Hàng Việt Nam chiếm 90% tại các siêu thị trên địa bàn Nghệ An
Sáng nay, Ban chỉ đạo Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" tỉnh tổ chức hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm.
6 tháng đầu năm, các Sở, ban ngành và cấp ủy, chính quyền các cấp đã phối hợp, triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp, tổ chức và nhân dân sản xuất và tiêu dùng hàng Việt Nam có chất lượng. Nhờ đó mà số lượng hàng hóa Việt Nam được tiêu thụ tăng lên rõ rệt; nhóm hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ tại Việt Nam đã chiếm tới 90% tổng số hàng hóa bán ra tại các siêu thị, chiếm 70% tại các chợ và thị trường nông thôn.
Nghệ An: Hàng Việt Nam chiếm 90% tại các siêu thị |
Các doanh nghiệp trong tỉnh, trong nước cũng đã đầu tư nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa dịch vụ; thực hiện cam kết bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm, hàng hóa…
Các thương hiệu Việt đưa sản phẩm về với bà con nông thôn. |
Tuy nhiên, một bộ phận người tiêu dùng vẫn còn tâm lý sính ngoại; giá cả, chất lượng một số mặt hàng trong nước chưa đáp ứng được yêu cầu của người tiêu dùng. Công tác đấu tranh chống hàng giả hàng lậu, hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm còn hạn chế.
Toàn cảnh hội nghị. |
Tại hội nghị, các thành viên Ban chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh đã nêu lên những khó khăn hạn chế, đưa ra các giải pháp thiết thực và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên nhằm thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm trong 6 tháng cuối năm.
Trong đó, Ban chỉ đạo tập trung các hoạt động tuyên truyền, thông tin các nội dung Cuộc vận động đến các tầng lớp nhân dân, tuyên truyền đến người tiêu dùng biết đánh giá đúng về chất lượng sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ, khả năng sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong tỉnh, trong nước.
Ban cán sự đảng UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn rà soát, bổ sung các quy định về pháp luật hoàn chỉnh các cơ chế chính sách hỗ trợ sản xuất, các công trình, dự án sử dụng nguồn ngân sách tỉnh, kiểm soát chặt chẽ việc chi tiêu trong cơ quan, ưu tiên dùng hàngg hoá trong tỉnh, trong nước cho việc mua sắm công; Xây dựng kế hoạch tổ chức tốt chương trình đưa hàng Việt về nông thôn;
Tăng cường công tác phối hợp giữa các Sở, ban ngành, MTTQ và các tổ chức thành viên, lồng ghép đưa nội dung cuộc vận động thành hoạt động thường xuyên của mặt trận và tổ chức thành viên, gắn với thực hiện cuộc vận động “toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “công đoàn đồng hành cùng người lao động”, “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế bền vững”… vận động nhân dân mua sắm hàng hoá sản xuất trong nước có chất lượng, cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng về công tác đấu tranh phòng, chống hàng giả, buôn lậu và gian lận thương mại./.
Lê Hằng - Đăng Lâm