Nhà báo Trần Ngọc: Chấm không khó bằng làm
Nhà báo Trần Ngọc - Trưởng phòng Chuyên đề Đài PTTH Nghệ An, thành viên BGK LHTHTQ 32
|
NTV trân trọng gửi đến quý khán giả cuộc trao đổi của PV Tạp chí Người làm báo với Nhà báo Trần Ngọc - Trưởng phòng Chuyên đề, Đài PTTH Nghệ An, thành viên BGK Thể loại Chuyên đề - Khoa giáo.
PV: Chúc mừng anh được Ban tổ chức Liên hoan chọn làm người “cầm cân nảy mực” ở một hoạt động nghiệp vụ tầm cỡ quốc gia của ngành Truyền hình. Làm báo ở Đài PTTH địa phương, liệu đây có là bất ngờ với anh?
Nhà báo Trần Ngọc: Đây là năm thứ 2 liên tiếp, tôi vinh dự được Chủ tịch Liên hoan THTQ chọn vào thành viên BGK thể loại Chuyên đề - Khoa giáo. Kể từ Liên hoan năm ngoái, việc lựa chọn thành viên BGK có những đổi mới so với những kỳ Liên hoan trước. Không có chuyện các Giám khảo hầu hết đều là Lãnh đạo quản lý các Ban chuyên môn của VTV và một số ít Giám đốc, Phó Giám đốc Đài địa phương. Nhiều người từng ngồi ghế BGK cả chục năm trời, nhưng thực chất số lượng tác phẩm mà các “bác” ấy trực tiếp sản xuất thì lại rất hạn chế. Việc chuẩn bị danh sách các thành viên BGK từ hai năm nay cũng được Chủ tịch Liên hoan đổi mới về qui trình, nghĩa là có lấy ý kiến đề cử rộng rãi từ các ban chuyên môn, các Đài địa phương và các đơn vị sản xuất Truyền hình trong cả nước. Trên cơ sở tiêu chí lựa chọn những Nhà báo có uy tín về nghề nghiệp, và có những tác phẩm Truyền hình xuất sắc, không nhất thiết là Lãnh đạo quản lý. Cũng theo qui chế của Liên hoan, thì hàng năm số lượng các giám khảo ở các tiểu ban đều đổi mới ít nhất 50% số thành viên, để vừa có cái nhìn hệ thống, nhưng cũng có sự tươi mới trong cách nghĩ, cách thẩm định các tác phẩm Truyền hình dự thi.
Tôi được biết, Liên hoan năm nay, ở một số Thể loại như Phóng sự; Giao lưu - Đối thoại; Chương trình thiếu nhi, gương mặt thành viên BGK mới đến 80-90%. Riêng tiểu ban Chuyên đề - Khoa giáo mà tôi tham gia, chỉ còn lại 2/6 thành viên của năm ngoái.
PV: Các thành viên BGK liên tục thay đổi như thế liệu có tìm được tiếng nói chung khi chấm các tác phẩm?
Nhà báo Trần Ngọc: Thực ra thì cũng không có vấn đề gì lớn lắm. Bởi kinh nghiệm làm Truyền hình gần 20 năm qua và cũng từng ngồi ghế Giám khảo khá nhiều cuộc thi báo chí Truyền hình ở địa phương cho tôi thấy một điều là: Việc chấm tác phẩm, nghĩa là xem và cảm thụ tác phẩm, không khó bằng việc trực tiếp sản xuất ra các tác phẩm tốt. Bản thân tôi cũng từng đạt 3 Giải Vàng Liên hoan THTQ và đa số các giám khảo lần này đều ít nhiều đã có các tác phẩm đạt giải cao rồi thì việc tìm ra tiếng nói chung giữa các thành viên là không khó. Mặt khác, qui chế chấm liên hoan cũng có những qui định ràng buộc như: điểm của một thành viên không được chênh với điểm bình quân các thành viên khác là không quá 1 điểm. Sẽ không thể có chuyện thiên vị cá nhân hay “chạy giải” được. Vả lại, với đa số những người làm Truyền hình thì cũng không đặt nặng tính “ăn thua” mà đến Liên hoan với tinh thần giao lưu, học học là chính.
PV: Khi chấm các tác phẩm dự thi Liên hoan, những yếu tố nào thường được các Giám khảo đánh giá cao, thưa anh?
Nhà báo Trần Ngọc: Cũng như các tác phẩm báo chí khác, 2 yếu tố quan trọng hàng đầu của 1 tác phẩm là Đề tài và cách thức triển khai ý tưởng đề tài đó để chuyển tải đến công chúng như thế nào cho hiệu quả nhất. Ở tiểu ban Chuyên đề - Khoa giáo, chúng tôi quan tâm nhiều đến những đề tài mới, vừa có tính khái quát cao, nhưng lại phải cụ thể chi tiết đặc sắc, mang tính giáo dục, định hướng và chuyên sâu. Ví dụ như mảng đề tài về Biến đổi khí hậu, môi trường, về Xây dựng Đảng, về Biển đảo, các chính sách kinh tế, xã hội vĩ mô nhưng lại được khai thác từ góc độ cụ thể ở từng cơ sở, địa bàn... Tuy nhiên, để tìm được những tác phẩm có đề tài mới, hấp dẫn… là rất khó. Và quan trọng hơn nữa là cách trình bày, “mạch” khai thác vấn đề, đề tài đó có mới mẻ, hấp dẫn nữa hay không. Ví như khi ta có các loại nguyên liệu rất ngon rồi, nhưng cách chế biến, nấu nướng của anh kém, thì món ăn đó cũng không thể ngon. Với Truyền hình, còn đòi hỏi nhiều yếu tố như: hình ảnh, âm thanh, tiếng động, âm nhạc, lời bình, đạo điễn, kỹ xảo hình ảnh… càng phải biết tự làm mới mình, và phải học hỏi để bắt kịp với xu thế phát triển chung của công nghệ sản xuất Truyền hình hiện đại trên thế giới.
PV: Câu hỏi cuối cùng, là đơn vị chủ nhà, năm nay Đài PTTH Nghệ An đã chuẩn bị như thế nào cho Liên hoan?
Nhà báo Trần Ngọc: Sau kỳ đăng cai Liên hoan lần đầu tiên vào năm 2000 với những dấu ấn thành công cả về công tác tổ chức và các tác phẩm đạt giải, lần này chúng tôi tiếp tục được VTV tin tưởng giao đăng cai một sự kiện lớn nhất của ngành Truyền hình cả nước. Dự kiến năm nay sẽ có khoảng 1.300 đại biểu của gần 100 đơn vị làm Truyền hình trong cả nước về tham gia, trong đó có cả các đoàn khách quốc tế và khá nhiều các đơn vị truyền thông ngoài Nhà nước. Nhờ xu thế công nghệ phát triển, nên một số công đoạn như: đăng ký, nhận, trình chiếu các tác phẩm được số hoá, gọn nhẹ và tiện lợi. Chúng tôi được các Ban nghiệp vụ của VTV phối hợp, tập huấn khá cụ thể và chuyên nghiệp từng khâu, từng phần việc, nên mọi chuyện đều trôi chảy, sẵn sàng.
Một nét khá đặc sắc của Liên hoan năm nay, là BTC đã lựa chọn đội ngũ 80 tình nguyện viên, là những nữ sinh viên của trường ĐH Vinh, phân công các em phụ trách theo từng nhóm, đóng vai trò là cầu nối giữa các đoàn đại biểu với BTC, hướng dẫn, giúp đỡ các đoàn đại biểu trong suốt 4 ngày Liên hoan diễn ra tại Vinh, hy vọng sẽ để lại những ấn tượng tốt đẹp cho các đại biểu.
Còn về chuẩn bị các tác phẩm dự thi, chúng tôi đã tập trung ngay từ đầu năm. Năm nay, BBT Đài xác định mục tiêu rất rõ ràng, có sự đầu tư chu đáo, nhất là ở thể loại Phim tài liệu; Phóng sự và Chương trình Tiếng dân tộc. Cũng như tất cả các đơn vị tham gia Liên hoan khác, chúng tôi cũng chờ đợi và hy vọng đến buổi lễ bế mạc, thương hiệu của Đài Truyền hình Nghệ An (NTV) sẽ được xướng danh trong những hạng mục giải thưởng cao nhất. Còn nếu không được, thì chúng tôi lại tiếp tục phấn đấu cho các kỳ liên hoan sau thôi.
Làm báo, như anh biết đấy, có giải thưởng thì rất tốt, nhưng quan trọng nhất vẫn là sản xuất các chương trình hàng ngày để phục vụ yêu cầu ngày càng cao của công chúng.
(Bảo Trung thực hiện)