Pháp luật

Lan tỏa văn hóa đọc ở Trường Sa

10:12, 20/04/2021
Trong hành trình đến với Trường Sa, tôi thật may mắn khi được đặt chân lên 13 điểm đảo chìm lẫn đảo nổi. Ở mỗi điểm đảo, chúng tôi có dịp tham quan, trò chuyện cùng cán bộ, chiến sĩ và người dân trên đảo. Và dấu ấn để lại sâu sắc nhất với chúng tôi khi đến Trường Sa là “Văn hóa đọc”.

Dạo bước trên con đường bê tông rợp bóng cây xanh ở đảo Sinh Tồn, chúng tôi thấy, bên những chiếc ghế đá, các chiến sĩ chăm chú đọc sách. Hạ sĩ Nguyễn Đức Đạt - chiến sĩ Lữ đoàn Công binh 83, quê ở Tân Kỳ chia sẻ: “Vào những giờ nghỉ, ngày nghỉ, ngoài việc chăm sóc cây cảnh, rau xanh, vật nuôi, chúng em thường lên thư viện của đảo mượn sách về đọc. Sách ở đây rất phong phú nên tha hồ lựa chọn theo sở thích. Em thường đọc những cuốn nhật ký chiến trường như “Nhật ký Đặng Thùy Trâm”, “Mãi mãi tuổi Hai mươi” và những mẫu chuyện về Bác Hồ...”.

Các chiến sĩ điểm đảo Đá Lớn C, quần đảo Trường Sa đọc sách.

Đến các đảo chìm như: Đá Lớn, Cô Lin, Len Đao, Tiên Nữ..., vào phòng Hồ Chí Minh của đảo, chúng tôi đều thấy có góc riêng đặt các kệ sách, báo. Ngồi bên cửa sổ, Trung sĩ Phan Thanh Thiện, Chiến sĩ đảo Đá Lớn C đang chăm chú đọc cuốn “Huyền Thoại đường mòn Hồ Chí Minh trên biển”. Thiện bộc bạch: “Đọc những quyển sách này em mới thấy được những hi sinh, vất vả mà rất đỗi tự hào của những chiến sĩ Hải quân năm xưa. Chúng em sẽ phấn đấu hết mình để bảo vệ toàn vẹn chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc”.

Được biết, để có nhiều đầu sách phục vụ nhu cầu đọc của cán bộ, chiến sĩ trên các điểm đảo, hàng năm Bộ Tư lệnh vùng 4 Hải quân đã bổ sung hàng trăm đầu sách các loại. Bên cạnh đó, những đoàn ra thăm Trường Sa cũng tặng sách, báo cho bộ đội. Chính vì thế, sách, báo ở đây không ngừng được bổ sung phong phú. Thấy được vai trò, ý nghĩa của sách đối với cuộc sống, những năm gần đây, các đơn vị trên quần đảo Trường Sa có nhiều sáng kiến thiết thực để “hâm nóng” văn hóa đọc của bộ đội bằng cách tổ chức các buổi sinh hoạt giới thiệu những quyển sách hay, bổ ích, phù hợp với nhận thức, sở thích của mỗi người. Cán bộ, chiến sĩ trên đảo cùng nhau trao đổi, bình luận về những cuốn truyện, cuốn sách mà mình tâm đắc, dần dần lan tỏa và tạo nên phong trào đọc trong đơn vị...

Đại úy Lê Văn Anh, Chính trị viên đảo Len Đao nói: “Ra đây công tác, hàng ngày, tôi đều dành khoảng 2 - 3 giờ để đọc sách. Qua đó, tôi đã tích lũy nhiều kinh nghiệm, mở mang kiến thức trong mọi lĩnh vực, tăng cường khả năng tư duy. Đọc sách còn cho tôi biết thêm về tình hình trong và ngoài nước, giúp tìm ra giá trị bản thân và chắp cánh cho những ước mơ, sáng tạo..”

Việc đọc sách giúp những người lính đảo nâng cao kiến thức bổ ích, tạo động lực, tinh thần trong thực hiện nhiệm vụ nơi đầu sóng ngọn gió.

Còn Thượng tá Đặng Văn Tám, Phó chỉ huy trưởng - Tham mưu trưởng đảo Phan Vinh, quê ở huyện Yên Thành, người đã có nhiều “tăng” công tác trên các đảo nổi, đảo chìm thuộc quần đảo Trường Sa, cho biết: “Từ nhỏ, tôi đã say mê đọc sách. Vì thế, khi được ra Trường Sa công tác, tôi càng có thêm điều kiện tiếp cận nguồn thông tin, tư liệu phong phú từ tủ sách của đơn vị. Đến đảo nào tôi cũng đặt mục tiêu đọc hết số sách trong tủ sách của đơn vị”.

Nhiệm vụ của người lính đảo là góp phần canh giữ biển trời thiêng liêng của Tổ quốc. Tuy nhiên, các chiến sĩ trên đảo Trường Sa không “khô cằn” như nhiều người vẫn nghĩ. Bộ đội Trường Sa không chỉ rèn luyện sức khỏe mà còn luôn tìm cách làm phong phú đời sống tinh thần. Vì thế, tủ sách ở mỗi đơn vị chiến đấu đã trở thành trung tâm kiến thức của lính đảo. Bộ đội Trường Sa luôn xem sách là người thầy tài hoa, người bạn thân thiết, nguồn tư liệu quý giá giúp họ tích lũy kiến thức để làm phong phú thêm tri thức.

Huy Cường

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện