Mới 4h sáng, từ làng trên đến xóm dưới, nhà nào cũng đỏ bếp. Ông Võ Đình Lượng ở xóm Đồng Sim, xã Nghĩa Hưng, có truyền thống nấu mật mía từ cách đây 40 năm chia sẻ: Bắt đầu từ cuối tháng 10 đầu tháng 11 âm là thời điểm gia đình nào cũng đỏ lửa, nấu mật mía từ sáng đến tối. Nấu mật mía nhìn thì đơn giản nhưng trải qua rất nhiều công đoạn, từ chặt mía, tuốt vỏ, ép nước, nấu và chắt lọc mật. Trong đó, quan trọng nhất chính là công đoạn keo mật.
|
Người dân đầu tư máy ép bằng điện giúp năng suất cao hơn. |
|
Để cây mía trở thành những giọt mật thơm lừng, đặc quánh với màu vàng đặc trưng phải qua nhiều công đoạn. |
|
Công đoạn keo mật công phu, mất thời gian, phức tạp nhất. |
Ông Lượng cho biết, muốn mật ngon phải đứng canh các chảo mật lớn trong nhiều giờ để đảo liên tục và đều tay, khi mật sôi thì vớt váng mật, nếu không chú ý mật sẽ bị cháy có màu đen và không được thơm ngon, đến khi nước mía bắt đầu sền sệt chuyển sang màu nâu vàng thì mới hoàn thành việc nấu mật. Để đổ mật vào trong phi được ngon, người nấu mật tiếp tục lọc qua lớp vải màn để mật có thể lọc sạch cặn, khi mật nguội thì sẽ có một lớp bọt đường lên trên sản phẩm mật mới hoàn thành.
|
Trung bình mỗi hộ gia đình tại làng nghề nấu từ 25-30 phi mật. |
Giá trị bán mật mía lại cao hơn rất nhiều so với bán mía ép. “Mỗi năm gia đình ông trung bình bán khoảng 45 - 50 phi mật, mỗi phi giá khoảng hơn 4 triệu đồng như hiện nay thì cũng cho gia đình thu nhập từ 150 đến 180 triệu đồng, có năm thì hơn, mật làm ra đến đâu thì bán hết đến đó”, ông Võ Đình Lượng chia sẻ thêm.
|
Người dân ở Hà Tĩnh đến mua tại nơi và được thử độ mật đặc quánh. |
Hiện tại, toàn làng Găng có khoảng 200 hộ dân làm nghề nấu mật mía, trung bình mỗi gia đình từ 25-30 phi mật, tính bình quân thu nhập của người dân từ 120 -150 triệu đồng. Đặc biệt, thời gian nấu mật và bán mật duy trì trong thời điểm từ tháng 11 đến tháng 1, có nhà mua được mía muộn thì có thể duy trì đến tháng 2, hoặc tháng 3. Với chất lượng nổi tiếng, các thương lái đến tận nhà dân để nhập mật. Mật mía làng Găng tiêu thụ khắp mọi nơi, không chỉ trong tỉnh Nghệ An mà còn được người tiêu dùng ở các Quảng Bình, Hà Tĩnh, Thanh Hóa... ưa dùng.
|
Sản phẩm mật mía làng Găng hiện đã được công nhận sản phẩm OCOP |
Toàn xã Nghĩa Hưng có khoảng 500 hộ dân làm nghề mật mía, trung bình mỗi gia đình, mỗi vụ tạo công ăn việc làm cho 5 - 7 lao động dôi dư, góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế của địa phương. Ngoài cung cấp mật mía, các hộ làng nghề còn nghiên cứu, làm ra các sản phẩm mới từ mật mía của làng nghề như: nấu kẹo, nấu đường phên, đường phèn, đường phên thảo dược. Hiện nay, mật mía làng găng đã được công nhận sản phẩm OCOP.
|
Ngoài cung cấp mật mía, các hộ làng nghề còn mạnh dạn nghiên cứu, làm ra các sản phẩm mới từ mật mía như đường phên, đường phèn. |
Tết Nguyên đán đang đến gần, không khí lao động, sản xuất của người dân làng nghề mật mía làng Găng cũng tất bật, nhộn nhịp hơn. Với truyền thống của làng nghề cộng với sự cần cù chịu khó, người dân làng nghề sẽ sản xuất ra nhiều sản phẩm chất lượng vừa đáp ứng được nhu cầu của nhân dân, vừa có thêm nguồn thu nhập để chuẩn bị cho cái Tết của gia đình thật đầm ấm./.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin