Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Thanh Chương: Nông dân thu lợi từ lúa tái sinh

10:44, 16/08/2017

Mặc dù chưa đến mùa vụ chính nhưng những ngày này bà con nông dân trên địa bàn huyện Thanh Chương đang đang tranh thủ gặt lúa tái sinh. Đây có thể được coi là một nguồn lợi khi lúa không phải đầu tư.

Những ngày vừa qua, gia đình ông Nguyễn Thế Tư ở thôn Lĩnh Long, xã Thanh Lĩnh, huyện Thanh Chương đã bước vào vụ mới, đó là thu hoạch lúa ở vùng Ruộng Nguồn. Lúa nhiều, cho năng suất cao, ít ai biết rằng đó là lúa tái sinh. Theo dự ước, mỗi sào có thể đạt khoảng 150 kg. Ông Tư cho biết, thửa ruộng nhà ông nằm chỗ sâu, nhân lực lại ít nên nhà ông để lúa tái sinh đã nhiều năm. Năm nay, thời tiết thuận lợi, lúa nhà ông đạt năng suất cao.

Lúa tái sinh
Lúa tái sinh là diện tích lúa được gieo cấy và gặt hái từ vụ trước còn sót lại chủ yếu ở các vùng ruộng sâu, trũng.

Ông Nguyễn Thế Tư chỉ là một trong rất nhiều hộ dân ở xã Thanh Lĩnh được vào vụ Hè Thu sớm. Đây là đơn vị có diện tích lúa tái sinh nhiều nhất trong vùng (khoảng 50 ha) chủ yếu là các vùng ruộng sâu, trũng. 

Lúa tái sinh (còn gọi là lúa chét) là diện tích lúa được gieo cấy và gặt hái từ vụ Xuân, vì một số lý do đã để lại nên trổ và chín trước. Người dân gọi lúa tái sinh là lúa “nhiều không” (không cày bừa, không gieo cấy, không giống, không phân - đạm, không thuốc trừ sâu…), được xem là lúa sạch nên sau khi thu hoạch các hộ dân thường để ăn.

Lúa tái sinh
Lúa tái sinh được xem là lúa sạch vì không bón đạm, thuốc trừ sâu,...

Cũng như xã Thanh Lĩnh, các xã Thanh Liên, Cát Văn, đặc biệt là vùng Xuân Lâm gồm: Thanh Dương, Thanh Khai Xuân Tường, Thanh Lương… cũng có rất nhiều lúa tái sinh. Theo bà con, nếu lúa chiêm gặt bằng liềm hoặc máy gặt cá nhân (còn nguyên gốc rạ) để lúa tái sinh tốt hơn gặt bằng máy liên hoàn (vì nhiều diện tích đã bị nhàu nát). Sau khi lúa tái sinh ra nhánh, nếu được chăm bón, năng suất khá. 

Từ tự phát, bắt đầu từ năm nay, nhiều xã đã thực hiện việc để lúa tái sinh tập trung. Theo ông Nguyễn Sĩ Hùng – Chủ tịch UBND xã Thanh Dương: Những năm trước, bà con tự phát để lúa tái sinh, năng suất lúa khi được mùa đạt 120 - 150 kg/sào. Năm nay, theo dự ước toàn huyện Thanh Chương có khả năng đạt tới trên 500 ha diện tích.

a
Người nông dân Thanh Chương được thu lợi từ lúa tái sinh.

Từ hiệu quả của diện tích lúa “ăn không” trước mùa mưa lũ, tin rằng phong trào để lúa tái sinh sẽ được nhân rộng trên địa bàn huyện Thanh Chương trong những năm tiếp theo.

Đình Hà – Đài TTTH Thanh Chương