Mở cửa sáng nay (3/5), giá vàng miếng SJC gần như đi ngang khi giữ nguyên ở chiều mua vào và tăng 100 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra so với kết phiên hôm qua.
Tuy nhiên, đến trưa nay, giá vàng miếng bất ngờ tăng nhanh.
Lúc 10h33', Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) tăng giá vàng miếng thêm 100 nghìn đồng/lượng ở cả chiều mua vào và bán ra. Và một tiếng sau, SJC nâng giá vàng miếng thêm 500 nghìn đồng/lượng ở cả 2 chiều, đưa giá bán ra lên mức 85,8 triệu đồng/lượng.
Giá vàng miếng SJC lên đỉnh lịch sử. |
Đây là mức giá cao kỷ lục của vàng miếng SJC từ trước đến nay. Mức giá này vượt đỉnh cao kỷ lục cũ 85,5 triệu đồng/lượng được thiết lập vào trưa 15/4 tới 300 nghìn đồng/lượng.
Tới cuối giờ chiều nay, SJC vẫn neo giá vàng miếng ở mức 83,5-85,8 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). So với chốt phiên giao dịch hôm qua, giá vàng miếng SJC đắt thêm 600 nghìn đồng một lượng ở chiều mua và cao hơn 700 nghìn đồng một lượng ở chiều bán.
Tương tự, giá vàng miếng của các thương hiệu khác cũng tăng cao, lập đỉnh lịch sử mới.
Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI cuối giờ chiều nay niêm yết giá vàng miếng tại Hà Nội ở mức 83,5-85,5 triệu đồng/lượng (mua - bán), tăng 900 nghìn đồng một lượng ở chiều mua và cao hơn 600 nghìn đồng một lượng ở chiều bán so với kết phiên hôm qua.
Còn tại Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ), mỗi lượng vàng miếng SJC chiều nay được mua - bán ở mức giá 83,5-85,8 triệu đồng/lượng, cao hơn so với mức đóng cửa hôm qua 600 nghìn đồng một lượng ở chiều mua và đắt hơn 700 nghìn đồng một lượng ở chiều bán.
Trong khi giá vàng miếng SJC tăng nhanh và lập đỉnh thì giá vàng quốc tế có xu hướng đi xuống. Hiện giá vàng thế giới đã mất mốc 2.300 USD/ounce.
Lúc 15h30' (theo giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giao ngay ở mức 2.298,2 USD/ounce. Quy đổi theo tỷ giá hiện hành tại Vietcombank, vàng thế giới có giá hơn 70,52 triệu đồng/lượng (chưa tính thuế, phí). Theo đó, mỗi lượng vàng miếng SIC cao hơn 15,28 triệu đồng so với quốc tế.
Trao đổi với PV VietNamNet, chuyên gia vàng Trần Duy Phương nhận định, giá vàng thế giới sẽ có xu hướng suy giảm bởi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) khẳng định hiện lạm phát mong muốn chưa đạt được kỳ vọng, dữ liệu kinh tế Mỹ đang rất tốt… nên Fed chưa nghĩ đến việc cắt giảm lãi suất. Điều này khiến giá vàng khó tăng trong ngắn hạn, khả năng suy giảm về mốc 2.200 USD/ounce.
Có thể thấy, trong khi kim loại quý trên thị trường quốc tế đã hạ nhiệt thì vàng miếng trong nước lại xác lập kỷ lục mới và nới rộng khoảng cách với thế giới.
Đấu thầu vàng miếng là giải pháp được Ngân hàng Nhà nước đưa ra với kỳ vọng tăng cung, từ đó khiến chênh lệch giữa giá vàng miếng trong nước với thế giới giảm bớt.
Tuy nhiên, các phiên đấu thầu vàng miếng gần đây liên tiếp bị hủy hoặc "ế". Sáng nay, phiên gọi thầu lần thứ 4 cũng bị hủy do chỉ có một đơn vị duy nhất bỏ phiếu dự thầu.
Như vậy, sau 4 lần tổ chức đấu thầu, đến nay, mới chỉ một phiên đấu thầu hôm 23/4 diễn ra theo kế hoạch với kết quả là 2 thành viên trúng thầu, với tổng khối lượng 34 lô (3.400 lượng).
Tại Chỉ thị số 14 về việc triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024, tập trung tháo vỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vĩ mô do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước thực hiện ngay công tác thanh tra, kiểm tra đối với thị trường vàng, hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh vàng, các cửa hàng, đại lý phân phối và mua bán vàng miếng.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin