Nhờ sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, sự chung sức, đồng lòng và nỗ lực của người dân, doanh nghiệp; tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Nghệ An có những chuyển biến rất tích cực; dự kiến hoàn thành đạt và vượt 27/28 chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch năm 2024 đã đề ra.
Tăng trưởng GRDP ấn tượng
Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tăng 9,01%, (đứng thứ 2 khu vực Bắc Trung Bộ, thứ 3 Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung (sau Thanh Hoá, Khánh Hoà) và thứ 13 cả nước); trong đó, khu vực nông, lâm, thủy sản ước tăng 4,14%; khu vực công nghiệp - xây dựng ước tăng 13,61% (riêng công nghiệp tăng 15,82%); khu vực dịch vụ ước tăng 7,88%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm ước tăng 8,08%.
Năm 2024, tỉnh Nghệ An tăng trưởng GRDP ấn tượng, thu ngân sách vượt dự toán và thu hút đầu tư mạnh mẽ. |
Thu ngân sách nhà nước ước thực hiện 23.751 tỷ đồng, vượt 49,3% dự toán, vượt 10,4% thực hiện năm 2023 (là năm thứ 3 liên tiếp vượt mốc 20.000 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay và tiệm cận chỉ tiêu thu ngân sách của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 19); trong đó, thu nội địa ước thực hiện 22.000 tỷ đồng, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 1.650 tỷ đồng. Có 19/21 huyện, thành phố, thị xã đều vượt dự toán thu do HĐND tỉnh giao.
Huyện Diễn Châu đón Bằng Công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2023 và Cờ thi đua của Chính phủ. |
Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) tiếp tục được quan tâm chỉ đạo. Luỹ kế đến cuối năm 2024, dự kiến toàn tỉnh có 327 xã đạt chuẩn NTM, đạt tỷ lệ 79,56% tổng số xã (trong đó có 127 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 25 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu); có 11 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ, đạt chuẩn NTM.
Thăm dây chuyền sản xuất linh kiện điện tử ở Khu Công nghiệp VSIP Nghệ An. |
Bên cạnh đó, giải ngân vốn đầu tư công cũng là một điểm sáng nổi bật. Tính đến ngày 30/11/2024, tổng nguồn vốn đầu tư công đã giải ngân 7.166,388 tỷ đồng, đạt 69,65% tổng kế hoạch. Nếu không tính 363,308 tỷ đồng mới giao bổ sung tại Quyết định số 1306/QĐ-TTg ngày 01/11/2024 của Thủ tướng Chính phủ thì tỷ lệ giải ngân đạt 72,2% (cao hơn so với cùng kỳ 67,17% và cao hơn bình quân cả nước (60,43%). Dự kiến hết năm 2024, tổng vốn đầu tư công ước giải ngân đạt trên 95% tổng kế hoạch. Các công trình, dự án, nhất là các công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh (như đường giao thông nối Vinh - Cửa Lò giai đoạn 2, đường nối Quốc lộ 7C đến đường Hồ Chí Minh, đường ven biển) được tập trung chỉ đạo, hoàn thành đưa vào sử dụng. Các công trình, dự án trọng điểm của Trung ương trên địa bàn như: đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông (đoạn Diễn Châu - QL46B), dự án đường dây 500kV mạch 3... được tập trung chỉ đạo quyết liệt và hoàn thành đúng tiến độ.
Nhiều công trình trọng điểm hoàn thành và đưa vào sử dụng. |
Năm 2024, thu hút đầu tư tiếp tục là điểm sáng, với tổng số vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm của các dự án đạt trên 59,62 ngàn tỷ đồng (tính đến ngày 30/11/2024); trong đó thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI đạt xấp xỉ 1 tỷ 568 triệu USD (dự kiến cả năm đạt trên 1,69 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay, kỳ vọng giữ vững tốp 10 các địa phương thu hút FDI của cả nước).
Sản xuất thiết bị điện tử của Công ty Luxshare ICT tại Khu Công nghiệp VSIP Nghệ An. |
Các khu công nghiệp lớn như VSIP, WHA đã trở thành điểm sáng trong việc thu hút các tập đoàn lớn, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương. Môi trường kinh doanh được cải thiện, thủ tục hành chính tinh gọn, minh bạch đã góp phần xây dựng niềm tin vững chắc cho các doanh nghiệp.
Dẫn đầu khu vực Bắc Trung Bộ về CCHC, nâng hạng cả Par-Index và SIPAS
Năm 2024, công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số tiếp tục được tỉnh quan tâm chỉ đạo quyết liệt và có những chuyển biến tích cực. Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh lựa chọn chủ đề “Đẩy mạnh chuyển đổi số - Tập trung nâng cao tỉ lệ thực hiện dịch vụ công trực tuyến toàn trình - Tỷ lệ số hóa hồ sơ - Tỷ lệ thanh toán trực tuyến”, với phương châm “Chọn việc trọng tâm - Hành động quyết liệt”, lựa chọn 07 đơn vị để tập trung chỉ đạo điểm về công tác CCHC trên địa bàn tỉnh. Việc triển khai Đề án số 06/CP tiếp tục được chỉ đạo với quyết tâm chính trị cao nhất theo tinh thần chỉ đạo “Kỷ cương, trách nhiệm, chủ động, kịp thời, tăng tốc, sáng tạo, hiệu quả, bền vững”.
Kết quả, Nghệ An tiếp tục khẳng định vị thế dẫn đầu trong khu vực Bắc Trung Bộ về cải cách hành chính, với chỉ số cải cách hành chính (Par-Index) xếp thứ 15/63 tỉnh, thành phố trong cả nước, đứng đầu khu vực Bác Trung Bộ, tăng 1 bậc so với năm 2022; Chỉ số sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) xếp thứ 12/63 tỉnh, thành trong cả nước, đứng thứ 2 khu vực Bắc Trung Bộ, tăng 2 bậc so với năm 2022. Các nỗ lực trong chuyển đổi số đã thúc đẩy hiệu quả quản lý và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Sở Nội vụ kiểm tra công tác cải cách hành chính tại thị xã Hoàng Mai. |
Không dừng lại ở phát triển kinh tế, các lĩnh vực văn hoá, xã hội, an sinh xã hội được quan tâm và đạt nhiều kết quả tích cực, rõ nét hơn. Chất lượng giáo dục mũi nhọn tiếp tục được khẳng định (đứng thứ 4 cả nước về kết quả thi học sinh giỏi quốc gia; có nhiều học sinh đạt giải khu vực và quốc tế); chất lượng giáo dục toàn diện có tiến bộ vượt bậc, kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024, Nghệ An xếp thứ 12 toàn quốc, tăng 10 bậc so với năm 2023.
Nghệ An tuyên dương học sinh đạt giải quốc tế, quốc gia, điểm cao tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 |
Công tác an sinh xã hội được quan tâm chỉ đạo; thực hiện kịp thời, đầy đủ chế độ, chính sách đối với người có công, đối tượng chính sách, người nghèo, người lao động. Toàn tỉnh đã và đang chi trả trợ cấp thường xuyên cho 65.300 đối tượng với số tiền chi trả trên 153 tỷ đồng/tháng. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh dự ước đến cuối năm 2024 là 4,12%, giảm 1,07% so với đầu năm.
Chủ tịch UBND tỉnh tiếp công dân định kỳ. |
Công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số được tập trung chỉ đạo và có nhiều kết quả đáng ghi nhận. Quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Hoạt động đối ngoại được triển khai đồng bộ, với nhiều hoạt động nổi bật. Công tác thanh tra, tiếp công dân, xử lý đơn thư, khiếu nại tố cáo của công dân, phòng chống tham nhũng tiếp tục được UBND tỉnh và các cấp, các ngành quan tâm triển khai thực hiện.
Tăng tốc, bứt phá thực hiện các mục tiêu phát triển KT-XH
Năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng: kỷ niệm 95 năm thành lập Đảng, 80 năm thành lập Nước, 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, là năm tiến hành Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025-2030, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV với kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Mục tiêu tổng quát năm 2025, được đặt ra đó là: Tăng tốc, bứt phá thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 ở mức cao nhất, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của cả giai đoạn 5 năm 2021-2025. Ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế dựa trên cơ sở đẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Tiếp tục thực hiện mạnh mẽ 3 đột phá chiến lược; khơi thông các nguồn lực cho đầu tư và phát triển; quyết liệt, hiệu quả hơn nữa trong công tác giải ngân vốn đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình, dự án hạ tầng trọng điểm. Thực hiện hiệu quả quy hoạch tỉnh, quy hoạch vùng và các quy hoạch cấp quốc gia, chương trình phát triển đô thị các cơ chế, chính sách đặc thù.
Năm 2025, Nghệ An đặt ra chỉ tiêu chủ yếu: gồm 28 chỉ tiêu chủ yếu; trong đó: Tốc độ tăng trưởng GRDP khoảng 9,5-10,5%, thu NSNN 17.726 tỷ đồng; Kim ngạch xuất khẩu 4,5 tỷ USD; GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 71-72 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm khoảng 1,0-1,5%;...
Để thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu chủ yếu kế hoạch năm 2025, UBND tỉnh đã đưa ra 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Trong đó, tiếp tục rà soát, đánh giá các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, nhất là các chỉ tiêu còn đạt thấp, khó đạt để tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành, thực hiện kịp thời các giải pháp tăng tốc, bứt phá, phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra.
Thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và 3 Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh ngay từ đầu năm. Tăng cường quản lý hiệu quả thu, chi ngân sách nhà nước. Huy động mọi nguồn lực để thực hiện các dự án trọng điểm của tỉnh, trong đó tập trung hoàn thành thủ tục để triển khai các dự án trọng điểm đã xác định như: Cảng nước sâu Cửa Lò, Cảng hàng không quốc tế Vinh, dự án LNG Quỳnh Lập
Khép lại năm 2024 Nghệ An đã ghi nhiều dấu ấn nổi bật, tạo đà để bước vào năm 2025 với những kỳ vọng lớn. |
Bên cạnh đó, thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và 3 Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh ngay từ đầu năm; Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động sản xuất kinh doanh; thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy tăng trưởng các ngành, lĩnh vực; Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng quyết liệt, hiệu quả. Tận dụng cơ hội để bứt phá trong thu hút đầu tư trên đà những năm vừa qua; quyết tâm giữ vững vị trí trong tốp 10 cả nước về thu hút vốn FDI.
Cùng với đó, chú trọng phát triển văn hoá - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội. Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo; phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng và phát triển khoa học, công nghệ; Quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả, bền vững tài nguyên thiên nhiên; bảo vệ môi trường sống; phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Khép lại năm 2024, Nghệ An đã ghi nhiều dấu ấn nổi bật, tạo đà để bước vào năm 2025 với những kỳ vọng lớn lao. Sự nỗ lực không ngừng nghỉ của chính quyền, các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh sẽ là động lực quan trọng giúp Nghệ An tiếp tục gặt hái những thành tựu mới, hiện thực hóa khát vọng trở thành trung tâm kinh tế - văn hóa lớn của vùng Bắc Trung Bộ.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin