Thời gian qua, ý thức, trách nhiệm của người dân, cộng đồng trong công tác phát triển, quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn huyện Nghĩa Đàn ngày càng được nâng cao.
Với phương châm “phòng là chính”, những ngày qua, các chủ rừng, các hộ nhận khai thác tre nứa, chăm sóc bảo vệ rừng ở xã Nghĩa Thịnh đã phát dọn đường băng cản lửa trước mùa nắng nóng. Ông Cầm Bá Quang, xóm Quyết Thắng, xã Nghĩa Thịnh, cho biết: “Người dân trong xóm luôn thực hiện tốt nghị quyết của xóm. Hàng tháng, hàng quý, tổ đội bảo vệ rừng thường xuyên đi tuần tra những khu vực có nguy cơ cháy rừng. Riêng bản thân gia đình có hơn 3 ha keo, cũng kiểm tra thường xuyên để dọn lá không để xảy ra cháy rừng, vì đây là nguồn thu nhập chính của gia đình”.
Các lực lương thực hành tham gia phát đường băng. |
Xã Nghĩa Thịnh chủ yếu là vùng đồi núi, với hơn 200 ha rừng trồng và trên 500 ha rừng tự nhiên. Để hạn chế thấp nhất những thiệt hại do cháy rừng gây ra, ngay từ đầu năm, xã đã xây dựng phương án tác chiến PCCCR (Phòng cháy, chữa cháy rừng) phù hợp, sát với tình hình thực tế, và kiện toàn Ban chỉ huy PCCCR. Đối với những diện tích rừng có nguy cơ xảy ra cháy cao, UBND xã tổ chức thành lập các tổ, đội hoạt động ở cơ sở để đề ra quy chế hoạt động tuần tra, kiểm soát các khu vực trọng điểm dễ cháy rừng. Thường xuyên đôn đốc bà con nhân dân làm nương rẫy đúng quy định và đúng quy trình hướng dẫn về công tác phòng chống cháy rừng.
Ông Hoàng Văn Cường, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Thịnh, cho biết: "Với phương châm phòng cháy là chính, xã tập trung làm tốt khâu tuyên truyền để nâng cao ý thức của người dân trong phòng chống cháy rừng. Trên các hệ thống loa FM của xã thường phát bài tuyên truyền phòng chống cháy rừng trong mùa khô. Qua đó, ý thức người dân được nâng lên, các gia đình đã nhắc nhở con em chăn thả trâu, bò không mang lửa; với phương châm 4 tại chỗ, xã huy động lực lượng dân quân tự vệ và các tổ chức đoàn thể sẵn sàng khi có sự cố xảy ra".
Các đoàn viên, thanh niên ra quân phát dọn thực bì |
Còn tại xã Nghĩa Trung, với hơn 600 ha đất rừng, xác định rõ lợi ích từ rừng mang lại, thời gian qua, bà con nơi đây đã chú trọng trồng, khoanh nuôi, và bảo vệ rừng. Gia đình anh Lê Văn Long và Bùi Văn Lực ở xóm 21 nhận khoán khoanh nuôi bảo vệ 5 ha rừng phòng hộ giáp ranh Thị xã Thái Hòa và 7 ha đất rừng trồng, chủ yếu là keo và bạch đàn. Đây là những loại cây có tinh dầu, khi ở nhiệt độ cao rất dễ bén lửa. Để bảo vệ an toàn màu xanh của rừng trong mùa nắng nóng, gia đình anh Lực đã thuê máy múc, công nhân lao động để phát quang bụi rậm, chặt cắt cành khô, thu dọn thực bì và làm đường băng trắng cản lửa, nhằm hạn chế thấp nhất nguy cơ xảy ra cháy rừng. Nhờ duy trì việc làm này hàng năm, nên nhiều năm qua, tại khu rừng này chưa xảy ra vụ cháy nào, cây cối phát triển xanh tốt. Anh Bùi Văn Long, xóm Trung Nguyên, xã Nghĩa Trung, cho biết: “Đối với gia đình chúng tôi về phòng cháy chữa cháy, hàng năm cứ vào tháng Chạp là chúng tôi phát quang để đến khi mùa nắng thì lá đã mục. Đối với rừng khoanh nuôi cũng phát quang dọn dẹp các tuyến đường để khi có cháy không lan ra".
Theo Hạt kiểm lâm Nghĩa Đàn – Thái Hòa, huyện Nghĩa Đàn có gần 28 ngàn ha đất rừng và đất lâm nghiệp, trong đó có 7 vùng trọng điểm giáp ranh huyện Quỳnh Lưu và tỉnh Thanh Hóa, hàng năm có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao. Để bảo vệ an toàn diện tích rừng trong mùa nắng nóng hàng năm, Hạt kiểm lâm Nghĩa Đàn – Thái Hòa đã phối hợp với chính quyền các địa phương, chủ rừng, triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm bảo vệ an toàn diện tích rừng hiện có. Đồng thời, phân công Kiểm lâm xuống tận cơ sở tuyên truyền biện pháp phòng chống cháy rừng cho các hộ trồng rừng, nhất là hướng dẫn các hộ đồng bào phát dọn nương rẫy, cách đốt thực bì an toàn.
Phát đường băng tham gia phòng chống cháy rừng. |
Ông Trần Thanh Hà, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Nghĩa Đàn – Thái Hòa, trao đổi: “Hàng năm, hạt kiểm lâm tham mưu cho UBND huyện ban hành các văn bản từ huyện đến hộ gia đình. Bố trí lực lượng trực 24/24 vào thời gian cao điểm nắng nóng để tiếp nhận và xử lý kịp thời thông tin về cháy rừng. Kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định về bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng của các chủ rừng. Chủ động trong mọi tình huống về phương tiện, lực lượng để kịp thời xử lý khi có cháy rừng xảy ra, hạn chế thấp nhất thiệt hại, đảm bảo an toàn cho người, phương tiện tham gia chữa cháy, tính mạng và tài sản của người dân khu vực xảy ra cháy rừng.”
Hiện nay, đang là giai đoạn cao điểm của mùa nắng nóng, do đó nguy cơ xảy ra cháy rừng là rất lớn. Vì vậy, bên cạnh sự vào cuộc tích cực của cơ quan chức năng, cấp ủy, chính quyền địa phương, thì mỗi người dân cần nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công tác bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng, nhất là những người dân sống ở khu vực ven rừng. Phát huy hiệu quả năng lực “4 tại chỗ”, xử lý phải kịp thời, dứt điểm, hiệu quả cao.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin