Pháp luật

Bán xe cho kẻ cướp ngân hàng ở Hải Phòng, chủ cửa hàng có liên đới trách nhiệm?

13:08, 10/01/2022
Theo luật sư, các cơ quan chức năng cần điều tra, xác minh rõ trách nhiệm của các bên liên quan mới có thể xử lý đúng mức hình phạt của từng đối tượng trong vụ cướp ngân hàng ở Hải Phòng.

Chủ cửa hàng bán mô tô cho kẻ cướp ngân hàng ở Hải Phòng có phải chịu trách nhiệm?

Liên quan đến vụ việc cướp ngân hàng Vietcombank ở quận Hải An, TP Hải Phòng, hiện đối tượng Nguyễn Văn Nam (SN 1998, trú ở xã Nghĩa Lộ, huyện Cát Hải, Hải Phòng) đã bị bắt khi đang lẩn trốn tại Thái Nguyên cùng xe mô tô phân khối lớn. Trao đổi với phóng viên VOV.VN, luật sư Diệp Năng Bình – Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết, căn cứ vào các quy định hiện hành nếu Nam dùng tài sản do Nam phạm tội (cướp ngân hàng) mà có để mua chiếc mô tô phân khối lớn trị giá 700 triệu đồng thì chiếc xe cùng số tiền còn lại sẽ bị tạm thời tịch thu.

Camera ghi lại cảnh Nam cướp ngân hàng. (Ảnh: Đ.X)

Đối với chiếc xe máy phân khối lớn trị giá 700 triệu mà đối tượng này đã bỏ tiền cướp được ra mua, cơ quan chức năng sẽ làm rõ bên bán xe có biết tiền này là do phạm tội mà có hay không, nếu có thì sẽ bị khởi tố hình sự về tội tiêu thụ tài sản do phạm pháp mà có”, Luật sư Bình nhận định.

Luật sư Bình phân tích, trong trường hợp đối tượng Nam không nói, người bán xe cũng không biết tiền mua xe là của đối tượng vừa cướp ngân hàng, thì sẽ xảy ra 2 trường hợp sau:

Nếu việc mua bán đã hoàn thành, hai bên đã ký hợp đồng bằng văn bản có công chứng hoặc chứng thực, đã đăng ký theo quy định pháp luật, thì hợp đồng mua bán có hiệu lực pháp luật, bên bán được xác định là người thứ ba ngay tình theo quy định của Bộ luật Dân sự và pháp luật phải bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình. Trường hợp này, chiếc xe sẽ bị cơ quan chức năng thu giữ, kê biên và bán đấu giá để hoàn trả tiền cho ngân hàng.

“Sau khi khấu hao, đối tượng Nam sẽ phải bù vào phần chênh lệch giá trị đó để cơ quan chức năng trao trả lại cho bên bị hại là ngân hàng Vietcombank”, Luật sư Bình nhấn mạnh.

Trường hợp thứ hai, việc mua bán chưa hoàn thành, chưa ký hợp đồng bằng văn bản có công chứng hoặc chứng thực, cũng như chưa đăng ký quyền sở hữu thì giao dịch này chưa hợp pháp. Bên bán xe có thể yêu cầu nhận lại chiếc xe này và nộp lại số tiền đã nhận của đối tượng gây án để trả lại cho phía người bị hại là ngân hàng. Và tương tự thì sau khi khấu hao, đối tượng Nam sẽ phải bù vào phần chênh lệch giá trị đó để cơ quan chức năng trao trả lại cho bên bị hại là ngân hàng Vietcombank. 

Nam dùng tiền cướp được để mua xe và hình ảnh sau đó bị công an bắt.
Các nghi phạm liên quan có thể bị truy tố

Theo lời khai của đối tượng Nguyễn Văn Nam (SN 1998, trú ở xã Nghĩa Lộ, huyện Cát Hải, Hải Phòng), trước khi gây án, Nam qua lại một người bạn tên N.M.H. (24 tuổi, trú cùng quê). Sau khi cướp ngân hàng, Nam cũng hẹn người bạn này đón chở về nhà rồi đi Vĩnh Phúc thuê nhà nghỉ.

Với tình tiết này, luật sư Diệp Năng Bình cho rằng, cơ quan điều tra sẽ cần thu thập lời khai, chứng cứ để xác định việc H. có biết chuyện Nam sẽ thực hiện hành vi cướp ngân hàng hay không để xác định yếu tố đồng phạm trong vụ việc này, tránh bỏ lọt tội phạm.

 
“Nếu H. biết mà vẫn đồng ý chở nghi phạm đến ngân hàng để cướp thì H. có thể bị truy tố về tội "Cướp tài sản" với vai trò là người giúp sức. Trường hợp H. không biết kế hoạch phạm tội của bạn mình thì sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự”, luật sư Bình phân tích.

Luật sư Bình nêu ra chi tiết rất quan trọng không thể không nhắc đến là khẩu súng mà Nam sử dụng để đe dọa, uy hiếp bảo vệ, nhân viên ngân hàng.

“Cơ quan điều tra sẽ phải làm rõ hung khí trên có phải là vũ khí quân dụng hay không, hoặc có tính năng tác dụng tương tự vũ khí quân dụng hay không để xem xét về hành vi "Tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng". Nếu xác định đó là vũ khí quân dụng hoặc tính năng, tác dụng tương tự vũ khí quân dụng thì Nam sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng, quy định theo Điều 304 Bộ luật hình sự 2015’, luật sư Diệp Năng Bình nhấn mạnh./.

Công an bước đầu xác định, Nam làm nghề xăm hình nghệ thuật, di chuyển ở nhiều tỉnh, thành khu vực phía Bắc, tập trung chủ yếu Quảng Ninh và Vĩnh Phúc. Trong thời gian không có việc làm và tiền chi tiêu, Nam nảy sinh ý định mua súng và một số công cụ khác để cướp tiền ngân hàng.

Chiều 7/1, Nam đến phòng giao dịch của Ngân hàng Vietcombank ở đường Đình Vũ (quận Hải An) chĩa súng đe dọa nhân viên giao dịch và cướp số tiền hơn 3 tỷ đồng rồi bỏ trốn. Đến 23h ngày 8/1, Nam bị cảnh sát bắt giữ khi đang lẩn trốn tại nhà nghỉ ở tổ dân phố số 3, phường Bắc Sơn (thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên).

Qua xác minh, nhà chức trách xác định, Nam đã mất bố, sống cùng mẹ và em trai tại xã Nghĩa Lộ, huyện Cát Hải. Năm 2011, Nam từng bị áp dụng biện pháp đưa đi trường giáo dưỡng. Về địa phương, anh ta làm thợ xăm, thường xuyên vắng mặt tại nơi cư trú.

 

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện