Pháp luật

Cần xử lý nghiêm hành vi chống người thi hành công vụ

17:11, 10/06/2021
Thời gian gần đây, số vụ chống người thi hành công vụ, nhất là đối với lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) đang có chiều hướng gia tăng. Qua thực tế cho thấy, hành vi chống người thi hành công vụ của các đối tượng ngày càng manh động, trắng trợn, liều lĩnh, thậm chí gây thương tích cho lực lượng làm nhiệm vụ.

Coi thường pháp luật

Gần đây nhất, trên địa bàn Nghệ An xảy ra vụ việc chống người thi hành công vụ khiến 1 đồng chí Cảnh sát giao thông bị thương nặng trong lúc tuần tra, đảm bảo an toàn giao thông. Điều khiến dư luận bất bình và phẫn nộ là việc tài xế ô tô bất chấp pháp luật, coi thường tính mạng của người khác, điều khiển xe ô tô đâm vào tổ công tác Cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ. Sự việc xảy ra vào khoảng 21 giờ, ngày 19/4/2021, tổ công tác Đội Cảnh sát giao thông đường bộ số 5, thuộc Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Nghệ An, gồm các đồng chí Thượng úy Cao Đức Đại (tổ trưởng), Nguyễn Việt Anh, Nguyễn Tuấn Anh, Chu Văn Hải, Nguyễn Đắc Nam (tổ viên), đang làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát đảm bảo trật tự ATGT tại Km 08+850 Quốc lộ 46A thuộc xã Nghi Ân, TP Vinh thì phát hiện xe ô tô biển số 37A-502.46 di chuyển theo hướng TP Vinh đi TX. Cửa Lò vi phạm tốc độ 56/50 km/h.

Lúc này, Trung úy Nguyễn Tuấn Anh ra hiệu lệnh dừng phương tiện để kiểm soát và xử lý vi phạm, tuy nhiên, tài xế không chấp hành hiệu lệnh, không giảm tốc độ mà lao thẳng về phía trước. Các chiến sĩ CSGT tránh sát vào lề đường nhưng chiếc xe vẫn lao đến tông thẳng khiến Trung úy Nguyễn Tuấn Anh bị thương rất nặng. Sau khi gây tai nạn, tài xế này tiếp tục điều khiển xe rời khỏi hiện trường.

Sau khi sự việc xảy ra đồng chí Thiếu tướng Nguyễn Văn Trung, Cục trưởng Cục CSGT trực tiếp đến bệnh viện Việt Đức, TP Hà Nội động viên đồng chí Nguyễn Tuấn Anh, cán bộ Phòng CSGT Công an tỉnh Nghệ An (ảnh Cục CSGT).
Thiếu tướng Nguyễn Văn Trung, Cục trưởng Cục CSGT trực tiếp đến bệnh viện Việt Đức, TP Hà Nội động viên đồng chí Nguyễn Tuấn Anh, cán bộ Phòng CSGT Công an tỉnh Nghệ An (ảnh Cục CSGT).

Sau khi sự việc xảy ra, tổ công tác đã nhanh chóng đưa đồng chí Nguyễn Tuấn Anh đi cấp cứu tại bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh, nhưng do vết thương quá nặng, anh được chuyển ra bệnh viện Việt -Đức (Hà Nội) điều trị. Sự việc được tổ công tác báo cáo lãnh đạo đơn vị, đồng thời phối hợp Công an TP Vinh và cơ quan chức năng lập hồ sơ ban đầu để xử lý đối tượng theo quy định.

Xác định vụ án đặc biệt nghiêm trọng, Công an tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo các phòng nghiệp vụ nhanh chóng triển khai lực lượng nhằm tìm ra chân tướng lái xe nói trên. Sau gần 3 ngày tổ chức truy lùng và áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, đến ngày 22/4/2021, lực lượng Công an đã tiến hành xác minh và bắt giữ Võ Thế Nghĩa (SN 1989), trú tại khối 2, phường Nghi Thu, thị xã Cửa Lò, là người lái xe ô tô tông thẳng vào tổ CSGT.

Qua đấu tranh, đối tượng Nghĩa khai nhận hành vi của mình là không chấp hành hiệu lệnh của lực lượng Cảnh sát giao thông, cố tình điều khiển xe đâm bị thương một Thượng úy CSGT. Sau khi vụ việc xảy ra, Võ Thế Nghĩa bỏ xe ô tô 37A-50.246 trên địa bàn thị xã Cửa Lò, sau đó bỏ trốn vào thành phố Đà Nẵng.

Cũng hành vi tương tự, đối tượng Lê Văn Hoàng (SN 1999), trú tại xã Xuân Hòa, Nam Đàn cũng bị Công an huyện Nam Đàn bắt giữ khi có hành vi điều khiển xe máy đâm vào tổ công tác Cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ, khiến một đồng chí bị thương.

Chiếc xe của đối tượng Võ Thế Nghĩa rời khỏi hiện trường sau khi đâm vào tổ công tác.

Trước đó, khoảng 20h30 ngày 8/7/2020, tổ tuần tra, kiểm soát giao thông Công an huyện Nam Đàn trong khi đang làm nhiệm vụ tại Km 335+200 QL15A, thuộc địa phận xã Thượng Tân Lộc, huyện Nam Đàn, phát hiện nam thanh niên điều khiển xe máy BKS 37M1-694.42 không đội mũ bảo hiểm, chạy tốc độ cao nên đã ra tín hiệu dừng xe để kiểm tra. Tuy nhiên, nam thanh niên này không chấp hành hiệu lệnh mà điều khiển xe đâm thẳng vào tổ công tác. Đại úy Trần Xuân Sơn, cán bộ Đội Cảnh sát giao thông Công an huyện Nam Đàn không né kịp bị xe húc văng và bị thương nặng. Sau đó, đồng đội đã đưa Đại úy Sơn đi cấp cứu. Tại bệnh viện, Đại úy Sơn được xác định bị mẻ xương đầu gối và rạn xương vai. 

Đó là 2 trong rất nhiều vụ chống người thi hành công vụ xảy ra trên địa bàn tỉnh. Tình trạng này không chỉ trở thành nỗi lo thường trực đối với lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ mà còn thể hiện sự coi thường kỷ cương, pháp luật và trật tự xã hội của một nhóm người thiếu ý thức, nhất là giới trẻ.

Theo thống kê cho thấy từ năm 2018 đến nay, toàn quốc xảy ra 72 vụ chống lại lực lượng CSGT đang thi hành công vụ, làm hai đồng chí hi sinh, 27 đồng chí bị thương. Riêng địa bàn Nghệ An, theo thống kê của Phòng CSGT Công an tỉnh, trong vòng 3 năm trở lại đây, thông qua tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về trật tự ATGT đã phát hiện 39 vụ/39 đối tượng có hành vi không chấp hành yêu cầu kiểm tra, kiểm soát về giấy tờ, người và phương tiện hoặc cản trở, không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn, kiểm tra về chất ma túy của người thi hành công vụ. Cũng trong khoảng thời gian trên, xảy ra 2 vụ, 2 đối tượng chống lại lực lượng trong khi thi hành công vụ.

Xử lý nghiêm nhằm răn đe

Thông thường các đối tượng biết mình bị mắc lỗi, khi bị lực lượng cảnh sát giao thông dừng xe kiểm tra nếu nhẹ thì bị tước giấy phép lái xe, nặng thì bị tạm giữ xe và phải nộp một khoản tiền lớn nên nhiều trường hợp đã "nổi khùng"  dùng mọi cách không chấp hành mệnh lệnh và chống đối lực lượng CSGT. Nhiều đối tượng còn hung hãn, côn đồ hoặc "cậy thế" coi thường pháp luật, dù biết rõ hành vi phạm pháp nhưng vẫn cố tình gây sự, một số thanh niên khác thiếu hiểu biết, đua đòi, thích thể hiện bản tính ngông cuồng hoặc say rượu, bia, không làm chủ bản thân.

Chưa kể, các đối tượng buôn lậu, vận chuyển hàng cấm, tội phạm hình sự khi bị dừng phương tiện để kiểm tra, truy bắt biết rõ nếu bị bắt sẽ bị tịch thu hàng hóa hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự nên chống đối quyết liệt, thậm chí lôi kéo người thân và đồng bọn đến để tẩu tán hàng hóa, cản đường lực lượng đuổi bắt. Nguy hiểm hơn, hành vi của tội phạm liên quan tới ma túy càng manh động và sẵn sàng dùng vũ khí nóng chống trả quyết liệt hòng thoát thân.

Đại diện lãnh đạo Công an tỉnh Nghệ An thăm, động viên đồng chí Đại úy Trần Xuân Sơn, cán bộ đội CSGT Công an huyện Nam Đàn tại bệnh viện.

Theo khoản 3, điều 7 Nghị định 73/2010/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội: phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi cản trở, không chấp hành yêu cầu của người thi hành công vụ hoặc có lời nói, hành động lăng mạ, xúc phạm danh dự hoặc chống lại người thi hành công vụ mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. 

Còn tại điều 330 - Bộ luật hình sự năm 2017 quy định, người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Với khung hình phạt khởi điểm là cải tạo không giam giữ, so với thực trạng của hành vi chống người thi hành công vụ hiện nay là không tương xứng. Bởi đơn cử như việc lao xe vào lực lượng cảnh sát là hành vi nguy hiểm mà đối tượng biết trước được khả năng có thể dẫn đến chết người nhưng vẫn cố tình thực hiện. Chính vì vậy, đối với trường hợp này phải được xử lý nghiêm nhằm ngăn ngừa răn đe chung.

Liên quan các vụ việc chống người thi hành công vụ thời gian vừa qua, Luật sư Nguyễn Thành Vinh - Đoàn luật sư tỉnh Nghệ An cho rằng: “Có thể xem xét xử lý hình sự về tội giết người đối với những lái xe hất văng CSGT kể cả trong trường hợp cảnh sát giao thông này không thiệt mạng. Hành vi đối với những trường hợp tương tự trên rõ ràng đã xâm phạm đến tính mạng của người khác, đủ yếu tố cấu thành nên Tội giết người được quy định tại điểm d, khoản 1 Điều 123 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung 2017 với tình tiết đó là giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân”.

Cần giải pháp ngăn chặn

Để hạn chế thấp nhất những vụ việc chống lại lực lượng làm nhiệm vụ, nhất là liên quan tới cảnh sát giao thông, trước hết là việc giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, chiến sỹ khi thực hiện nhiệm vụ. Điều này nhằm phòng ngừa, sai phạm, tiêu cực, đặc biệt đối với những cán bộ, chiến sỹ làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát. Mặt khác, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy trình công tác để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những hạn chế, tồn tại về tư thế, tác phong của cán bộ, chiến sỹ. 

Đồng thời, trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ cho cán bộ, chiến sỹ cũng là một biện pháp quan trọng nhằm chủ động trong việc ngăn chặn hành vi chống người thi hành công vụ. Bên cạnh đó, việc sử dụng máy ghi âm, ghi hình để ghi nhận lại tất cả thông tin, hình ảnh các vụ việc vi phạm cũng là biện pháp phòng ngừa tiêu cực của cán bộ, chiến sỹ khi thi hành công vụ. Đây đồng thời là bằng chứng để xử lý người vi phạm có hành vi chống đối.. 

Lực lượng Cảnh sát giao thông tăng cường tuần tra, kiểm soát xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Trao đổi về một số giải pháp nhằm hạn chế tình trạng chống người thi hành công vụ đối với lực lượng CSGT, đại diện Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Nghệ An cho biết: “Yêu cầu đặt ra trong khi thực hiện nhiệm vụ là cán bộ chiến sỹ CSGT phải có nghiệp vụ giỏi, tư thế, tác phong đúng mực, kỹ năng xử lý tình huống đúng pháp luật, ứng xử có văn hóa khi tiếp xúc với nhân dân. Khi lực lượng làm nhiệm vụ tiến hành dừng phương tiện, kiểm tra, xử lý phải đảm bảo đúng quy trình, quy định của pháp luật. Đối với các vụ chống người thi hành công vụ đã xảy ra, cán bộ, chiến sỹ trong tổ công tác phải hết sức bình tĩnh, khôn khéo thu thập đầy đủ thông tin, củng cố chứng cứ để làm bằng chứng xử lý đối tượng. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng xử lý các đối tượng chống đối”.

Ông Trần Lê Thắng - Phó chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh Nghệ An cho biết: “Tình trạng chống lại lực lượng CSGT phần nhiều do ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân còn kém. Chính vì vậy, ngoài xử lý trực tiếp trên đường thì phải truy đến cùng các vụ vi phạm để phạt nguội đối tượng. Hiện nay việc phạt nguội mới dừng ở mức độ thông báo, vẫn còn nhiều trường hợp chưa chấp hành, làm giảm hiệu lực, hiệu quả của việc xử phạt. Lực lượng CSGT phải phối hợp với các lực lượng khác để xử phạt triệt để đối tượng vi phạm. Bên cạnh đó, cần xử lý nghiêm hành vi chống CSGT để răn đe đối tượng, tạo dư luận lên án hành vi chống người thi hành công vụ, giữ gìn trật tự, kỷ cương”.

Các ngành chức năng và chính quyền địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật sâu rộng tới các tầng lớp nhân dân nhằm nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật, nhất là lứa tuổi thanh thiếu niên. Đồng thời, các lực lượng chức năng cần tăng cường công tác đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi và lên án mạnh mẽ hành vi chống người thi hành công vụ, qua đó góp phần giữ vững ổn định chính trị, xã hội không để các thế lực xấu lợi dụng, xuyên tạc, bôi nhọ hình ảnh lực lượng thực thi công vụ.

Bảo Linh

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện