Anh Hiên Cuôn (SN 1994, dân tộc Ve) là Bí thư Chi Đoàn thôn 49a, xã Đắc Pring, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam. Hơn 2 năm nay, anh được mệnh danh là thủ lĩnh của "biệt đội" thợ xây vùng biên giới Việt - Lào (Quảng Nam) trên hành trình "đội nắng, thắng mưa" góp sức làm thay đổi cuộc sống của người dân.
Hơn 2 năm nay, anh được mệnh danh là thủ lĩnh của "biệt đội" thợ xây vùng biên giới Việt - Lào (Quảng Nam). |
Chàng dân tộc Ve sinh ra trong gia đình có 4 anh em. Năm lên 8 tuổi, Cuôn mồ côi mẹ. Năm 2013, anh xung phong lên đường thực hiện nghĩa vụ quân sự. Xuất ngũ, anh Cuôn vượt gần 200km xuống thành phố Tam Kỳ (Quảng Nam) để học bổ túc THPT và học nghề xây dựng.
Sau 3 năm, về lại quê hương Đắc Pring đầy nắng gió, anh Cuôn thấy thương bà con vùng biên muốn xây nhà nhưng hiếm lắm mới có thợ xây từ xuôi lên, giá thuê cũng đắt đỏ. Vì vậy, sẵn tay nghề chưa chuyên, Cuôn mạnh dạn "lôi kéo" các thanh niên trong thôn lập đội thợ xây ở vùng biên giới.
"Anh em chúng mình quan niệm, ai có sức, có lòng thì tham gia hỗ trợ bà con. Thời gian đầu, bà con nấu cho bữa cơm ăn, thế là ấm lòng rồi. Sau này, bà con muốn trả cho nhóm chút tiền vật liệu, xăng xe... anh em ai cũng thấy quý", anh Cuôn kể.
Nhớ nhất chuyến đi xây nhà mái ấm ở vùng biên Pê Ta Boót (xã Đắc Pring, huyện Nam Giang), anh Cuôn được vợ ngỏ ý xin đi làm cùng.
"Đường đi tới nhà dân theo con đường mòn nhỏ hẹp, càng đi càng tách biệt, không sóng điện thoại. Để sớm hoàn thành ngôi nhà này, các đoàn viên, thanh niên ăn măng rừng, ngọn bí, lá sắn và muối ớt cùng một phần lương thực mang theo. Mình cũng có kỷ niệm ngủ võng, thường xuyên bị vắt cắn, muỗi vàng đốt...", anh Cuôn chia sẻ.
Và "biệt đội" thợ xây là thanh niên tình nguyện đã "nối từng viên gạch" lên vùng biên, hoàn thành căn nhà bê tông kiên cố lần đầu tiên được dựng lên ở cụm dân cư nơi biên giới Việt - Lào.
"Biệt đội" thợ xây là thanh niên tình nguyện đã "nối từng viên gạch" lên vùng biên, thắp hy vọng cho bà con vùng khó. |
Sau hơn 2 năm "biệt đội" thợ xây hoạt động tích cực, đi đâu thấy bóng dáng của anh Cuôn, bà con cũng hồ hởi, nồng nhiệt đón tiếp. Hơn cả, điều anh Cuôn cảm thấy mãn nguyện hơn, đó là quy tụ, tập hợp được các bạn thanh niên trên địa bàn tham gia vào hoạt động tình nguyện.
"Một số thanh niên trong thôn trước đây không có việc làm thường rủ rê ăn nhậu, say xỉn rồi gây ra nhiều phiền toái, hệ lụy, nợ nần, trộm cắp nay đã thay đổi nhận thức và sống có trách nhiệm hơn, biết giúp đỡ người khác mà không đòi hỏi gì", anh Cuôn nói.
"Biệt đội" thợ xây là thanh niên tình nguyện đã "nối từng viên gạch" lên vùng biên, thắp hy vọng cho bà con vùng khó. |
Nay, anh Cuôn cũng thường xuyên mở lớp đào tạo tay nghề cho đoàn viên trong thôn để tham gia các tổ, đội xây dựng, nhận nhiều công trình lớn, nhỏ trên địa bàn vùng biên.
"Đối với những hộ nghèo, neo đơn, chúng mình đều nhận làm miễn phí dù sửa hay xây mới. Với các hộ dân bình thường, nhóm sẽ chỉ lấy công một nửa giá so với đội thợ từ miền xuôi lên", anh Cuôn nói.
Trong khoảnh khắc nhận được thông báo được vinh danh Thanh niên Sống đẹp năm 2024, anh Cuôn rất bất ngờ. Chàng trai dân tộc Ve khiêm tốn nói: "Mình chưa từng nghĩ rằng, làm tình nguyện để được nhận một giải thưởng gì đó. Bởi mình tâm niệm, tình nguyện là cho đi mà không cần nhận lại điều gì. Mình muốn làm từ cái tâm của mình".
Chính vì lẽ đó, thông điệp về sống đẹp của Cuôn đơn giản là được sống để "giúp đời, giúp người" trên chính nơi mà mình đã sinh ra.
Trước đó, Bí thư Huyện Đoàn Nam Giang - anh Bùi Thế Anh cũng đã chia sẻ với Tiền Phong, Hiên Cuôn không chỉ là tấm gương về nghị lực vượt qua hoàn cảnh, mà còn là điển hình đảng viên trẻ, thanh niên vùng biên giới xây dựng mô hình mới, cách làm hay góp phần thay đổi nếp nghĩ của thanh niên vùng cao.
Chàng trai dân tộc Ve đã tạo sự hứng khởi, sinh khí mới về tinh thần hăng say lao động, tình nguyện giúp đỡ người dân cho đoàn viên thanh niên nơi biên ải.
Giải thưởng “Thanh niên Sống đẹp” là giải thưởng cao quý của Trung ương Hội LHTN Việt Nam và Công ty TNHH TCP Việt Nam tổ chức nhằm tôn vinh những thanh niên tiêu biểu, có việc làm, nghĩa cử cao đẹp, mang tính nhân văn, thể hiện tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, chia sẻ khó khăn với cộng đồng, xã hội.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin