Pháp luật

Cảnh giác "bẫy" lừa đảo xin việc làm

10:13, 29/04/2021
Nắm bắt tâm lý của người dân mong muốn có được việc làm ổn định trong cơ quan nhà nước, các đối tượng đưa ra các thông tin gian dối như có mối quan hệ, quen biết với nhiều lãnh đạo cao cấp; người nhà hiện đang làm lãnh đạo các cơ quan nhà nước có thể xin được việc làm. Do nhẹ dạ cả tin, nhiều nạn nhân đã rơi vào "bẫy" lừa đảo xin việc làm và lâm vào hoàn cảnh khốn khó, nợ nần.

Các chiêu trò “xin việc”

Ngày 19/3, Công an TP Vinh bắt giữ hai đối tượng liên quan đến đường dây lừa đảo xin việc làm. Bằng nhiều thủ đoạn tinh vi, các đối tượng trong đường dây này đã chiếm đoạt số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng của hơn 200 nạn nhân. Hai đối tượng bị bắt gồm Trần Văn Quân (SN 1987), trú tại khối 12, phường Trường Thi, TP Vinh và Trần Anh Tuấn (SN 1984), trú tại xã Xuân Hải, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. 

Theo đó, Tuấn và Quân đã lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin của nhiều người, nhất là những người đang có nhu cầu tìm việc làm hoặc người nhà của sinh viên vừa ra trường đang cần tìm việc cho con cái để tiếp cận và thực hiện hành vi lừa đảo. Hai đối tượng trên đã cùng nhau bàn bạc, phân công thực hiện các hành vi phạm tội rất kín kẽ với nhiều thủ đoạn tinh vi. Theo đó, để thực hiện hành vi phạm tội, Tuấn và Quân giả danh làm trưởng phòng nhân sự của các cơ quan, tổ chức trên địa bàn, làm giả tài liệu, con dấu của các trung tâm, cơ quan, tổ chức.

Đối tượng Trần Anh Tuấn tại Cơ quan Công an.

Quân và Tuấn thống nhất với nhau rồi đưa lên mạng xã hội nhiều thông tin giả về các đợt tuyển dụng của các cơ quan, tổ chức trên địa bàn và đăng số điện thoại lên mạng xã hội để “tuyển lao động, việc làm”. Đối tượng Quân là người trực tiếp nhận hồ sơ và liên lạc với các nạn nhân. Sau khi nhận hồ sơ của các nạn nhân, hai đối tượng này đã đưa ra các mức giá cho các vị trí tuyển dụng mong muốn, với mức giá từ 50 triệu đến cả tỷ đồng.

Sau khi dụ dỗ được "con mồi", để tạo niềm tin cho các nạn nhân, hai đối tượng Quân và Tuấn còn tiến hành thuê các địa điểm công cộng như tại các khách sạn và hẹn ngày mời các nạn nhân đến để thực hiện "phỏng vấn nhân sự". Để chuẩn bị cho việc này, các đối tượng đã làm giả nhiều loại giấy tờ như các loại thẻ nhân viên của cơ quan, tổ chức và các công ty nhằm đánh lừa nạn nhân rằng đây là buổi phỏng vấn của các cơ quan tổ chức tuyển dụng.

Sau quá trình phỏng vấn, các đối tượng đã soạn ra hợp đồng lao động để gọi người xin việc ký vào, sau đó bằng các thủ đoạn tinh vi như scan, sao chụp, hai đối tượng đã làm giả con dấu để hoàn thiện hợp đồng lao động và gửi lại cho nạn nhân.

Với thủ đoạn như trên, hai đối tượng Quân và Tuấn đã nhận hồ sơ và tiền của hàng trăm nạn nhân ở các địa phương. Quá trình điều tra, lực lượng chức năng đã thu giữ được 218 bộ hồ sơ, 01 ô tô, 01 máy tính xách tay, 05 ĐTDĐ, nhiều loại giấy tờ, con dấu giả và 1 tỷ 150 triệu đồng. Xác định ban đầu, ước tính số tiền các đối tượng chiếm đoạt của các bị hại lên đến khoảng 20 tỷ đồng. Hiện vụ việc đang được Công an TP Vinh tiếp tục điều tra mở rộng.

Đọc lệnh bắt, khám xét tại nơi ở của Trần Văn Quân (áo trắng).

Cũng bằng chiêu thức giả danh cán bộ, có thể xin được việc cho người có nhu cầu, Mạc Thị Lệ Quyên (36 tuổi), trú tại xã Nghi Kim, TP Vinh cũng đã lừa đảo nhiều người, chiếm đoạt nhiều tỷ đồng. Dù bản thân bị tật nguyền, hàng tháng hưởng trợ cấp của Nhà nước nhưng Quyên vẫn “nổ” mình là cán bộ Sở Nội vụ, quen biết nhiều lãnh đạo, có thể xin việc cho những ai cần. “Giá” “chạy việc”, “chạy” biên chế mà Quyên đưa ra sẽ “linh hoạt”, tùy vào vị trí công việc và người tìm việc. Các lao động do khát việc hoặc muốn được biên chế nên chấp nhận bỏ ra hàng trăm triệu đồng, nhờ cậy Quyên. Mọi việc diễn ra đúng quy trình cho đến khi họ cầm quyết định nhận việc đến nơi mình muốn làm mới biết đó là tờ giấy giả. 
 
Với những hành vi trên, Mạc Thị Quyên đã bị Công an TP Vinh bắt giữ về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tính đến trước thời điểm bị bắt, từ năm 2015 đến 2020, đối tượng Mạc Thị Quyên đã lừa đảo, chiếm đoạt của 20 bị hại với tổng số tiền hơn 3,4 tỷ đồng. Trong đó, bị hại bị lừa ít tiền nhất là 60 triệu đồng, người nhiều nhất 330 triệu đồng. 

Mới đây, Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An đưa vụ án ra xét xử công khai. Tại phiên xét xử, Mạc Thị Lệ Quyên thừa nhận không làm việc tại Sở Nội vụ, tất cả là do bị cáo tự bịa ra để lừa đảo những ai nhẹ dạ cả tin. Còn việc bị cáo làm các quyết định của các sở, ban, ngành giống như thật là do bị cáo mở ốt photocopy nên những thao tác ấy không mấy khó khăn. Với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, hội đồng xét xử đã tuyên phạt Mạc Thị Quyên 20 năm tù.

Tiền mất tật mang

Đây chỉ là hai vụ án trong số hàng trăm vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua việc hứa hẹn xin việc làm được các cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An phát hiện, xử lý thời gian qua. Qua các vụ lừa đảo xin việc làm cho thấy, nhiều nạn nhân đã lâm vào hoàn cảnh khốn khó, nợ nần do số tiền bị lừa rất lớn. 

Đơn cử có trường hợp chị Hồ T. Ng. (37 tuổi), trú tại huyện Nam Đàn. Theo lời kể của chị, vào cuối 2018, khi đang là giáo viên hợp đồng tại một trường cấp 2 ở TP Vinh, do muốn được biên chế tại ngôi trường này nên chị đã nhờ người bạn tên T. (cũng là đồng nghiệp) nghĩ cách. Vì chị T. đang nhờ Quyên xin biên chế cho mình nên đã giới thiệu Quyên cho bạn. Tháng 4/2018, chị Ng. gặp Quyên và đưa ra mong muốn của mình. Dù biết bản thân không xin chuyển biên chế được cho chị Ng. nhưng Quyên vẫn nhận lời và hứa chắc chắn trong vòng từ 3 - 6 tháng sẽ có quyết định biên chế. Quyên đưa ra chi phí “chạy” biên chế 160 triệu đồng, đặt cọc trước 50 triệu đồng. 

Với hành vi lừa đảo, Mạc Thị Quyên (áo đỏ) phải nhận 20 năm tù cho những tội lỗi của mình.

Một tháng sau, chị Ng. cùng bạn đưa cho Quyên 50 triệu đồng và 1 bộ hồ sơ xin việc làm. Ít ngày sau, lấy lý do để nhanh có quyết định biên chế, Quyên yêu cầu chị Ng. đưa thêm 100 triệu đồng. Không chút nghi ngờ, chị Ng. đã đưa cho Quyên số tiền được yêu cầu. Cuối tháng 5/2018, lấy lý do hồ sơ biên chế của chị Ng. đưa muộn, Quyên yêu cầu đưa thêm 20 triệu đồng nữa để “lo việc”. Cứ nghĩ rằng mình sắp có quyết định biên chế, chị Ng. chạy vạy khắp nơi vay tiền để đưa cho Quyên mà không hề biết rằng người đàn bà này chẳng có động thái xin việc nào. Sau một thời gian chờ đợi trong sự mỏi mòn và biết mình bị lừa, chị Ng. đã đến Cơ quan Công an trình báo sự việc. “Kẻ lừa thì giờ cũng đã vào tù, giờ đây cuộc sống trở nên khó khăn hơn khi số đồng lương ít ỏi vừa phải trang trải cuộc sống hàng ngày lại đóng thêm lãi suất ngân hàng. Nhiều khi đến tháng chưa có tiền đóng tiền lãi tôi phải vay mượn khắp nơi ”, chị Hồ T. Ng. tâm sự.
 
Điều dễ nhận thấy trong các vụ việc lừa đảo, chủ yếu người dân không tìm hiểu dẫn đến thiếu thông tin về các nơi, chỗ mình định tìm kiếm việc làm, từ đó dễ dàng tin tưởng vào thông tin gian dối mà các đối tượng đưa ra. Có cầu hẳn có cung, các đối tượng đưa ra các thông tin gian dối như có mối quan hệ, quen biết với nhiều lãnh đạo cao cấp, người nhà hiện đang làm lãnh đạo các cơ quan nhà nước có thể xin được việc làm với suất ngoại giao. Sau khi nhận được tiền của các nạn nhân, đối tượng lừa đảo sẽ dần thoái thác trách nhiệm với lý do phải đợi một thời gian mới xin được việc, nhiều trường hợp sau khi nhận được tiền các đối tượng này lập tức bỏ trốn đã gây rất nhiều khó khăn cho các cơ quan chức năng trong việc điều tra, xử lý. 

Đại diện phòng Cảnh sát hình sự Công an Nghệ An cho biết: “Quá trình điều tra vụ án gặp nhiều khó khăn do người bị hại khi giao tiền và tài sản cho các đối tượng lừa đảo thường viết giấy vay nợ không có nội dung xin việc làm cũng như không phản ánh nội dung vay nợ tiền mục đích để làm gì. Đa số các vụ án, thường là vay sử dụng mục đích cá nhân, do đó khi cơ quan điều tra triệu tập thì các đối tượng lừa đảo thường khai báo là các khoản vay không liên quan đến xin việc”.  

 

Hơn 200 bộ hồ sơ xin việc được Cơ quan Công an thu giữ.

Theo luật sư Lê Thị Kim Soa - Văn phòng Luật sư Lê Trần, Đoàn luật sư tỉnh Nghệ An: “Đối với những hành vi lừa đảo chiếm đoạt tải sản được quy định khoản 1 Điều 174 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm, đối với hành vi lừa đảo chiếm đoạt từ 2.000.000 triệu đồng đến 50.000.000 triệu đồng. Đối với hành vi lừa đảo từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng được quy định tại khoản 3, thuộc các hành vi có tổ chức, tái phạm nguy hiểm....thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm. Nếu phạm tội thuộc khoản 4 Điều này, thuộc các hành vi lừa đảo trên 500.000.000 đồng thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản”.

Để phòng, chống loại tội phạm trên, trước hết người dân có nhu cầu muốn xin việc làm, cần phải tìm hiểu kỹ thông tin tuyển dụng của nơi định tìm kiếm việc làm. Bởi, theo quy định hiện nay thì khi có kế hoạch tuyển dụng, các cơ quan, ban, ngành phải thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Người dân nên đến tận nơi để tìm hiểu, không nên vì quá nóng vội mà đặt niềm tin, giao tài sản cho đối tượng lừa đảo. Ngoài trách nhiệm của cơ quan chức năng trong việc điều tra, phá án thì cấp ủy, chính quyền cũng cần tăng cường tuyên truyền sâu rộng những thủ đoạn lừa đảo “xin việc”, “trúng thưởng”... để người dân nâng cao cảnh giác tránh biến mình thành miếng “mồi ngon” của kẻ lừa đảo.

Bảo Linh

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện