg bằng mức giá trước Tết Nguyên đán nên bà con rất phấn khởi vì có lãi. Nếu giá ở mức ổn định như vậy thì 1ha cây nhang bài của gia đình tới đây thu hoạch sẽ cho thu nhập gần 200 triệu đồng, sau khi trừ chi phí cho lợi nhuận hơn 100 triệu đồng”, ông Lược nói.

Phần gốc rễ nhang bài được người dân làm sạch trước khi cho vào máy ép.

Với 1 ha diện tích cây nhang bài trồng và chăm sóc tốt sẽ cho thu hoạch đạt 4 tấn rễ khô. Với giá thu mua rễ hương tại thời điểm này là trên 50.000 đồng/kg khô thì 1ha cho thu nhập trên 200 triệu đồng sau 12 tháng trồng và chăm sóc; sau khi trừ chi phí, người nông dân còn thu lãi khoảng 100 đến 110 triệu đồng/ha. 

Rễ cây nhang bài sau khi được thu hoạch.

Ông Lê Văn Nga – Chủ tịch UBND xã Quỳnh Thắng (Quỳnh Lưu) cho biết: “Cây nhang bài là một loại cây trồng tự nhiên được người dân đưa về trồng thuần hóa từ cuối thập niên 80 đầu thập niên 90 của thế kỷ trước. Là loại cây hoang dại dễ trồng, lại phù hợp với thổ nhưỡng, đất đai của xã miền núi của huyện Quỳnh Lưu. Hiện nay xã đang duy trì diện tích hàng năm từ 400 - 500ha diện tích cây nhang bài, chủ yếu được trồng ở các thôn 1, 2, 3 cho thu nhập hàng chục tỷ đồng/năm”. 

Bà con dùng máy để tách ép rễ cây nhang bài cho nhanh khô.

Sản phẩm rễ nhang bài thu hoạch về được bà con Quỳnh Thắng phơi khô, một phần được chế biến sản xuất hương trầm, hương thẻ tại địa phương một phần lớn được các thương lái mang đi xuất bán khắp thị trường cả nước, các làng nghề sản xuất hương trầm thắp Tết như ở xã Quỳnh Đôi (Quỳnh Lưu); huyện Quỳ Châu; huyện Diễn Châu, huyện Nghi Lộc chủ yếu lấy nguyên liệu ở đây.

Tuy nói là cây hoang dại dễ trồng nhưng cây nhang bài lại chỉ phù hợp với loại đất feralit đỏ vàng và rất kỵ với đất đỏ bazan, chính vì vậy mà trước đây có một số người đã từng đưa giống cây này đi canh tác ở một số nơi như huyện Quỳ Châu và các tỉnh Tây Nguyên nhưng không hiệu quả. Ngoài ra, với chất đất tại xã Quỳnh Thắng, rễ hương có mùi vị đặc trưng mà nơi khác không có được.

 Lãnh đạo xã Quỳnh Thắng tham quan hộ ông Lê Văn Sơn, sản xuất hương thẻ tại thôn 2.

Năm 2020, thôn 2 xã Quỳnh Thắng được UBND tỉnh công nhận “Làng nghề chế biến nguyên liệu và sản xuất hương”. Cây nhang bài cùng với cây dứa, cây mía và một số cây trồng trên đất vườn đồi tại xã Quỳnh Thắng, huyện Quỳnh Lưu đang ngày càng khẳng định là cây trồng chủ lực giúp bà con nông dân làm giàu./.

Ảnh 1: 
Ảnh 2: 
Ảnh 3: 
Ảnh 4: 
ẢNh 5: 
Ảnh 6: 
 

Việt Hùng

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện