Liên quan đến điều tra của Báo Giao thông về việc tài xế, chủ xe phải chi "tiền luật" cũng như việc mua bán "lốt" xe tại các cửa khẩu ở Lạng Sơn, trưa 14/1, trao đổi với PV Báo Giao thông, lãnh đạo Công an tỉnh Lạng Sơn cho biết: 2 cán bộ Đội trật tự đô thị huyện Cao Lộc, Lạng Sơn vừa bị bắt giữ, khởi tố về tội “Nhận hối lộ” là Lâm Văn Hưởng (SN 1983) và Nông Tuấn Anh (SN 1992).
Cả hai đều là viên chức hợp đồng của UBND huyện Cao Lộc.
Ngoài ra, trong vụ án này, bị can Đình Văn Thìn (SN 1979, trú tại xã Mai Pha, TP Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn) cũng bị khởi tố, bắt tạm giam về tội “Đưa hối lộ”.
Nhóm cán bộ nhận tiền mua "lốt" xe tại các cửa khẩu ở Lạng Sơn bị bắt |
Đến nay, cơ quan công an đã làm rõ hành vi của các bị can.
Theo đó, lợi dụng tình hình ách tắc tại các cửa khẩu, Đinh Văn Thìn đã làm giá với các chủ hàng, thu mỗi xe từ 200- 300 triệu đồng để cho vượt “lốt” lên thẳng cửa khẩu thông quan.
Để thực hiện hành vi trên, Thìn đã móc nối với Lâm Văn Hưởng và Nông Tuấn Anh, là những người được giao nhiệm vụ viết phiếu, đánh số thứ tự các xe ra, vào bãi phân luồng, chờ thông quan trên địa bàn để đổi phiếu, cho xe mua “lốt” lên thẳng cửa khẩu xuất hàng.
Mỗi xe trót lọt như vậy, Thìn phải đưa cho các cán bộ trên 50 triệu đồng.
Bước đầu cơ quan công an đã làm rõ, Đinh Văn Thìn đã đưa cho các cán bộ trên tổng số tiền 800 triệu đồng.
Hiện, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Lạng Sơn đang tiếp tục điều tra, mở rộng vụ án để xử lý nghiêm các đối tượng liên quan khác.
Theo điều tra của PV, mỗi xe xuất khẩu nông sản qua cửa khẩu ở Lạng Sơn ngoài việc tài xế và chủ xe phải chi tiền “làm luật” hàng chục triệu đồng, chủ hàng muốn được thông quan nhanh còn phải chi cả trăm triệu đồng để mua “lốt”.
Theo quy định, tại các cửa khẩu biên giới, các tài xế chở hàng phải ăn, nghỉ trên xe hoặc đến khu cách ly tập trung tại cửa khẩu để phòng, chống dịch.
Trong khi đó, chủ xe, chủ hàng cũng không thể đến tận nơi để hoàn thiện thủ tục thông quan, xuất khẩu hàng hóa. Vì thế, việc xuất khẩu nhanh hay chậm đều trông chờ vào các “nhà luật” (một dạng “cò” thủ tục hành chính).
Theo phản ánh, trước đây cả “tiền luật” và chi phí xuất hàng qua Trung Quốc tại cửa khẩu chỉ từ 6 - 8 triệu đồng. Tuy nhiên, từ khoảng cuối tháng 12/2021 đến nay, “tiền luật” bị các “nhà luật” nâng cao bất thường, lên tới hàng chục triệu đồng.
Tuy nhiên các lái xe không được thỏa thuận, không được cung cấp hóa đơn, chứng từ liên quan để chứng minh.
Đáng chú ý, chủ hàng muốn thông quan nhanh còn phải chi cả trăm triệu đồng để mua “lốt”. Xe nào mua “lốt” thì được lên cửa khẩu sớm hơn, còn không phải nằm chờ, có khi thời gian thông quan lên tới 20 ngày.
Theo thống kê, chỉ tính từ ngày 25/12/2021, tại 3 cửa khẩu của Lạng Sơn tồn gần 5.000 xe.
Đến ngày 12/1/2022 (sau 17 ngày) đã được giải phóng 3.200 xe, còn 1.800 xe. Hiện nay, trung bình mỗi ngày có khoảng 65 - 80 xe được làm thủ tục thông quan.
Nếu đúng như các tài xế phản ánh, số tiền “luật” mà các tài xế, chủ xe phải chi cho các “nhà luật” lên tới 800 triệu - 1 tỷ đồng mỗi ngày (chỉ tính mức 10 triệu đồng/xe, chưa tính tiền mua “lốt” của chủ hàng).
Và với diễn biến mới khi công an bắt giữ 3 đối tượng về tội nhận và đưa hối lộ kể trên, với số tiền từ 200- 300 triệu/"lốt" xe, có thể thấy các đối tượng đã câu kết để chiếm hưởng số tiền "khủng" tới mức nào của các chủ hàng.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin