Trách nhiệm, quyền hạn của giáo viên khi thực hiện dân chủ trong hoạt động giáo dục
Chính phủ ban hành Nghị định 24/2021/NĐ-CP ngày 23/3/2021 quy định việc quản lý trong cơ sở giáo dục mầm non và cơ sở giáo dục phổ thông công lập. Trong đó, quy định trách nhiệm và quyền hạn của giáo viên, nhân viên, người lao động trong cơ sở giáo dục cụ thể:
Tham gia xây dựng và thực hiện kế hoạch tuyển sinh, kế hoạch giáo dục của nhà trường, kế hoạch quản lý tài chính, tài sản, tổ chức bộ máy và nhân sự của cơ sở giáo dục theo chức năng, nhiệm vụ được phân công.
Tham gia tổ chức tuyển sinh, tổ chức hoạt động giáo dục, quản lý tài chính, tài sản, tổ chức bộ máy và nhân sự của cơ sở giáo dục theo chức năng, nhiệm vụ được phân công.
Tham gia giám sát việc tổ chức tuyển sinh, tổ chức hoạt động giáo dục, quản lý tài chính, tài sản, tổ chức bộ máy và nhân sự của cơ sở giáo dục theo quy định của pháp luật.
Nghị định 24/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/5/2021.
Ảnh minh hoạ - Nguồn: internet |
Lần đầu tiên có quy định về tổ chức giảng dạy trực tuyến trong trường phổ thông
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 09/2021/TT-BGDĐT về quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến trong cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên với những quy định khá cụ thể.
Giáo viên dạy học trực tuyến thực hiện các hoạt động chính sau: Tổ chức giờ học trực tuyến để giảng bài và hướng dẫn học sinh học tập; giao nhiệm vụ học tập và kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh; theo dõi và hỗ trợ học sinh khai thác nội dung học tập từ học liệu dạy học trực tuyến; tư vấn, hỗ trợ, trả lời câu hỏi và giải đáp thắc mắc của học sinh.
Giáo viên tổ chức triển khai dạy học trực tuyến trực tiếp để giảng bài và hướng dẫn, giao nhiệm vụ học tập đồng thời cho tất cả học sinh tham dự trong cùng một không gian học tập thông qua kênh hình, kênh tiếng, kênh chữ (chia sẻ màn hình máy tính), chuyển tải học liệu dạy học trực tuyến đến học sinh.
Giáo viên thực hiện dạy học và kiểm tra, đánh giá kết quả học tập trực tuyến của học sinh đúng kế hoạch của cơ sở giáo dục phổ thông và bảo đảm mục tiêu giáo dục theo quy định; tạo môi trường học tập thân thiện và tăng cường sự tương tác, kết nối thông tin với học sinh; phối hợp thường xuyên với phụ huynh học sinh trong quá trình tổ chức dạy học trực tuyến.
Thông tư 09 có hiệu lực từ ngày 16/5/2021.
Tốt nghiệp cử nhân có thể học nghiệp vụ sư phạm để trở thành giáo viên
Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 11/2021/TT-BGDĐT và Thông tư 12/2021/TT-BGDĐT về Chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm đối với cử nhân chuyên ngành phù hợp muốn trở thành giáo viên các cấp.
Đối với bậc tiểu học, Thông tư 11/2021/TT-BGDĐT về chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho người có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp có nguyện vọng trở thành giáo viên tiểu học sẽ có hiệu lực từ ngày 22/5/2021.
Người có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp (gồm: Âm nhạc, Mỹ thuật, Tin học, Công nghệ, Giáo dục thể chất, Ngoại ngữ) muốn trở thành giáo viên tiểu học chỉ cần tham gia chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm.
Để trở thành giáo viên tiểu học, người học sẽ được đào tạo 13 học phần bắt buộc tương đương 31 tín chỉ và chọn 2 học phần trong 7 học phần tự chọn tương đương 4 tín chỉ. Hình thức tổ chức bồi dưỡng gồm bồi dưỡng trực tiếp kết hợp với bồi dưỡng trực tuyến. Học viên thực hiện trên 80% số tiết trên lớp và hoàn thành các nhiệm vụ học tập thì được tham dự đánh giá học phần.
Đối với cấp THCS, THPT, Thông tư 12/2021/TT-BGDĐT ban hành chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho người có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp có nguyện vọng trở thành giáo viên THCS, THPT, có hiệu lực từ ngày 22/5/2021.
Theo đó, những người có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp với một trong các môn học của cấp THCS, cấp THPT có nguyện vọng trở thành giáo viên THCS, THPT.
Các tổ chức và cá nhân liên quan có nhu cầu bồi dưỡng, cấp chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm. Sau khi hoàn thành Chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho người có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp có nguyện vọng trở thành giáo viên THCS, THPT, người học có những phẩm chất và năng lực cần thiết, đáp ứng yêu cầu của chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông, thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ dạy học, giáo dục ở trường THCS và THPT.
Quy định chuẩn đối với giáo viên Trung tâm Giáo dục thường xuyên
Quy chế về tổ chức và hoạt động của Trung tâm giáo dục thường xuyên ban hành kèm theo Thông tư 10/2021/TT-BGDĐT quy định mới về trình độ chuẩn của giáo viên Trung tâm giáo dục thường xuyên.
Theo đó, giáo viên giảng dạy các chương trình giáo dục thường xuyên cấp THCS và chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT phải đạt trình độ chuẩn được đào tạo và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp theo quy định như giáo viên phổ thông tương ứng với từng cấp học.
Đối với giáo viên giáo dục thường xuyên tại THCS phải có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm hoặc có bằng tốt nghiệp cao đẳng và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm đối với giáo viên dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học cơ sở.
Đối với giáo viên giáo dục thường xuyên tại THPT phải Có bằng tốt nghiệp đại học sư phạm hoặc có bằng tốt nghiệp đại học và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm đối với giáo viên dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT.
Quy chế sẽ có hiệu lực từ 22/5/2021.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin