Thuốc bảo vệ thực vật: Cơ sở bán theo mùa vụ, nông dân sử dụng theo cảm tính
Cùng với việc phát triển sản xuất, trong những năm gần đây, việc nông dân sử dụng thuốc bảo vệ trong sản xuất cũng trở nên phổ biến và ngày càng gia tăng. Trong khi đó, công tác quản lý thuốc Bảo vệ thực vật (BVTV) còn nhiều bấp cập, khiến cho tình trạng lạm dụng thuốc BVTV trở nên nguy hiểm hơn bao giờ hết.
Lúa, lạc, ngô, mía, cam chè,… dù là loại cây trồng nào cũng đều có sự can thiệp của thuốc BVTV. Tuỳ vào từng chu kỳ phát triển của cây trồng mà người nông dân sử dụng chủng loại thuốc BVTV riêng. Thế nhưng, điều bất cập hiện nay, chủng loại thuốc đa dạng, còn mức độ hiểu biết về thuốc BVTV của nông dân còn nhiều hạn chế. Giữa “Ma trận” thuốc BVTV, người dân khó lòng nhận biết rõ đâu mới là đúng.
Chia sẻ của ông Nguyễn Văn Dương – Nông dân xã Minh Hợp, huyện Quỳ Hợp: “Có những loại thuốc người bán tự pha chế bán cho nông dân về sử dụng không có hiệu quả. Mà khi mua cũng rất khó có thể kiểm tra được chất lượng của thuốc.”
Nhiều nông dân vẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo cảm tính, ảnh hưởng đến chất lượng nông sản. |
Hiện nay, danh mục thuốc bảo vệ thực vật cho phép sử dụng tại Việt Nam có 4.068 tên thương mại, trong đó trên địa bàn tỉnh Nghệ An có xấp xỉ trên 300 tên thương mại, với lượng thuốc BVTV sử dụng hàng năm xấp xỷ từ 250 - 300 tấn/năm. Việc người nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo cảm tính, theo sự khuyến cáo của người bán khiến cho công tác quản lý dịch hại ở các địa phương gặp nhiều khó khăn.
Bà Đặng Thị Hải - Trạm trưởng Trạm trồng trọt và BVTV huyện Nghi Lộc cho biết: “Những hộ không đủ điều kiện kinh doanh bán nhiều loại thuốc có chủng loại kém. Khi xuất hiện các loại dịch bệnh cần phun trừ, người dân mua ở những địa chỉ này sẽ không đúng thuốc, ảnh hưởng đến công tác phòng trừ dịch bệnh.”
Khuyến cáo nông dân tìm mua thuốc bảo vệ thực vật tại các cơ sở uy tín để đảm bảo tính hiệu quả trong việc sử dụng thuốc. |
Hiện toàn tỉnh có 595 cơ sở buôn bán thuốc BVTV thường xuyên, trong đó 246 cơ sở đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc BVTV. Bên cạnh đó còn nhiều các cơ sở buôn bán thuốc BVTV, thuốc thú y nhỏ lẻ, mùa vụ tại các thôn, xóm, chợ… Trong năm qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với các ngành kiểm tra phát hiện 39 cơ sở thuốc BVTV không có giấy chứng nhận đủ điều kiện, buộc tái chế 68 kg thuốc trừ cỏ, trên 1.800 lít thuốc BVTV quá hạn sử dụng.
Ông Phan Duy Hải - Phó chi cục trưởng chi cục trồng trọt và BTVT tỉnh cho biết thêm: “Vấn đề kiểm tra hiện nay, đặc biệt là ở các xã xuất hiện nhiều cơ sở bán thuốc bảo vệ thực vật theo mùa vụ, không có trình độ nhưng vẫn hướng dẫn người dân vì mục đích lợi nhuận. Đặc biệt tự ý pha trộn các loại thuốc không cần thiết gây lãng phí và ô nhiễm môi trường. Sắp tới, để ngăn chặn hành vi này, yêu cầu các huyện, xã chỉ đạo cán bộ chức năng thực hiện đúng nhiệm vụ của mình.”
Việc sử dụng thuốc bảo vệ đúng tiêu chuẩn, đúng bệnh, đúng liều lượng vừa ngăn ngừa dịch bệnh, tăng năng suất cây trồng, góp phần đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm. |
Để nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng năng suất cây trồng, đồng thời hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường thì bên cạnh việc hướng dẫn bà con nông dân cách sử dụng thuốc cũng cần nâng cao ý thức, trách nhiệm về chấp hành các quy định trong quản lý thuốc BVTV.
(Thúy Vinh – Trường Ca)