Cụ thể, 100% sản phẩm cà phê phải có tọa độ GPS của từng vườn sản xuất và nếu phát hiện mất/suy thoái rừng, lô hàng sẽ bị thu hồi. Quy định này nhằm giảm phá rừng, phát thải khí nhà kính và suy giảm đa dạng sinh học, đồng thời bảo vệ sinh kế của hàng triệu người. Điều này là thách thức lớn cho xuất khẩu cà phê chế biến sâu của Việt Nam, nhà cung cấp cà phê lớn thứ hai cho EU, chiếm 16,1% thị phần sau Brazil (22,2%). EU là thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam, chiếm 40% tổng lượng và 38% kim ngạch xuất khẩu cà phê. Thị trường cà phê châu Âu dự kiến đạt 47,88 tỷ USD vào năm 2024 và 58,14 tỷ USD vào năm 2029, tăng trưởng bình quân 3,96% giai đoạn 2024-2029.
Cây cà phê Arabica ở Thái Hòa. |
THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN CÀ PHỂ ARABICA Ở VIỆT NAM
Cà phê Arabica (cà phê chè) được ưa chuộng ở châu Âu nhờ mùi thơm đặc trưng và vị thoang thoảng. Có nguồn gốc từ bán đảo Arabica Peninsula (Ả Rập), loại cà phê này được trồng ở nhiều nơi trên thế giới như Brazil, Colombia, Ethiopia, Ấn Độ, Mexico, và Việt Nam. Ở Việt Nam, Arabica được trồng tại các vùng núi cao từ 800m trở lên như Lâm Đồng, Đắk Lắk, Quảng Trị, Nghệ An, Sơn La, và Điện Biên. Những vùng này có đất đỏ bazan, nhiệt độ bình quân 15-24°C, sương mù và độ ẩm cao, với sản lượng trung bình 1,4 tấn nhân/ha. Diện tích cà phê Arabica chiếm 6,94% diện tích cả nước, trong đó ở Lâm Đồng khoảng 19.000 ha, Sơn La gần 19.000 ha, Điện Biên khoảng 3.000 ha, Quảng Trị khoảng 5.000 ha, Đắk Lắc có 4.000 ha và các tỉnh khác có khoảng 4.000 ha .Tính đến tháng 10/2022, xuất khẩu cà phê Arabica của Việt Nam tăng 8% về lượng và 70% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021, đạt 49,75 nghìn tấn và trị giá 219,4 triệu USD, chủ yếu vào thị trường EU. Người tiêu dùng châu Âu yêu cầu chất lượng cà phê rất cao với các tiêu chuẩn kỹ thuật nghiêm ngặt. Đây là thách thức lớn cho các tỉnh như Lâm Đồng và Nghệ An trong việc trồng và chế biến cà phê Arabica, đặc biệt với các quy định mới về chống phá rừng của EU (EUDR). Các sản phẩm cà phê Arabica xuất khẩu vào EU phải đảm bảo tính hợp pháp, tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam và quốc tế, không gây mất rừng hoặc suy thoái rừng, chứng minh được nguồn gốc sản phẩm, đánh giá được rủi ro và có giải pháp giảm thiểu trong sản xuất.
THỰC TRẠNG ĐÁP ỨNG QUY ĐỊNH CHỐNG PHÁ RỪNG CHÂU ÂU (EUDR)
Nghiên cứu của Trung tâm Môi trường và Tài nguyên sinh học (CEBR) “Đánh giá thực trạng sản xuất cà phê Arabica và tính sẵn sàng thực hiện trách nhiệm giải trình EUDR tại các hộ sản xuất cà phê tại Việt Nam” trên 263 hộ gia đình trồng cà phê, 84 cán bộ chuyên môn quản lý huyện, xã; sở, ban, ngành cấp huyện, tỉnh Nghệ An và Lâm Đồng dựa trên Bộ tiêu chí (4 nhóm tiêu chuẩn, 7 tiêu chí, 28 chỉ số), đánh giá mức độ đáp ứng EUDR do Trung tâm Phát triển Nông thôn Bền vững (SRD) phát triển thông qua tài trợ của dự án “Thúc đẩy quản trị rừng và Thương mại gỗ bền vững thông qua Hiệp định thương mại tự do Việt Nam -EU (EVFTA)” và dự án “Quản trị rừng, thị trường và khí hậu (FGMC)” cho thấy: 28 chỉ số cần đạt được để thực hiện trách nhiệm giải trình EUDR, có 18 tiêu chí đáp ứng từ mức độ trung bình trở lên (chiếm 64,3%) đối với các quy định liên quan đến tới mất rừng hoặc suy thoái rừng tính từ thời điểm 31/12/2020 trở về sau, còn lại 10 tiêu chí (chiếm tỷ lệ 35,7%) đáp ứng ở mức độ thấp và rất thấp, nguy cơ không được xuất khẩu vào thị trường EU, nếu không được cải thiện trong thời gian tới trước khi EUDR có hiệu lực.
Khảo sát cây cà phê Arabica ở Nghĩa Đàn. |
- Về quyền sử dụng đất đai, chỉ có 50,6% các hộ gia đình sở hữu đầy đủ giấy tờ hợp lệ liên quan đến quyền sử dụng đất cho tất cả các lô trồng cà phê. Phần còn lại, tỷ lệ 49,4%, chưa đáp ứng yêu cầu, có nghĩa là chỉ có hồ sơ cho một số lô cà phê hoặc hoàn toàn thiếu giấy tờ chứng minh tính hợp pháp trên lô đất đang canh tác cà phê của gia đình. Điều này đặt ra một rào cản lớn khi cần chứng minh tính hợp pháp theo các tiêu chuẩn của EUDR.
- Về bảo vệ môi trường, 75,7% hộ gia đình sử dụng thuốc BVTV đúng cách; 81,7% hộ gia đình quản lý chất thải một cách hiệu quả, 57,4% sử dụng phân bón vô cơ đúng cách; nhưng tỷ lệ các hộ gia đình sử dụng phân bón vô cơ còn cao với 69,2%; việc canh tác cà phê theo mô hình nông lâm kết hợp chưa được chú trọng; áp dụng các biện pháp chống xói mòn, sử dụng thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học còn hạn chế cần được cải thiện trong thời gian tới.
- Về quyền của người lao động trồng cà phê cơ bản được đáp ứng, tuân thủ các yêu cầu liên quan khác về lao động như được bảo đảm các điều kiện làm việc công bằng, an toàn lao động; được nghỉ ngơi hợp lý; trả công xứng đáng; không có phân biệt đối xử, cưỡng bức lao động, sử dụng lao động trẻ em; khi tất cả các tiêu chí đều có tỷ lệ đáp ứng ở mức cao từ 79,5% đến 100%.
- Về mất rừng và suy thoái rừng, 72,2% hộ gia đình có cà phê trồng trước ngày 31/12/2020 không chịu ảnh hưởng của các quy định liên quan đến EUDR; chỉ có 32% hộ gia đình ở Lâm Đồng thực hiện các biện pháp canh tác cà phê Arabica có thể ảnh hưởng đến đa dạng sinh học, bao gồm sử dụng phân bón hóa học, thuốc BVTV, đốt nương rẫy, chọn lựa cây trồng bản địa không phù hợp, sử dụng quá mức nguồn nước, và mất mát môi trường sống tự nhiên cho các loài động vật; còn lại đều đáp ứng ở mức cao trở lên so với các quy định liên quan đến chống phá rừng và suy thoái rừng của EUDR.
Khảo sát cây cà phê Arabica ở TX Thị xã Thái Hòa. |
- Về nguồn gốc cà phê, hầu hết các hộ gia đình chưa sử dụng hệ thống định vị GPS hoặc polygon (đối với thửa đất trên 4 ha) để theo dõi vị trí cụ thể của các thửa đất trồng cà phê. Mặc dù có sự hỗ trợ từ SNV, IDH và doanh nghiệp địa phương ở Lâm Đồng để xây dựng mã số vùng trồng, nhưng thông tin về nguồn gốc còn thiếu và không được lưu giữ đầy đủ tại các hộ gia đình. Nhiều nông dân không có thói quen lưu giữ tài liệu liên quan đến nguồn gốc và thiếu nhận thức về EUDR. Khảo sát chỉ ra rằng hiểu biết về EUDR và các quy định của nó trong cộng đồng nông dân, bao gồm cả cán bộ địa phương, là hạn chế. Nhiều nông dân cũng thiếu kỹ năng kỹ thuật để xác định đúng vị trí cà phê của họ, điều này có thể gây khó khăn trong việc tuân thủ các yêu cầu của EUDR.
- Về đánh giá rủi ro, chỉ có 37% hộ gia đình trồng cà phê ở Lâm Đồng thực hiện biện pháp kiểm soát rủi ro, bao gồm lưu trữ thông tin và cung cấp giải trình về nguồn gốc cà phê. Mặc khác, Nghệ An không có mô hình nào để ngăn chặn rủi ro cho cà phê, do không tham gia vào chuỗi xuất khẩu sang EU.
- Về các giải pháp giảm thiểu: Các địa phương chưa chú trọng đến mô hình giảm rủi ro và lưu trữ thông tin về chính sách, quy hoạch phát triển cà phê. Nhận thức của hộ gia đình về rủi ro phá rừng và suy thoái môi trường còn yếu, chỉ có 16,7% hộ gia đình đáp ứng và không được cập nhật đều đặn. Tuy nhiên, điều tích cực là nhận thức về nguy cơ trộn lẫn sản phẩm cà phê không rõ nguồn gốc, với tỷ lệ đáp ứng cao lên đến 92,4%.
Thành phẩm cà phê Arabica. |
KHUYẾN NGHỊ VÀ CHÍNH SÁCH
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam coi việc tuân thủ Quy định chống phá rừng châu Âu (EUDR) không chỉ là để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu các mặt hàng chủ lực vào thị trường EU, mà xem đây là cơ hội đẩy nhanh thực hiện chiến lược phát triển ngành nông nghiệp Việt Nam theo định hướng minh bạch, trách nhiệm, bền vững và tăng trưởng xanh, trong đó có cà phê Arabica nói riêng và cà phê nói chung, có quy trình sản xuất trên đất có nguồn gốc từ phá rừng và gây suy thoái rừng kể từ sau ngày 31/12/2020. Một số khuyến nghị và chính sách được đề xuất nhằm thích ứng, thực hiện tốt EUDR thời gian tới là:
Thứ nhất, đối với các hộ gia đình trồng cà phê Arabica quy mô nhỏ, thay đổi tập quán sản xuất, từ sản xuất theo phương thức truyền thống sang sản xuất theo hướng chất lượng cao, hữu cơ, VietGAP, 4C, UTZ, Rainforest…, để đáp ứng thị trường tiêu thụ. Tăng cường liên kết với các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong tiêu thụ sản phẩm cà phê với các công ty thu mua, xuất khẩu cà phê (thông qua các đại lý), như công ty LDC, ACOM, INTIMEX Mỹ Phước, Sukafina, Nestle, Tín Nghĩa... thực hiện khép kín các khâu từ sản xuất ra thành phẩm tạo ra giá trị kinh tế cao, nâng cao chất lượng của cà phê Lâm Đồng nói riêng, cả nước nói chung. Đồng thời, tăng cường nâng cao nhận thức về EUDR, chủ động thích ứng, đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu vào EU.
Thứ hai, đối với chính quyền địa phương (xã, huyện, tỉnh) chủ động xây dựng kế hoạch hành động thích ứng với EUDR thông qua việc rà soát quy hoạch, phát triển bền vững vùng trồng cà phê chuyên canh, thâm canh gắn với chế biến, xuất khẩu sang thị trường EU; hoàn thiện quy hoạch 3 loại rừng, đẩy nhanh tiến độ tập nhật và cấp quyền sử dụng đất cho các hộ gia đình theo đúng quy định của pháp luật; xây dựng sổ tay hướng dẫn, tập huấn, phổ biến thông tin, nội dung các quy định của EUDR; chủ động đề xuất các giải pháp và mô hình quản lý rủi ro khi thực hiện EUDR tại địa phương. Giám sát chặt chẽ vùng cà phê nguy cơ rủi ro cao (các vùng trồng xen kẽ rừng) bị ảnh hưởng bởi EUDR; tăng cường tuần tra/giám sát cộng đồng để bảo vệ rừng.
Ươm giống cà phê Arabica. |
Thứ ba, đối với Bộ, ban ngành trung ương, ngành hàng cà phê, doanh nghiệp và tổ chức quốc tế tăng cường xây dựng và công nhận cơ sở dữ liệu quốc gia về rừng tự nhiên và vùng trồng; rà soát và thống nhất hệ thống bản đồ số VN2000 để quản lý, truy xuất, giải trình nguồn gốc, xuất xứ vùng trồng cà phê; cập nhật dữ liệu về tọa độ (GPS) và ranh giới (polygon) cho từng lô, vườn cà phê; thiết lập hệ thống thông tin dữ liệu của lô, vườn cà phê để làm cơ sở truy xuất nguồn gốc sản phẩm kết hợp với hỗ trợ kết nối chuỗi cung ứng; thiết lập hệ thống giám sát báo cáo và phản hồi thông tin về truy xuất nguồn gốc sản phẩm và việc bảo vệ rừng có liên quan đến sản xuất cà phê. Đồng thời, triển khai nhân rộng cách tiếp cận cảnh quan phục vụ canh tác bền vững (trồng cà phê dưới tán rừng), bảo vệ tài nguyên và an sinh xã hội; áp dụng các chứng chỉ bền vững đối với các ngành hàng cà phê; hỗ trợ chuyển đổi, cải thiện sinh kế cho nông dân, đặc biệt người dân tộc ở khu xen kẽ rừng và tiếp giáp rừng để đáp ứng quy định EUDR.
Thứ tư, thành lập hoặc kiện toàn Nhóm Công tác công tư cấp tỉnh; triển khai các hoạt động hợp tác công tư; thực hiện các hoạt động và chia sẻ thông tin, cơ sở dữ liệu cấp tỉnh cho các hộ gia đình, cá nhân, doanh nghiệp sản xuất và chế biến cà phê bị ảnh hưởng bởi EUDR; phối hợp với Nhóm công tác ngành hàng cà phê cấp Trung ương; xây dựng các chương trình, dự án để kêu gọi đầu tư công, tư và tài trợ quốc tế để triển khai thực hiện các hoạt động trên. Huy động hỗ trợ tài chính, kỹ thuật của các tổ chức quốc tế, khu vực tư nhân hỗ trợ các chuỗi giá trị ngành hàng thích ứng với EUDR.
Thứ năm, xây dựng các bộ tiêu chí, tiêu chuẩn đáp ứng quy định EUDR, tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng (báo chí, truyền hình, truyền thanh, ấn phẩm) để thông tin đến được với người dân, doanh nghiệp, từng bước thực thi, nầng cao nhận thức EUDR, hướng đến nền nông nghiệp xanh và bền vững, giảm phát thải carbon và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin